Đồng bằng Sông Cửu Long: Cần lắm những con đường
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bao gồm 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công...

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL đã hoàn thành, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố an ninh – quốc phòng của khu vực. Tuy nhiên chưa phát huy được hết thế mạnh sẵn có một phần do kết cấu hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ. Theo thống kê, tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 là 67.552 tỷ đồng, chiếm 12,26% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Các công trình, dự án trọng điểm gồm: đường bộ cao tốc TP.Hồ Chí Minh -Trung Lương; các cầu lớn: Cổ Chiên, Năm Căn, Mỹ Lợi, Năm Căn, Cái Tắt, An Hữu, Rạch Sỏi và phà Đại Ngãi; mở rộng QL1 Cần Thơ - Phụng Hiệp; hoàn thành tuyến Nam Sông Hậu; nâng cấp các quốc lộ: QL91 đoạn Châu Đốc-Tịnh Biên - Hà Tiên, QL53 Trà Vinh, QL54 Đồng Tháp, đường hành lang ven biển giai đoạn 1, QL61 Kiên Giang, QL80 Đồng Tháp, QL91 Châu Đốc-Tịnh Biên-Hà Tiên; nâng cấp Kênh chợ Gạo giai đoạn 1; phát triển giao thông vận tải thủy 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; Luồng tàu biển lớn vào sông Hậu; một số công trình tại cảng hàng không Phú Quốc, Cần Thơ...;

Giai đoạn 2016-2020 tổng số vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,15% tổng vốn đầu tư thực hiện của cả nước. Các công trình, dự án trọng điểm gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi,   cầu Long Bình; Luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, Dự án kết nối vùng Đồng bằng Mê Kông, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, mở rộng tuyến tránh Tân An, QL91 đoạn Cần Thơ – An Giang, tuyến tránh Cai Lậy, tuyến tránh Sóc Trăng, Mở rộng cửa ngõ Bạc Liêu, mở rộng QL60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên. Trong đó, riêng từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã đồng ý bố trí 10.607 tỷ đồng để triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, tuyến tránh TP.Long Xuyên, QL57 Bến Tre và Vĩnh Long, QL53 Trà Vinh - Long Toàn, QL30 Cao Lãnh - Hồng Ngự, nâng cấp tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp.

Để ĐBSCL sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, phát triển của cả nước cần có một hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, bền vững theo Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, tăng cường kết nối giao thông vận tải giữa thành phố HCM với các tỉnh ĐBSCL, đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá, đặc biệt là xuất nhập khẩu hàng hoá, nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trong thời gian tới, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm, tập trung nguồn lực cho vùng ĐBSCL để thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Về đường bộ, tập trung đầu tư hệ thống đường cao tốc đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn NSNN hỗ trợ 2.186 tỷ đồng để UBND tỉnh Tiền Giang hoàn thiện các thủ tục theo quy định và tiếp tục triển khai thi công, đảm bảo tiến độ thông xe trong năm 2020; Cầu Mỹ Thuận 2: Bộ GTVT sẽ tập chung chỉ đạo triển khai, phấn đấu khởi công xây dựng trong Quý III năm 2019, hoàn thành năm 2023; Đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn NSNN hỗ trợ 932 tỷ đồng cho Dự án để Bộ GTVT đủ điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn Nhà đầu tư, phấn đấu khởi công Quý III năm 2020, hoàn thành Quý II năm 2022; Đoạn Cần Thơ – Cà Mau: Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho nghiên cứu để đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ – Cà Mau trong giai đoạn trước năm 2030; Tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây: Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh lộ trình đầu tư nâng cấp đoạn từ Đức Hòa – Mỹ An lên giai đoạn trước năm 2030, đảm bảo đồng bộ với tuyến Cao Lãnh – Vàm Cống – Rạch Sỏi đã và đang được đầu tư. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Trà Vinh – Hồng Ngự vào quy hoạch mạng đường bộ Việt Nam, trước mắt giai đoạn 2021-2025 cho phép huy động nguồn vốn đầu tư trước đoạn từ An Hữu đến Cao Lãnh kết nối 2 tuyến cao tốc trục dọc phía Đông và phía Tây; bổ sung tuyến trục động lực TP.HCM – Long An – Tiền Giang vào quy hoạch mạng đường bộ quốc gia (tuyến QL50B) theo đề nghị của các địa phương để có cơ sở kêu gọi đầu tư, tăng cường kết nối giữa thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL.

Về các tuyến cao tốc trục ngang, cần quan tâm đầu tư tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng: Hiện nay, QL91 đã được đầu tư nâng cấp phù hợp với quy hoạch, tuy nhiên do nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang trục ngang trung tâm của vùng ĐBSCL là rất lớn, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh lộ trình đầu tư để kêu gọi nguồn vốn đầu tư tuyến cao tốc này trong giai đoạn trước năm 2030, đảm bảo kết nối đến cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng sau khi được xây dựng và kết nối với các cửa khẩu dọc biên giới Campuchia; tuyến Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu: Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho điều chỉnh lộ trình đầu tư đoạn từ Rạch Giá đến Hà Tiên lên giai đoạn trước năm 2030 và sẽ phối hợp với các bộ ngành và tỉnh Kiên Giang xúc tiến, kêu gọi nguồn vốn đầu tư trước đoạn Rạch Giá – Hà Tiên để kết nối với tuyến đường hành lang ven biển phía Nam giai đoạn 1.

Về hệ thống đường quốc lộ và các tuyến giao thông kết nối liên vùng, cần tập trung chỉ đạo để hoàn thành các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trong vùng đã được bố trí vốn như: Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến tránh thành phố Long Xuyên, mở rộng tuyến tránh thành phố Tân An; cải tạo, nâng cấp các tuyến: QL53 đoạn Trà Vinh – Long Toàn, QL30 đoạn Cao Lãnh – Hồng Ngự, QL57 đoạn bến phà Đình Khao đến thị trấn Mỏ Cày, nâng cấp mặt đường tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp… Kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đáp ứng nhu cầu để đầu tư các tuyến cao tốc, nâng cấp các tuyến quốc lộ trọng yếu trong vùng theo quy hoạch được duyệt, từng bước hoàn chỉnh mạng giao thông đường bộ của khu vực. Và để nối thông tuyến tuyến hành lang phía Đông của vùng ĐBSCL, kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư cầu Đại Ngãi bằng nguồn vay ODA của Nhật Bản; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư để triển khai xây dựng cầu Rạch Miễu 2 và nâng cấp Quốc lộ 60 qua địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng trong giai đoạn 2021-2025; Đề nghị thành phố Hồ Chí Minh sớm bố trí vốn đầu tư hoàn chỉnh tuyến QL50 trên địa bàn thành phố đến giáp tỉnh Long An (dài 8,5km) để kết nối với tuyến QL50 qua tỉnh Long An và Tiền Giang đã được đầu tư. Kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với các bộ ngành và địa phương khẩn trương kêu gọi nguồn vốn đầu tư, từng bước hoàn chỉnh tuyến vành đai 3, vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, kết nối Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL.

Về hàng hải và đường thủy nội địa, ĐBSCL có tổng chiều dài đường thủy lên tới 14.826,4km, toàn vùng có tới 57 cảng thủy nội địa, 3.988 bến thủy nội địa và 1.404 cảng, bến, hầu như tỉnh nào cũng có cảng phục vụ vận tải thủy, tuy nhiên, trên 85% các cảng có quy mô nhỏ lẻ, manh mún từ 10.000 tấn đến dưới 100.000 tấn/năm, chủ yếu phục vụ nhu cầu xếp dỡ hàng rời, thiếu các cảng chuyên dùng cho container, chưa có bến gom hàng cho các cảng thủy nội địa lớn trong vùng. Hiện nay, nhu cầu xuất khẩu hàng hóa của ĐBSCL phần lớn vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ, ước đạt khoảng 17-18 triệu tấn/năm, tăng bình quân tăng từ 10% - 15%/năm, với năng lực của cảng cảng Cái Cui - cảng lớn nhất ĐBSCL cũng chỉ mới tiếp nhận được tàu khoảng 3.000 - 5.000 tấn (trong đó, cụm cảng ở Cần Thơ là đầu mối tập trung hàng hóa trong vùng, hướng chuyển trực tiếp qua cửa biển Đông đã và đang gặp nhiều khó khăn là do các cửa chính Định An, cửa Tiểu thuộc sông Tiền, sông Hậu bị bồi lắng nhiều và nhanh, phải nạo vét thường xuyên). Vì vậy, 70 - 80% lượng hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL phải dồn hết lên cụm cảng TP.HCM bằng đường bộ. Điều này làm tăng áp lực giao thông đường bộ trên Quốc lộ 1 và tại TP.HCM, chi phí hàng hóa tăng cao do vận chuyển và lưu kho (hiện tại, chi phí vận chuyển xà lan từ Cần Thơ đến cảng TPHCM bình quân là 3,6 triệu đồng/cont 20 feet và khoảng 5,8 – 6,6 triệu đồng/cont 40 feet  thời gian lưu chuyển là 24 giờ, chi phí này đối với đường bộ là 8,2 triệu/cont 20 feet và 9,5 triệu/cont 40 feet, với thời gian là 08 giờ), chưa kể thời gian vận chuyển kéo dài, bất lợi đối với hàng nông sản và giảm lợi thế cạnh tranh của nông sản hàng hóa vùng. Bên cạnh đó, cảng TP Hồ Chí Minh đã quá tải, không chỉ gồng gánh cho thành phố mà còn cho cả ĐBSCL. Từ chỗ quá tải dẫn đến chi phí tăng cao. Với dự báo tốc độ tăng trưởng của ĐBSCL trong vòng 10 - 20 năm tới thì lượng hàng hóa rất lớn. Do vậy, nếu có một cảng biển cho vùng, sẽ giúp khả năng luân chuyển hàng hóa tốt hơn, với chi phí hợp lý hơn. Chính vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm đến việc đầu tư, xây dựng bến cảng cho vùng ĐBSCL theo Quyết định 1037 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3383 của Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch hệ thống Cảng biển ĐBSCL, theo đó, ĐBSCL được quy hoạch khoảng 30 bến cảng cho tàu có trọng tải từ 5.000 đến 200.000 tấn (gồm cảng hàng hóa tổng hợp và cảng than).

Trong đó, cảng Định An - Trà Vinh (khởi công xây dựng vào tháng 7/2019), với quy mô 120ha, tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng với 03 bến cảng, dự kiến bến số 1 sẽ hoàn thành vào tháng 6/2020, bến số 2 và số 3 sẽ hoàn thành trong năm 2021, khi hoàn thành đây sẽ là cảng vận chuyển hàng hóa lớn nhất trong khu vực ĐBSCL thuộc nhóm cảng biển số 6. Là cảng tổng hợp loại 2 của khu vực, khi hoàn thành sẽ bảo đảm cho tàu có trọng tải từ 30.000 tấn đầy tải đến 50.000 tấn vơi tải (với thiết kế hiện tại có độ âm từ 9,5m), tuy nhiên theo thiết kế năng lực của cảng có thể nạo vét độ âm khoảng 16,5m sẽ đáp ứng cho tàu có trọng tải từ 70.000 tấn đến 160.000 tấn cập cảng dễ dàng, bao gồm trung tâm logistics sau cảng. Năng lực thông quan năm 2030 khoảng 3,6 đến 5,4 triệu tấn/năm và về lâu dài được quy hoạch là cảng tổng hợp, công ten nơ tiềm năng cho tàu biển trọng tải lớn làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp cho vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, việc đầu tư cảng tại Định An – Trà Vinh là phù hợp.

Mặt khác, việc xây dựng cảng tại Trà Vinh hiện nay là rất phù hợp còn bởi các lý do: (1) Khu kinh tế Định An được Chính phủ thành lập với diện tích 39.020 ha và được lựa chọn trong 08 nhóm khu kinh tế ven biển trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020. (2) Có Luồng tàu biển có tải trọng lớn vào Sông Hậu (Kênh đào Trà Vinh), được xem là lối ra huyết mạch, ổn định lâu dài của khu vực ĐBSCL, Luồng tàu biển này sẽ thúc đẩy phát triển việc kết nối logistics trong nội vùng ĐBSCL, dự kiến đến năm 2020, lượng hàng hóa vận chuyển qua luồng tàu này có thể lên đến trên 30 triệu tấn/năm. (3) Hiện nay 90% hàng hóa xuất nhập khẩu ra, vào ĐBSCL được vận chuyển bằng đường biển nhưng 80% hàng hóa lại thông qua cụm cảng Đông Nam bộ. Từ các lý do nêu trên, đề xuất Trung ương xem xét quy hoạch Cảng tổng hợp Định An, tỉnh Trà Vinh vào hệ thống cảng biển Việt Nam, đáp ứng cho tàu trọng tải 70.000 đến trên 160.000 DWT, là cửa ngỏ quốc tế phục vụ nhu cầu phát triển Khu kinh tế Định An và nhu cầu xuất nhập khẩu cho toàn vùng ĐBSCL, phù hợp với nhu cầu và định hướng phát triển của vùng.

Bên cạnh đó, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dư của Dự án Luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu (1.515 tỷ đồng) để tiếp tục thực hiện Dự án Luồng tàu biển có tải trọng lớn vào sông Hậu giai đoạn hoàn chỉnh, đảm bảo ổn định luồng tàu, duy trì tuyến vận tải công ten nơ kết nối khu vực ĐBSCL với các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ (Cát Lái, Cái Mép - Thị Vải). Bởi vì đây là đường thủy quan trọng bậc nhất, bảo đảm vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu cho toàn vùng ra vào biển Đông, nhưng hiện nay do hoạt động của tàu bè công suất lớn và vùng đất mới đào nên đã bị sạt lở nghiêm trọng (tính trong năm 2016, 2017, 2018, đã sạt lở 452.912 m2, địa phương đã xuất ngân sách hỗ trợ cho dân trên 90 tỷ đồng) ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và môi trường, cần có kè ở những nơi xung yếu để tránh bị sạt lở...

Về hàng không, kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu nâng công suất cảng hàng không quốc tế Phú Quốc để đáp ứng nhu cầu hành khách ngày càng tăng cao. Chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam khuyến nghị các hãng hàng không nghiên cứu, đầu tư các loại tàu bay thế hệ mới như A319/320/neo/ceo có sức chứa từ 160 - 165 hành khách, có khả năng khai thác hiệu quả hơn ATR72 đối với các tuyến bay ngắn, chiều dài đường cất hạ cánh hạn chế để có thể khai thác tuyến bay Tân Sơn Nhất – Rạch Giá và Tân Sơn Nhất – Cà Mau, đồng thời giảm được giá vé để thu hút hành khách trên các tuyến bay này.

Về đường sắt, để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu vận tải trong giai đoạn tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với thành phố HCM và các tỉnh liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch (nếu cần thiết) và kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt kết nối từ thành phố HCM đến Cần Thơ phù hợp với định hướng Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cả nước được chia thành 7 vùng kinh tế nông nghiệp thì ĐBSCL là vùng đồng bằng châu thổ lớn nhất với 4 triệu ha đất tự nhiên, 28.000 km sông rạch, ba mặt giáp biển, dân số 18 triệu người, là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp (50% sản lượng lúa, 70% lượng trái cây), thủy sản (52%) lớn nhất nước, đóng góp 90% số lượng gạo xuất khẩu và 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy nhiên ở đây đời sống tinh thần và vật chất của đồng bào còn thấp, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người, điều kiện sống của người dân còn thấp so với nhiều vùng trong cả nước, một phần nguyên nhân là do kết nối hạ tầng giao thông của ĐBSCL vẫn còn yếu.

Bên cạnh đó, nguy cơ lớn nhất trước mắt cho ĐBSCL là vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường. “Cửu Long cạn nguồn”! Đó là lời báo động S.O.S., cấp bách và có thực. Do đó cấp thiết phải tiến hành qui hoạch tổng thể lại cho toàn vùng ĐBSCL bước vào thời hậu WTO và sớm hình thành một Ban Chỉ đạo thống nhất đặc trách phát triển thuộc cấp nhà nước cao nhất. Có như vậy thì ĐBSCL mới mong đối đầu được với cuộc khủng hoảng môi trường trước mắt cũng như vực dậy một vựa lương thực thực phẩm lớn nhất nước này.


Kiến Quốc – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 32
  • Trong tuần: 1 216
  • Tất cả: 3085668