HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI KẾT LUẬN CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỊNH HƯỚNG CHƯƠNG TRÌNH XÂY DỰNG PHÁP LUẬT NHIỆM KỲ QUỐC HỘI KHÓA XV
Ngày 03/11/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Kết luận về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV với sự chủ trì của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các đồng chí Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Nội chính Trung ương và đại diện lãnh đạo Chính phủ. Tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, thành phần dự gồm có ông Ngô Chí Cường, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các vị Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị tỉnh; đại diện Thường trực HĐND, UBMTTQVN tỉnh, Sở Tư pháp, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Thay mặt Bộ Chính trị, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu quán triệt, chỉ đạo việc triển khai Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo tổng quan về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị. Theo báo cáo kết quả xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã tiếp tục đẩy mạnh công tác lập pháp, tập trung xây dựng và ban hành số lượng lớn văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Cụ thể đã ban hành 73 luật và 20 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 02 pháp lệnh và 31 nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Kết quả hoạt động xây dựng pháp luật của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân; thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với nhiều nội dung đổi mới, tiến bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế; cụ thể hóa và xây dựng, hoàn thiện cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc; mở rộng quan hệ đối ngoại, tăng cường hội nhập quốc tế. 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định như chưa thực sự đầy đủ, chưa được cập nhật để kịp thời đáp ứng nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan; vẫn còn có định hướng đã được nêu trong các văn kiện của Đảng, quy định của Hiến pháp nhưng chưa được thể chế hóa đầy đủ, kịp thời; tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của một số quy định chưa cao; chưa khắc phục được tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật; khả năng thích ứng của một số quy định trước những biến chuyển nhanh chóng của thực tiễn còn hạn chế; một số quy định bất cập, gây kìm hãm, cản trở sự phát triển, nhưng chậm được nghiên cứu sửa đổi, tháo gỡ. Việc chuẩn bị một số đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa bảo đảm yêu cầu về chất lượng và tiến độ; việc thực hiện một số bước trong trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, như tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách, tính dự báo của Chương trình còn hạn chế, dẫn đến tình trạng lùi, rút dự án hoặc bổ sung dự án mới còn khá phổ biến; việc dự liệu các dự án cần ban hành để đưa vào Chương trình nhằm “gối đầu” cho Chương trình của năm tiếp theo còn thấp, làm cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong nhiều trường hợp lâm vào tình trạng bị động, ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra, xem xét, ban hành văn bản,...
Để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của Quốc hội, việc xây dựng định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hết sức cần thiết. Qua đó, căn cứ Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Đề án xác định mục tiêu công tác lập pháp của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, gắn với 12 định hướng phát triển đất nước, 06 nhiệm vụ trọng tâm và 03 đột phá chiến lược được đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 

Quang cảnh hội nghị (Ảnh: Quốc hội)

Trên cơ sở đó, Đề án của Đảng đoàn Quốc hội đã xác định 08 nhóm định hướng lớn để triển khai thực hiện công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cụ thể:
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn cản trở sự phát triển.
Thứ hai, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ; xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
Thứ ba, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.
Thứ tư, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ năm, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thứ sáu, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Thứ bảy, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ; tiếp tục cụ thể hóa đầy đủ quyền con người, quyền công dân.
Thứ tám, Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội lựa chọn, xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cụ thể cần thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và đưa ra nhiệm vụ cụ thể trong từng năm để thực hiện đảm bảo tiến độ mà Đề án đã đề ra. Bên cạnh đó, Hội nghị đã nghe 09 đơn vị, Bộ, ngành trung ương tham luận, đề xuất các giải pháp đảm bảo thực hiện Đề án của Đảng đoàn Quốc hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật.
Phát biểu bế mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và đề nghị các cơ quan cần hết sức nghiêm túc, khẩn trương ban hành các kế hoạch, các chương trình tổ chức thực hiện Kết luận số 19-KL/TW, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đáp ứng nhu cầu thực tiễn, siết chặt kỷ cương lập pháp của tổ chức, cá nhân, ưu tiên sửa đổi những dự thảo luật lớn, khắc phục nút nghẻn, những dự án luật còn chồng chéo,… góp phần đẩy mạnh vai trò của cơ quan lập pháp và cũng là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước bền vững đã được Đảng ta đề ra từ Đại hội XI và tiếp tục được xác định là khâu đột phá trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Đại hội XIII và cả giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

Trần Thị Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 65
  • Trong tuần: 1 249
  • Tất cả: 3085701