QUỐC HỘI THẢO LUẬN TRỰC TUYẾN VỀ DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Chiều ngày 23/10/2020, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Tại điểm cầu Trà Vinh có ông Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH; ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách cùng toàn thể các vị đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Trà Vinh tham dự.

Các đại biểu tham dự buổi thảo luận chiều ngày 23/10/2020 
tại Nhà Quốc hội

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đã có 94 lượt ý kiến phát biểu thảo luận ở Tổ và 17 lượt ý kiến phát biểu thảo luận tại Hội trường. Qua thảo luận cho thấy, về cơ bản các vị đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tham vấn, lấy ý kiến và yêu cầu Cơ quan soạn thảo gửi bổ sung báo cáo, giải trình để chỉnh lý dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động; Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; chính sách đối với người lao động; quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tại phiên họp, các đại biểu tập trung cho ý kiến về các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau như: về đối tượng áp dụng; về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ; về tiền dịch vụ; về trách nhiệm quản lý nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động; ... Trong đó, quy định về đối tượng áp dụng tại Điều 2 và Điều 5 của Dự thảo Luật nhận được nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu Quốc hội. Một số đại biểu tán thành với việc giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực hiện thỏa thuận quốc tế như đề xuất của Chính phủ, Cơ quan soạn thảo.

Ông Thạch Phước Bình – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh
phát biểu ý kiến đóng góp Luật Người lao động Việt nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại điểm cầu Trà Vinh

Tham gia ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật này, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng quy định 06 chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là chưa rõ, ông đề nghị cần có quy định những chính sách đặc thù đối với lao động nữ, lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực tế cho thấy, ở nước ta, trung bình mỗi năm có hơn 80 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tỷ lệ lao động nữ chiếm khoảng 35 đến 40% tổng số lao động di cư và có xu hướng gia tăng. Khi tham gia vào thị trường lao động nước ngoài, lao động nữ Việt Nam có cơ hội nâng cao quyền năng, độc lập về kinh tế. Tuy nhiên, phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, rào cản hơn so với lao động là nam giới cả trước, trong và sau khi di cư lao động. Trước khi đi lao động nước ngoài, lao động nữ bị hạn chế trong tiếp cận thông tin tuyển dụng, hạn chế trong việc được đào tạo an toàn, hiệu quả và di cư hợp pháp. 

Đồng thời, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động theo hướng bình đẳng, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có kiến thức về giới, năng lực giải quyết vấn đề giới của lao động nữ di cư; bổ sung quyền và nghĩa vụ của người lao động, quyền được trở về nước hoặc thay đổi công việc trong trường hợp có vi phạm quyền lao động; quyền con người, đặc biệt trong trường hợp bị bạo lực, quyền tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý và các dịch vụ xã hội, y tế, tâm lý, tại quốc gia nơi người lao động làm việc; quyền tiếp cận dịch vụ hỗ trợ việc làm và tạo việc làm sau khi trở về cũng như dịch vụ tái hòa nhập cộng đồng bình đẳng giữa nam và nữ; bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động sau khi về nước; bổ sung nhiệm vụ của Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn mà không phải do lỗi của người lao động mà là nạn nhân của xâm hại, quấy rối tình dục, bạo lực giới, bóc lột sức lao động, dịch bệnh…
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết thêm, thực tế đã xuất hiện nhiều hình thức lao động nước ngoài không theo hợp đồng với các hình thức lao động mới. Các loại lao động này gặp nhiều rủi ro: không được bảo hộ hợp pháp, dễ bị lạm dụng sức lao động, rơi vào đường dây buôn bán, lừa đảo, dễ bị cảnh sát địa phương bắt giữ, gây khó khăn trong công tác quản lý người lao động cả ở Việt Nam và quốc gia tiếp nhận lao động… Do đó, ông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có những quy định mang tính nguyên tắc nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ có phương án quản lý đối với loại hình lao động không theo hợp đồng như đã nêu trên.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, đa số các ý kiến của đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý và nhiều nội dung của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, làm rõ; do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý thấu đáo, đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu quốc hội để hoàn thiện Dự thảo Luật, trình Quốc hội xem xét thông qua.

Hữu Phúc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 1 089
  • Tất cả: 3085727