Thảo luận đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng
Sáng ngày 18/11/2019, Tổ đại biểu số 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Trà Vinh, Quảng Nam, Bình Định và Lai Châu tiếp tục thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Ông Thạch Phước Bình - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH phát biểu tại buổi  thảo luận tổ ngày 18.11.2019

Tại buổi thảo luận, Đại biểu Quốc hội tổ 13 có 15 ý kiến phát biểu, về cơ bản các đại biểu cho rằng việc ban hành sửa đổi, bổ sung đối với các dự án Luật nêu là rất cần thiết vì qua quá trình thực hiện Luật còn nhiều điểm bất cập, cần bổ sung hoàn chỉnh. Tuy nhiên, trong dự án Luật sửa đổi lần này phần lớn các đại biểu quan tâm nhiều đến vấn đề cấp phép trong xây dựng, việc công khai các thủ tục, quy trình, thiết kế trong xây dựng phải phù hợp với các quy định của luật có liên quan; một số nội dung đến công tác phòng, chống thiên tai chưa được Luật đề cập nên cần quan tâm điều chỉnh trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung lần này.
Tham gia phát biểu tại buổi thảo luận ông Thạch Phước Bình cho rằng, thời gian qua Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Đê điều và các văn bản hướng dẫn các Luật này đã tạo hành lang pháp lý trong công tác phòng chống thiên tai, công tác quản lý đê điều, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thi hành các Luật đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc lớn, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình hiện nay.
Đối với Luật Phòng, chống thiên tai, bên cạnh việc đề nghị bổ sung một số nội dung cho phù hợp thực tiễn, riêng việc quy định nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai ông đề nghị giữ nguyên như Luật hiện hành vì công tác phòng chống thiên tai là nhiệm vụ của mọi người dân, mọi tổ chức xã hội. Việc sửa đổi Điểm c trong Khoản 4 Điều 15 Kế hoạch phòng, chống thiên tai cho cấp tỉnh như dự thảo là quá nặng nề, do tỉnh không đủ số liệu để dự báo và lập kế hoạch nên cần xem xét điều chỉnh. Đồng thời Luật phòng chống Thiên tai trong Điều 30 sửa đổi, bổ sung hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai chỉ nên khoanh lại việc sửa chữa, khôi phục, nâng cấp, xây mới công trình phòng chống thiên tai không bao gồm giao thông, thông tin, thủy lợi, điện lực. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị việc thu và quản lý, sử dụng, công khai quỹ phòng, chống thiên tai trong thời gian tới nên có cơ chế quản lý chặt chẽ,
Đối với Luật Đê điều sửa đổi, ông đề nghị nêu rõ khái niệm Đê là gì, cũng theo ông, nên hiểu đúng đê là công trình đắp bằng đất, đá dọc theo bờ sông, bờ biển nhằm ngăn nước tràn vào đồng ruộng và các khu dân cư; trường hợp nạo vét luồng lạch nên thực hiện theo quy định tại Nghị định 159/2018/NĐ-CP ngày 28/11/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy vì cơ bản đối với nội dung này Nghị định đã quy định khá rõ.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, ông cho rằng hiện nay quy trình, thủ  tục việc cấp phép xây dựng là rất nhiêu khê, tốn nhiều thời gian nên cần xem xét điều chỉnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Luật cần nghiên cứu quy định các điều luật đồng bộ với các luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu,…do hiện nay có quá nhiều luật cùng tham gia điều chỉnh về một vấn đề dẫn đến tình trạng mâu thuẫn giữa các luật về cùng một vấn đề như quy định Hợp đồng xây dựng Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu cùng hướng dẫn. Về đóng bảo hiểm hợp đồng lao động ngắn hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng của ngành xây dựng: Theo quy định của Luật Bảo hiểm Xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, quy định “người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tựơng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng, ông kiến nghị Quôc hội cần xem xét tháo gỡ cho doanh nghiệp. Về cấp chứng chỉ hành nghề trong hoạt động xây dựng, ông cho rằng để phù hợp với thông lệ quốc tế thì cơ quan nhà nước (Bộ xây dựng, Sở xây dựng) chỉ cấp Chứng chỉ hoạt động xây dựng (cho doanh nghiệp) Hạng I, II, III, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp chứng chỉ hành nghề (cho cá nhân) các hạng I, II, III theo quy định của pháp luật. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Kiến trúc năm 2019.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai -ĐBQH phát biểu thảo luận tại tổ ngày 18.11.2019

Tham gia tại buổi thảo luận, bà Tăng Thị Ngọc Mai cho rằng, phần lớn các công trình được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước như giao thông, trường học có chất lượng không đảm bảo, do đó, Luật cần quy định trách nhiệm có liên quan của đơn vị giám sát, để tránh làm đội vốn tốn nhiều kinh phí. Bên cạnh đó, bà đề nghị việc công khai thông tin cấp phép, thủ tục, quy trình liên quan đến xây dựng phải cụ thể, rõ ràng, minh bạch trong thời gian tới.
                                       

                                                                                               Tin: B. T. Loan
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 17
  • Hôm nay: 1734
  • Trong tuần: 13 841
  • Tất cả: 3031160