Thảo luận tại tổ về Dự án Hồ chứa nước Kapet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai
Chiều ngày 24/10/2019, Tổ đại biểu số 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Trà Vinh, Quảng Nam, Bình Định và Lai Châu tiếp tục thảo luận tại tổ về Dự án Hồ chứa nước Kapet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh tham gia phát biểu tại phiên họp tổ 13 ngày 24/10/2019

Tại buổi thảo luận, Đại biểu Quốc hội tổ 13 có 05 ý kiến phát biểu về quyết định  chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Kapet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận và Báo cáo nghiên cứu khả thi về Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Dự án Hồ chứa nước Kapet đây là hồ chứa nước lớn, công trình sử dụng lâu dài do trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam thường xuyên xảy ra tình trạng khô hạn, việc xây hồ sẽ tạo bước chuyển biến quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm mới, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, hạn chế được tình trạng di dân tự do, cải thiện cảnh quan môi trường sinh thái khu vực lân cận, đồng thời phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh.
Bên cạnh đó, đối với Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nếu thực hiện khả thi đây là cửa ngỏ hàng không lớn và quan trọng của quốc gia và sẽ trở thành một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không tại khu vực Đông Nam Á. Việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ khắc phục được tình trạng quá tải hiện nay của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Một số đại biểu vẫn còn băn khoăn về công tác giải ngân nguồn vốn và công tác bàn giao mặt bằng thi công vì hiện nay các nguồn vốn cho các Dự án này giải ngân rất chậm, tính khả thi chưa cao nên cần xem xét thận trọng.
Tham gia phát biểu ý kiến về những vần đề trên, ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho biết hiện nay công suất khai thác thực tế năm 2016 là 32 triệu lượt/năm, vượt trên công suất thiết kế của sân bay Tân Sơn Nhất là 25 triệu lượt/năm. Do đó, việc đầu tư xây dựng sân bay Long Thành tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai để đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai về đi lại và vận chuyển hàng hóa của hành khách nói riêng, cũng như nhu cầu phát triển kinh tế khu vực trọng điểm phía Nam nói chung, hỗ trợ năng lực của sân bay Tân Sơn Nhất là thật sự cần thiết. Dự án gồm 03 giai đoạn 2021 – 2025, 2025 – 2030 và 2035 – 2040, khi hoàn thành dự án sẽ có công suất 22,9 triệu lượt khách vào năm 2025, 30,4 triệu lượt khách vào năm 2030, 70,4 triệu lượt khách vào năm 2040 và 110,3 triệu lượt khách vào năm 2050. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giai đoạn 1 (với mục tiêu khắc phục tình trạng quá tải của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất) có tổng mức đầu tư gần 112.000 tỉ đồng (tương đương 4,8 tỉ USD), thời gian thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Qua nghiên cứu đề xuất 3 phương án đầu tư sân bay Long Thành của tư vấn ông Thạch Phước Bình  tán thành với Phương án 2 là giao ACV trực tiếp đầu tư, khai thác, không sử dụng vốn vay ODA, hình thức đầu tư là đầu tư trực tiếp bằng vốn doanh nghiệp. Việc giao ACV trực tiếp đầu tư sân bay Long Thành, tư vấn lập dự án nhận định sẽ không làm tăng nợ công của Nhà nước do không sử dụng vốn ODA, mặt khác vừa đảm bảo cho thực hiện nhiệm quốc phòng – an ninh với 570 ha dung riêng cho quốc phòng. Theo đó, dự kiến ACV sẽ phải huy động vốn vay trên thị trường vốn quốc tế với điều kiện vay dự kiến bằng USD trong thời gian 20 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất khoảng 6%/năm. Và để đảm bảo khả năng trả nợ, yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu của nhà đầu tư là 33,4% tổng số đầu tư của ACV (4,225 tỉ USD), tương đương 1,411 tỉ USD. Trong phương án đầu tư của ACV, Nhà nước không phải bỏ bất kỳ đồng vốn ngân sách nào để xây hệ thống kết cấu hạ tầng sân bay nên không làm tăng nợ công. Về năng lực quản lý dự án, ACV cũng có nhiều kinh nghiệm khi đã thực hiện nhiều dự án hạ tầng hàng không và đảm bảo dự án sân bay Long Thành không bị chậm tiến độ do nguồn vốn hay năng lực thực hiện. Vấn đề chuẩn bị khai thác một trung tâm hàng không mới như Long Thành rất quan trọng, ACV cũng có lợi thế khi đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không, có sẵn năng lực, nhân lực khai thác Long Thành.  Đồng thời có năng lực tài chính để đảm bảo khai thác Long Thành trong những năm đầu khi ACV đưa việc cân đối tài chính trong khai thác Long Thành vào trong tổng thể mạng cảng hàng không của ACV.
Tuy nhiên, theo ông hiện nay việc triển khai dự án còn chậm, nhất là việc giải ngân dự án bồi thường giải phóng mặt bằng, theo đó kinh phí đã bố trí 11.490 tỷ đồng, đầu năm đến nay mới giải ngân được khoảng 300 tỷ đồng, đạt khoảng 2,6% tổng kinh phí được giao. Và những ngày này, tại khu vực dự án sân bay, các tổ kiểm kê đang miệt mài đo đạc, kiểm đếm... nhưng cả người dân và chính quyền đều nóng lòng trước những vướng mắc. Theo thống kê của trung tâm quỹ đất, hiện diện tích đất vắng chủ trong vùng dự án sân bay Long Thành khá nhiều, gây khó khăn cho việc kiểm kê, đo đạc đất để áp giá bồi thường. Cụ thể, trong vùng dự án có nhiều trường hợp đã sang nhượng cho nhau bằng giấy tay, hoặc người ở địa phương khác đến mua đất nên không có địa chỉ để liên lạc. Vì vậy, việc gửi thông báo cho các chủ đất này gặp không ít khó khăn. Mặt khác, việc xác định chủ đất cũng đang gây khó khan (hiện có 179 hộ liên quan trong khu vực để thực hiện dự án). Bên cạnh đó, điều người dân "trăn trở" nhất là giá đất Nhà nước đền bù, hỗ trợ có sự chênh lệch lớn với giá đất thị trường. Người dân cho biết không thể mong muốn giá đền bù bằng giá thực tế bên ngoài, nhưng nếu được khoảng 50 - 60% giá thị trường thì sẽ giúp người dân dễ xoay xở hơn sau này. Đây là những khó khăn mà dự án phải giải quyết. Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng của quốc gia, có tiến độ yêu cầu hoàn thành rất khẩn trương để có thể khởi công vào đầu năm 2021 và hoàn thành trong năm 2025 như nghị quyết Quốc hội, do đó tôi thống nhất  kiến nghị: Quốc hội ban hành nghị quyết thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, chấp thuận phương án và hình thức đầu tư theo Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Về xây dựng hồ chứa nước Kapet, ông cho rằng đây là dự án nối mạng thủy lợi, cấp nước sinh hoạt cho hơn 3.500 hộ dân khu vực trung tâm huyện Hàm Thuận Nam trong 06 tháng mùa khô và chuyển nước  phục vụ phát triển đa mục tiêu của huyện này với lượng nước gần 4,7 triệu m3/ năm. Do tình hình thiếu nước gay gắt, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất của một bộ phận nhân dân địa phương, chính vì vậy việc thành lập Dự án hồ chứa nước Kapet là thật sự cần thiết nhằm tạo nguồn nước ổn định, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, đời sống của một bộ phận người dân huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết, cấp nước cho sản xuất công nghiệp của Khu công nghiệp Hàm Kiệm II, cắt giảm đỉnh lũ cho vùng hạ lưu sông Cà Ty đi qua thành phố Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái do tăng lưu lượng xả nước về hạ lưu trong mùa khô.
Bên cạnh đó, ông cho rằng trong thời gian qua, các ngành chức năng đã buông lỏng quản lý các hồ chứa nước, từ đó dẫn đến những vi phạm pháp luật về quản lý công trình, đất đai; về bảo vệ khai thác, sử dụng tài nguyên nước, môi trường gây lãng phí, thất thoát tài sản của nhà nước và nhân dân, gây khiếu kiện vượt cấp kéo dài, do đó, ông đề nghị các Bộ ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra thực tế tại các hồ để kịp thời xử lý, khắc phục hư hỏng tránh gây hậu quả khó lường do mưa lũ hoặc quản lý kém gây ra trong thời gian tới.


                                                                                                                    Tin, ảnh:  B.T. Loan
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 24
  • Hôm nay: 1292
  • Trong tuần: 13 399
  • Tất cả: 3030718