Đại biểu Thạch Phước Bình: cần làm rõ tính sát thương cao của dao
Sáng ngày 03/6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành.
Anh-tin-bai

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia phát biểu đối với nội dung trên, đại biểu Thạch Phước Bình, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, dao là công cụ dễ thấy và xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Vật dụng này rất dễ biến thành hung khí để gây án. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không quy định dao là một loại vũ khí, hành vi sử dụng dao chỉ bị xử lý khi đối tượng phạm tội hình sự như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích,… không thể xử lý theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí khi nó chưa được sử dụng vào việc gây án như đối với súng quân dụng hoặc vật liệu nổ. 

Anh-tin-bai

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận sáng ngày 03/6/2024
(Ảnh: media.quochoi.vn)

Theo đại biểu, nếu quy định dao là một loại vũ khí và xử lý đối tượng sở hữu dao theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thì cũng sẽ phát sinh rất nhiều bất cập và nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật. Nếu quy định dao vào loại vũ khí thô sơ thì những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, đại biểu thống nhất với dự thảo Luật đề xuất đưa dao vào loại vũ khí thô sơ tại điểm b Khoản 4 Điều 3 để đảm bảo tính khách quan của pháp luật mà cuộc sống người dân vẫn không bị đảo lộn. Cụ thể, chỉ quy định loại dao có tính sát thương cao là loại vũ khí thô sơ. Mặt khác, cũng có thể quy định thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, cải tạo, lắp ráp, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí thô sơ, trừ dao có tính sát thương cao nhưng sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt. Hiện nay, việc quản lý các loại vũ khí cũng đã được đề cập ở những văn bản pháp luật riêng lẻ, dùng dao sai mục đích như mang dao đến nơi công cộng và gây rối thì bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng thì đã có chế tài cụ thể trong Bộ luật hình sự, nghị định xử phạt vi phạm hành chính…. Đồng thời, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, pháp luật hiện hành chưa có quy định, thế nào là dao có tính sát thương cao, nên đại biểu đề nghị cần làm rõ khái niệm này.
Bên cạnh đó để đảm bảo tính ổn định xã hội, đại biểu đề nghị các nhà làm luật cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân, là đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật để đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Cũng theo đại biểu Thạch Phước Bình, hiện nay, rất nhiều quốc gia có quy định chặt chẽ trong việc sử dụng dao. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi Tiểu bang đều có những quy định riêng đối với các loại dao, có phân chia cụ thể các loại dao hợp pháp được phép mang theo bên mình và các loại dao bị hạn chế đi đến những khu vực công cộng nhất định. Do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo nên quy định cụ thể, rõ ràng loại dao nào được sử dụng hợp pháp thường ngày và những loại dao với những đặc điểm như thế nào nên được kiểm soát trong hoạt động mua bán. Như vậy mới có thể đảm bảo được tính toàn diện trong việc phòng ngừa tội phạm, trong sinh hoạt đời thường.

Tin: B T Loan

 

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 948
  • Tất cả: 3095310