Đại biểu Trần Quốc Tuấn: cần đánh giá kỹ về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón từ không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế suất 5%
Chiều 24/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Anh-tin-bai

Quang cảnh buổi thảo luận chiều ngày 24/6/2024 về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) (Ảnh: media.quochoi.vn)

Trong phiên thảo luận chiều có 19 đại biểu phát biểu, có 1 đại biểu tranh luận. Qua thảo luận, đa số các vị đại biểu nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành, thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc sửa đổi, bổ sung các luật về thuế, phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế và áp dụng mức thuế suất hợp lý. Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến xác đáng và nhiều điều khoản cụ thể cần nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo luật như rà soát thêm để dự thảo luật bám sát mục tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Đảng, chiến lược cải cách hệ thống thuế, lộ trình tiến tới áp dụng một loại thuế suất, tính khả thi thực tế và cụ thể của các điều khoản quy định trong dự thảo luật; các nội dung giao cho Chính phủ và các bộ quy định sự phù hợp, tương thích của dự thảo luật với các luật có liên quan. Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến về các nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế và đối tượng chịu thuế suất 0% và nhiều đại biểu quan tâm đến mặt hàng phân bón; người nộp thuế, giá tính thuế, thời điểm xác định thuế giá trị gia tăng, các mức thuế suất, mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng, kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào, kê khai khấu trừ bổ sung, quy định về hoàn thuế và điều khoản thi hành.

Anh-tin-bai

Đại biểu Trần Quốc Tuấn tham gia phát biểu thảo luật về dự án

Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chiều ngày 24/6/2024 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia phát biểu ý kiến đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), đại biểu Trần Quốc Tuấn cơ bản thống nhất với các nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).

Đại biểu cho rằng, Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sau 15 năm kể từ khi được ban hành đến nay, đã tác động rất tích cực đến nền kinh tế, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; phát huy hiệu quả nội lực quốc gia, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho ngân sách nhà nước theo hướng bền vững,… tuy nhiên, tại điểm b, khoản 2, Điều 9 dự thảo Luật quy định mặt hàng “Phân bón” là đối tượng phải chịu thuế GTGT với thuế suất 5%,… thay vì “mặt hàng phân bón không phải chịu thuế” như quy định hiện hành. Việc thay đổi này, theo Tờ trình của Chính phủ là để khắc phục các vướng mắc, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập khẩu, tăng nguồn thu cho ngân sách, vấn đề này theo đại biểu, nội dung trình là chưa thật sự có tính thuyết phục, với 03 lý do sau đây:  Một là, Thuế Giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu và người tiêu dùng hàng hóa là người phải chịu thuế. Điều này đồng nghĩa với việc, khi luật này được thông qua, người nông dân phải gồng mình trả thêm 5% thuế GTGT cho số lượng phân bón do mình mua để sử dụng. Mặt khác, việc đưa mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang nhóm hàng hóa phải chịu mức thuế suất 5%, ngay trong bối cảnh nền kinh tế chưa phục hồi tốt sau đại dịch Covid19 và hiện tại Quốc hội, Chính phủ đang vẫn còn phải tiếp tục thực hiện giảm 2% thuế suất thuế GTGT, chắc chắn sẽ tác động ảnh hưởng đến thu nhập của hàng triệu hộ gia đình nông dân và tính hiệu quả, cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngay thời điểm hiện nay. Hai là, nông dân là đối tượng, là chủ thể chính sẽ phải chịu sự tác động từ sách tăng thuế đối với mặt hàng phân bón lần này, nhưng chưa được quan tâm, khảo sát và đánh giá một cách kỹ lưỡng. Trong Báo cáo đánh giá tác động Luật Thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính. chỉ đề cập đến tác động tích cực của chính sách đến 02 nhóm đối tượng, đó là doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước sẽ được khấu trừ thuế, để tạo ra sản phẩm phân bón trong nước có đủ sức cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và nhà nước sẽ có thêm nguồn thu từ thuế nhập khẩu phân bón; như vậy là chưa đầy đủ và thiếu tính thuyết phục. Ba là, từ trước ngày 01/01/2015, mặt hàng phân bón đã từng là đối tượng chịu thuế với mức thuế suất (thuế GTGT) là 5%, nhưng sau khi nghiên cứu thực tiễn trên cơ sở hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi của người nông dân và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước, Chính Phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, thì kể từ ngày 01/01/2015, "mặt hàng phân bón không còn là đối tượng phải chịu thuế GTGT", mặc dù vậy, trong suốt 10 năm triển khai thực hiện, nhưng cứ mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, thì các đoàn ĐBQH, nhất là các vùng sản xuất nông nghiệp, trong đó có vùng ĐBSCL đều được nghe người nông dân phản ánh là "giá cả các mặt hàng phân bón, vật tư nông nghiệp tăng cao, đề nghị nhà nước nghiên cứu có giải pháp quản lý và hỗ trợ"... Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị và sự lo lắng ấy vẫn còn hiển hiện, thì Quốc hội chúng ta lại tiếp tục thảo luận để “bổ sung  mặt hàng phân bón vào nhóm hàng hóa dịch vụ phải chịu thuế, với thuế suất 5%”, điều này chắc chắc sẽ làm cho người nông dân đã lo lắng, nay lại còn lo lắng nhiều hơn.

Trên cơ sở đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị đến Quốc hội, Chính phủ 02 nội dung sau:

Thứ nhất, cần phải có khảo sát, đánh giá kỹ và báo cáo đầy đủ hơn về tác động của việc chuyển mặt hàng phân bón, từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng phải chịu thuế với mức thuế suất là 5% ở cả 02 góc độ, một là nhìn từ góc độ tác động đến sự phát triển của ngành sản xuất, kinh doanh phân bón, phục vụ sản xuất nông nghiệp, đến góc độ thứ hai là tác động từ việc tăng giá của sản phẩm phân bón, ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân ra sao, hiệu quả cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp thế nào để Quốc hội xem xét, cân nhắc một cách thận trọng trước khi biểu quyết thông qua.

Thứ hai, để khuyến khích phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch, Luật cần phải phân loại “mặt hàng phân bón” ra thành 02 nhóm hàng hoá đó là "phân bón hoá học" và "phân bón hữu cơ", trong đó đặc biệt ưu tiên miễn thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón hữu cơ như nhiều quốc gia đang làm, để từ đó định hướng và chuyển dần thói quen sử dụng phân bón hoá học sang sử dụng phân bón hữu cơ, đồng thời chuyển dần nền sản xuất nông nghiệp của Việt Nam sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sạch theo chủ trương của Đảng và nhà nước

Bên cạnh đó, đại biểu hoàn toàn ủng hộ mục tiêu sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển nền kinh tế, Tuy nhiên, việc nâng mức thuế suất từ 0% lên 5% đối với mặt hàng phân bón cần phải được phân tích thấu đáo, thận trọng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón với lợi ích của người nông dân vốn được xem là đối tượng yếu thế trong toàn chuỗi giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

                                                                                          Tin: Thúy Oanh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 948
  • Tất cả: 3095310