Đại biểu Thạch Phước Bình: Cần đảm bảo nguyên tắc để áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng một cách hiệu quả và nhân văn
Sáng ngày 21/6, tiếp tục Chương trình lập pháp tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường dự Luật Tư pháp người chưa thành niên. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Anh-tin-bai

Quang cảnh cuộc họp sáng ngày 21/6/2024 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Trong phiên thảo luận tại hội trường đã có 33 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, có 07 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành luật nhằm hoàn thiện pháp luật tư pháp đối với người chưa thành niên, bảo đảm đủ nghiêm khắc nhưng cũng nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội. Đồng thời, các đại biểu đã phân tích, đánh giá sâu sắc thực tiễn thi hành và đề xuất phương án chỉnh lý, hoàn thiện nhiều nội dung quan trọng của dự thảo luật, thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tính đặc thù trong nhiều quy định của dự án luật này áp dụng đối với người chưa thành niên, cả người chưa thành niên có hành vi phạm tội, người chưa thành niên là người bị hại và người chưa thành niên là nhân chứng.

Anh-tin-bai

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng ngày 21/6/2024(Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia phát biểu nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh, cơ bản đồng tình với 4 nguyên tắc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại Điều 40 của dự thảo luật, tuy nhiên để áp dụng biện pháp chuyển hướng một cách hiệu quả và nhân văn nhất cần bổ sung một số nguyên tắc sau: Thứ nhất, nguyên tắc nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm, mọi biện pháp xử lý chuyển hướng phải đặt lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên lên hàng đầu, tôn trọng nhân phẩm và quyền lợi của họ. Biện pháp xử lý chuyển hướng không được gây tổn hại về thể chất và tinh thần cho người chưa thành niên. Thứ hai, nguyên tắc tham gia vào hỗ trợ của gia đình và cộng đồng. Gia đình và cộng đồng phải được tham gia tích cực vào quá trình xử lý chuyển hướng, sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng là yếu tố quan trọng giúp người chưa thành niên tái hòa nhập xã hội một cách hiệu quả. Thứ ba, nguyên tắc tránh tái phạm và tạo điều kiện tái hòa nhập. Mục tiêu cuối cùng của xử lý chuyển hướng là giúp người chưa thành niên không tái phạm và tái hòa nhập cộng đồng. Các biện pháp phải tạo điều kiện để họ xây dựng lại cuộc sống và không trở thành gánh nặng cho xã hội. Thứ tư, nguyên tắc minh bạch và giám sát. Quá trình áp dụng biện pháp chuyển hướng phải minh bạch, có sự giám sát của các cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng. Điều này bảo đảm quyền lợi của người chưa thành niên được bảo vệ và các biện pháp được thực hiện đúng mục đích. Thứ năm, nguyên tắc hợp tác liên ngành. Xử lý chuyển hướng cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp, giáo dục, y tế, xã hội và các tổ chức phi Chính phủ. Sự phối hợp này giúp đảm bảo biện pháp xử lý chuyển hướng được thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Việc bổ sung và áp dụng các nguyên tắc này sẽ giúp biện pháp chuyển hướng trở nên toàn diện, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn, đồng thời bảo vệ quyền lợi và sự phát triển của người chưa thành niên.

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng quy định tại Điều 53. Đại biểu Thạch Phước Bình tán thành với phương án Tòa án là tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng. Theo đại biểu Bình Tòa án là cơ quan tư pháp cao nhất, có nhiệm vụ đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình xét xử, Tòa án có thể đánh giá toàn diện về nhân thân, hoàn cảnh gia đình và hành vi phạm tội của người chưa thành niên, điều này giúp tòa án đưa ra quyết định áp dụng các biện pháp chuyển hướng phù hợp và hiệu quả nhất, giúp người chưa thành niên tái hòa nhập xã hội một cách bền vững. Hơn nữa, Tòa án có thẩm quyền sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và các tổ chức xã hội, điều này giúp đảm bảo sự thống nhất và hiệu quả trong việc áp dụng các biện pháp chuyển hướng. Tuy nhiên, việc giao thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng cho tòa án thì có thể làm tăng tải trọng công việc của các thẩm phán, dẫn đến việc xét xử kéo dài và chậm trễ trong quyết định, điều này có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người chưa thành niên và làm giảm hiệu quả của các biện pháp xử lý chuyển hướng.

Mặt khác, việc áp dụng biện pháp chuyển hướng đòi hỏi kiến thức chuyên sâu về tâm lý, xã hội và giáo dục, điều này đòi hỏi sự đào tạo và nâng cao năng lực cho các thẩm phán, Tòa án chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực pháp lý và xét xử, ít có kinh nghiệm và khả năng trong việc tư vấn, hỗ trợ tâm lý và giáo dục cho người chưa thành niên, việc giao thẩm quyền cho tòa án theo tôi có thể làm giảm hiệu quả của các biện pháp hỗ trợ này. Từ đó, đại biểu đề nghị dự thảo luật cần nghiên cứu xây dựng hệ thống tư pháp chuyên biệt dành cho người chưa thành niên, bao gồm các thẩm phán, chuyên gia tâm lý và xã hội học có thẩm quyền và chuyên môn cao trong việc áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng, đồng thời cần tăng cường sự phối hợp giữa tòa án, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, các tổ chức xã hội, tòa án có thể đóng vai trò chủ đạo trong việc giám sát và đánh giá nhưng việc áp dụng và triển khai các biện pháp chuyển hướng nên được thực hiện bởi các chuyên gia và các tổ chức có kinh nghiệm. Cùng với đó, cần tổ chức các khóa đào tạo và bồi dưỡng chuyên môn cho các thẩm phán và nhân viên tư pháp về các biện pháp chuyển hướng và cách áp dụng hiệu quả, điều này giúp nâng cao năng lực và đảm bảo chất lượng của quá trình xử lý.

Tin: Thúy Oanh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 948
  • Tất cả: 3095310