Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga: Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)
Sáng 25/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV - tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Anh-tin-bai

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận sáng ngày 25/6/2024 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Qua thảo luận có 28 ý kiến phát biểu, trong đó có 4 ý kiến tranh luận. Qua phát biểu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Công chứng và đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết, thiết thực và đề xuất nhiều phương án sửa đổi.

Anh-tin-bai

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga tham gia phát biểu tại Hội trường dự án Luật Công chứng (sửa đổi) (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia phát biểu nội dung này, thống nhất sự cần thiết ban hành Luật công chứng sửa đổi như đã nêu trong tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hoá đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng

Đại biểu cho tằng, việc sửa đổi Luật công chứng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hoá, chuyển đổi số nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, đồng thời góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu tham gia phát biểu một số vấn đề cụ thể như sau:

Một là, tại điều 18 thành lập phòng công chứng tại khoản 1 điều 18 quy định “phòng công chứng chỉ được thành lập mới tại những địa bàn cấp huyện chưa phát triển được văn phòng công chứng”. Theo đại biểu, quy định như trong dự thảo luật chưa phù hợp với tình hình thực tế phát triển của địa phương, chưa phù hợp với chủ trương Nghị quyết 27 của Ban chấp hành trung ương Đảng về đẩy mạnh xã hội hoá dịch vụ công. Vì hoạt động công chứng bên cạnh công chứng tư thì còn loại hình dịch vụ sự nghiệp công (Phòng Công chứng Nhà nước). Nếu quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho Nhân dân có nhu cầu công chứng ở những nơi có nhu cầu và ở vùng sâu, vùng xa vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ rà soát đánh giá thực tế chất lượng hoạt động các phòng công chứng do Nhà nước thành lập hiện nay và các phòng công chứng tư nhân, thực tế hiện nay việc phân bố các tổ chức hành nghề công chứng chưa khoa học ở nhiều địa phương, việc văn phòng công chứng tập trung ở một chỗ, chủ yếu ở trung tâm dẫn đến những xã, huyện vùng sâu, vùng xa hầu như không có. Chính phủ cần rà soát, đánh giá phù hợp để có kế hoạch bố trí đảm bảo phục vụ nhu cầu Nhân dân. Đồng thời, nên đánh giá chất lưng hoạt động cung cấp dịch vụ công chứng, nơi nào hiệu quả hoạt động yếu kém so với các phòng công chứng tư thì nên xem xét điều chuyển hoặc giao phòng công chứng tư thực hiện, nhằm tránh lãng phí nguồn lực tài sản Nhà nưc, nơi nào xã hội hoá tốt thì nên giao lại cho tư nhân thực hiện, Nhà nước chỉ đảm bảo hỗ trợ cho các nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nhất là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Hai là, trong dự thảo Luật tại chương V về Thủ tục công chứng giao dịch, đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm một điều quy định về công chứng điều lệ doanh nghiệp, thoả thuận góp vốn trong việc thành lập doanh nghiệp, theo đại  biểu quy định này là cần thiết nhằm đảm bảo pháp lý cho các giao dịch quan trọng trong dân sự, kinh tế. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp là một bản hợp đồng quan trọng, có giá trị lớn, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người, bao gồm cả thành viên góp vốn, các thành viên khác và quyền lợi của bên thứ ba khi giao dịch với doanh nghiệp. Tuy nhiên, những giao dịch, cam kết dân sự nhằm hình thành nên doanh nghiệp cũng như việc sáp nhập, thay đổi doanh nghiệp lại chưa được quy định công chứng bắt buộc.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga nhận thấy, việc chứng nhận điều lệ doanh nghiệp và các văn bản thoả thuận của các cổ đông, thành viên góp vốn, thành viên hợp danh là quan trọng, nhằm tránh tình trạng giả mạo chữ ký trong các hồ sơ, tài liệu khi thành lập doanh nghiệp hoặc khi quyết định các vấn đề quan trọng khác của doanh nghiệp, từ đó hạn chế việc khai khống vốn điều lệ, hợp thức hoá các hành vi rửa tiền, mua bán hoá đơn thông qua việc thành lập khống doanh nghiệp và việc lạm quyền của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Ngoài ra việc bổ sung quy định trên nhằm tránh được tình trạng thành lập hàng loạt công ty ma làm ăn phi pháp như hiện nay, nhiều đối tượng lợi dung các lỗ hổng trong việc cấp giấy phép, đã thành lập hàng loạt công ty ma làm ăn phi pháp, khi các cơ quan chức năng phát hiện nhiều công ty ma tổ chức buôn lậu, mua bán hoá đơn giá trị gia tăng,… thì giám đốc là xe ôm, bán bún bò, hàng trăm container vô chủ tồn động ở cảng, trong đó không ít lô hàng của công ty ma gây khó khăn cho các cơ quan chức năng khi điều tra xử lý. Từ những vấn đề trên, việc bắt buộc công chứng điều lệ doanh nghiệp, hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các biên bản họp của hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên trong các doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an ninh kinh tế.

Tin: Thúy Oanh

 

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 948
  • Tất cả: 3095310