Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Trà Vinh: góp ý chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035
  Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 19/6/2024, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Anh-tin-bai

Quang cảnh cuộc họp sáng ngày 19/6/2024 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tại phiên thảo luận, có 29 ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu trên tổng số 51 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, có 3 đại biểu Quốc hội tranh luận, đa số các vị đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và thống nhất khẳng định đây là một Chương trình quan trọng, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa đề ra trong các nghị quyết của Đảng. Các ý kiến phát biểu đều rất sôi nổi, tâm huyết, chất lượng, thẳng thắn, ngắn gọn, đa chiều, phong phú, sâu sắc, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao. Chương trình cơ bản đã đáp ứng được tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia, có tính đột phá, nhằm cụ thể hóa và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các quan điểm chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về phát triển văn hóa cũng như tư tưởng hiến định, mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng cơ sở văn hóa tại Điều 41 Hiến pháp năm 2013. Góp phần tích cực cho quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước, xây dựng văn hóa thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh và là hồn cốt của dân tộc.

Anh-tin-bai

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng ngày 19/6/2024(Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia phát biểu nội dung này, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga bày bỏ sự đồng tình và thống nhất về sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 như báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư của Chính phủ. Việc đầu tư chương trình trong thời điểm này đáp ứng yêu cầu vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về phát triển văn hoá đã được đề ra trong các nghị quyết của Đảng. Việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Để chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 được triển khai trong thời gian tới được hiệu quả đại biểu tham gia góp ý một số vấn đề cụ thể như sau:

Một là, thực tế qua triển khai các chương trình theo nghị quyết của Quốc hội đó là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã có những khó khăn vướng mắc như: thiếu căn cứ pháp lý và văn bản triển khai thực hiện tại địa phương; ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương chậm và mức kinh phí phân bổ chưa đáp ứng yêu cầu theo tiến độ; nguyên tắc, cách thức phân bổ nguồn lực chỉ dựa vào định mức, chưa dựa trên kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và kết quả sử dụng nguồn lực hằng năm; việc phát huy nội lực tại các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế và khó khăn. Từ đó dẫn đến khó khăn vướng mắc làm cho các chương trình làm kéo dài thời gian giải ngân các nguồn vốn. Đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm những khó khăn vướng mắc qua 3 chương trình trên để triển khai chương trình văn hoá được hiệu quả, phát huy cao nhất các nội dung của chương trình cho nhu cầu phát triển văn hoá của đất nước.

Hai là, về địa điểm, phạm vi, quy mô thực hiện chương trình, về việc mở rộng phạm vi chương trình ra nước ngoài “Quy mô thực hiện chương trình bao gồm tại một số quốc gia có mối quan hệ, tương tác văn hoá lâu dài với Việt Nam có đông đảo người Việt Nam đến sinh sống, học tập, lao động”, quy định như trong dự thảo chương trình là chưa rõ còn chung chung, chưa xác định cụ thể, trong khi đó chương trình nguồn vốn có hạn, đề nghị nên xác định rõ địa điểm, có thể chọn một vài địa điểm văn hoá ở nước ngoài, không nên dàn trãi vì nguồn lực có hạn; đồng thời nên có sự đánh giá sát hơn các điểm mà dự án chương trình triển khai, việc triển khai như dự thảo chương trình đề ra sẽ mang lại hiệu quả tích cực và hạn chế như thế nào, có cần phải mở rộng thêm các địa điểm khác có sự tác động tích cực đến Nhân dân có mối quan hệ lâu dài với Việt Nam để truyền tải văn hoá Việt Nam ra bạn bè quốc tế. Ví dụ văn hoá ẩm thực, trà, cà phê, văn hoá truyền thống…. và các loại ẩm thực văn hoá mà Việt Nam có nhiều lợi thế. Bên cạnh đó nên phát huy các nguồn lực xã hội hoá tham gia đầu tư phát triển văn hoá, bảo đảm tính khả thi của Chương trình;

Ba là, về tổng vốn đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn của chương trình: Tổng nguồn lực để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỷ đồng, dự kiến vốn huy động cho cả chương trình là 134.000 tỷ đồng. Đề nghị cần quan tâm việc đối ứng vốn của chương trình tại các địa phương. Theo như dự thảo thì vốn ngân sách địa phương 30.250 tỷ đồng chiếm 24,6% tổng vốn của cả chương trình, Chính phủ cần quan tâm đối với các tỉnh khó khăn, các tỉnh vùng sâu vùng xa vùng biên giới hải đảo việc đối ứng ngân sách thực hiện chương trình sẽ khó khăn hơn so với các tỉnh có điều kiện, các tỉnh, thành phố có khả năng cân đối ngân sách, theo tôi quy định như dự thảo là rất cao đối với các tỉnh khó khăn. Đề nghị Chính phủ tính toán cân đối nguồn vốn hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn, đảm bảo thực hiện chương trình phù hợp khả năng thu chi ngân sách nhà nước của các địa phương, tỷ lệ huy động vốn đối ứng ngân sách đối với các địa phương khó khăn nên từ 5-10%.

Bên cạnh đó để bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc, Chính phủ các bộ, ngành trung ương quan tâm ưu tiên đầu tư chương trình văn hoá có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn khó khăn, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp các nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình đã được phê duyệt. Việc đầu tư chương trình phải tương xứng với vị trí chiến lược quan trọng của các vùng miền, hướng đến xây dựng và phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, thu hút phát triển du lịch, xây dựng miền núi và vùng dân tộc vững mạnh toàn diện, việc xây dựng chính sách cần quan tâm đến những đặc điểm tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hoá, phong tục, tập quán niềm núi nói chung và của riêng từng vùng, từng dân tộc, trong đó quan tâm vai trò năng động, sáng tạo của từng địa phương và cơ sở

Bốn là, để chương trình triển khai hiệu quả các bộ, ngành, cơ quan chủ trì, quản lý, theo dõi, thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình đúng theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục rà soát hoàn thiện các văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn thực hiện chương trình một cách nhanh chóng thuận lợi để đảm bảo tính thống nhất, nên có thời gian cụ thể hoàn thành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình trong năm 2025, tránh trường hợp kéo dài thời gian. Quá trình thực hiện thường xuyên kiểm tra đánh giá, đào tạo, tập huấn nhân lực phục vụ cho chương trình, kịp thời điều chỉnh chương trình cho phù hợp thực tiễn.

Anh-tin-bai

Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm phát biểu thảo luận tại Hội trường sáng ngày 19/6/2024(Ảnh: media.quochoi.vn)

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm cũng bày tỏ sự đồng tình, thống nhất cao, đồng thời tham gia đóng góp về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, cụ thể:

Thứ nhất, về tổng thể báo cáo chủ trương đầu tư của chương trình mang tính cấp thiết, chú trọng đến các mục tiêu cụ thể của ngành văn hóa cũng như đẩy mạnh chấn hưng văn hóa thông qua liên kết với kinh tế - xã hội.

Thứ hai, về nội dung thành phần của chương trình, tiểu mục 2 điểm a về chỉ tiêu đề xuất nên bổ sung việc xây dựng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh các tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn cấp quốc gia đạt chuẩn quốc tế. Vì đây là 2 thành phố lớn, trung tâm của cả nước, khách quốc tế đến tham quan nhiều sẽ có nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao hơn các vùng khác.

Tại mục 2.4 tiểu mục 2, về nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đề xuất bổ sung nội dung khôi phục, bảo tồn, truyền bá và phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, các loại hình văn nghệ dân gian, cần cụ thể hóa các loại hình nghệ thuật.

Tại mục 2.6 về phát triển không gian văn hóa cộng đồng, đề xuất nội dung này cần được xác định theo hướng thể chế hóa. Ví dụ, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tránh đề xuất xây dựng tự phát, gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân.

Thứ ba, về nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa ở tiểu mục 3, nội dung 3.2, cần đặc biệt chú ý đầu tư nâng cao chất lượng nghệ thuật, di sản văn hóa tại các khu vực vùng đồng bào dân tộc ít người.

Thứ tư, tại mục 4.1 tiểu mục 4 về bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Nội dung này đề xuất nên đặc biệt chú ý việc bảo tồn, phục hồi, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh phải gắn với phát triển du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng thông qua những giải pháp kết hợp giáo dục tư tưởng và trang bị kiến thức nghiệp vụ chuyên môn cho những đối tượng có liên quan.

Thứ năm, tại mục 5.2 tiểu mục 5 về phát triển hoạt động lý luận, phê bình, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nội dung của mục này trình bày còn quá đơn giản, cần nhấn mạnh mục tiêu chính của hoạt động lý luận, phê bình, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, vì đây cũng là điểm yếu trong hoạt động văn hóa nghệ thuật hiện nay.

Thứ sáu, tại mục 6.1 tiểu mục 6 về hỗ trợ phát triển trung tâm công nghệ văn hóa. Cần đặc biệt chú ý giải pháp đầu tư xây dựng nguồn nhân lực cụ thể, nên tập trung đầu tư ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ở những trường đại học có chuyên ngành về công nghiệp văn hóa.

Thứ bảy, tại điểm a mục 8 về chỉ tiêu, vai trò phát triển nguồn nhân lực văn hóa. Cần tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ văn hóa nghệ thuật một cách đồng bộ cùng lúc với 3 mặt về nghiệp vụ chuyên môn, chức danh nghề nghiệp và chế độ chính sách.

Thứ tám, tại điểm 4.1 tiểu mục 4, đề xuất bổ sung vai trò của ngành giáo dục. Ngoài vai trò phối hợp để giáo dục, đào tạo các lĩnh vực thuộc chuyên ngành văn hóa còn có nhiệm vụ quan trọng đặc biệt trong việc giáo dục đạo đức xã hội và các mối quan hệ của con người, ngành giáo dục cần được tham gia với tư cách chủ trì soạn thảo nội dung giáo dục, đào tạo lối sống cho học sinh và sinh viên ở các cấp, các ngành một cách chuẩn mực và bài bản để giáo dục thật sự là một chức năng của văn hóa.

Tin: Thúy Oanh

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 948
  • Tất cả: 3095310