Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga: chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
Sáng 4/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Phiên họp được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri và Nhân dân theo dõi.  
Anh-tin-bai

Phiên chất vấn sáng ngày 04/6/2024 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hoạt động chất vấn tại kỳ họp này tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 04 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Công thương, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng Kiểm toán nhà nước; cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan. Chất vấn đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn vào 03 nhóm vấn đề về: Việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.
Qua đó, phiên chất vấn đã nhận được 49 ý kiến chất vấn, tranh luận; phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm cao, sát với tình hình thực tiễn, sát với nội dung nhóm vấn đề chất vấn. Đại biểu nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ý, mỗi đại biểu chỉ nêu 01 vấn đề nên rất thuận lợi trong điều hành và trả lời của Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng nội dung, nắm chắc vấn đề, trả lời khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, có giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã tham gia trả lời và làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Anh-tin-bai

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
(Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia chất vấn đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Bí thư Huyện ủy Càng Long cho rằng, hiện nay cơ sở hạ tầng, công nghệ xử lý chất thải chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế. Các cơ sở y tế, đặc biệt là cơ sở y tế quy mô nhỏ còn gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn giải pháp xử lý chất thải lây nhiễm, nước thải y tế, từ đó đã ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng dân cư, do đó đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để khắc phục tốt những hạn chế nêu trên nhằm quản lý tốt vấn đề môi trường liên quan đến chất thải lây nhiễm, nước thải y tế.

Anh-tin-bai

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh
trả lời chất vấn (Ảnh: media.quochoi.vn)

Trả lời nội dung chất vấn của đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện nay các tuyến y tế cấp trung ương và tuyến tỉnh đã được đầu tư hệ thống cơ sở xử lý nước thải y tế tương đối cơ bản. Bộ trưởng thống nhất với đại biểu về khó khăn của y tế tuyến cơ sở, tuyến huyện, tuyến xã, là do nguồn lực và xử lý nhiều kỹ thuật mà chưa phải là kỹ thuật cao của y tế vì ít sử dụng nguồn nước hơn ở tuyến huyện. Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị phải quan tâm đến xử lý nước thải của cơ sở y tế tuyến huyện, điểm này rất quan trọng, đặc biệt là các tỉnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa vì các tuyến huyện đang rất khó khăn không những cơ sở xử lý nước thải mà cả toàn hệ thống hạ tầng cơ sở y tế tuyến huyện.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Qua phiên chất vấn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung: Thứ nhất, bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi; tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Thứ hai, tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; đồng thời, sẽ tổng hợp, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn đưa vào dự thảo Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội trước khi thông qua tại cuối Kỳ họp.

Tin: B T Loan

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 948
  • Tất cả: 3095310