Thảo luận Tổ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025
Tiếp tục Chương trình làm việc của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/7/2021, Tổ thảo luận thứ 16 đã tiến hành thảo luận tại tổ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025.

Quang cảnh thảo luận tổ số 16

Tại buổi thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 được thực hiện quyết liệt với nhiều đổi mới, đem lại hiệu quả thiết thực cho đời sống kinh tế - xã hội. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là cần thiết, với mục tiêu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân giai đoạn 2021-2025 trên 90%; số dự án hoàn thành trong giai đoạn chiếm trên 80% tổng số dự án được bố trí vốn.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhận định, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các cấp, các ngành nên việc thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả nổi bật, nhất là hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý đầu tư công; xử lý dứt điểm được tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản; hiệu quả đầu tư công đã từng bước cải thiện, đầu tư tập trung, số dự án khởi công mới từng năm trong giai đoạn 2016-2020 giảm dần; đầu tư công đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu tại buổi thảo luận sáng ngày 24/7/2021  

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu cho rằng vẫn còn đó những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục để nâng cao chất lượng đầu tư công trong giai đoạn mới, 2021-2025.  Thứ nhất, về chính sách: vẫn còn sự chậm trễ trong việc ban hành chính sách tái cơ cấu đầu tư công và từ phía các cơ quan tổ chức thực thi các chính sách tái cơ cầu đầu tư công. Thứ hai, về cơ cấu đầu tư công: cơ cấu lại đầu tư chưa gắn với cơ cấu lại tài chính ngân sách, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương chưa được phát huy. Chi đầu tư trung ương thấp hơn chi đầu tư địa phương ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Thứ ba, về phân cấp đầu tư công: đại biểu cho rằng, mặc dù được chuyển dịch với kỳ vọng địa phương ngày càng trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng việc tỷ trọng chi đầu tư của Trung ương giảm cũng đã ảnh hưởng đến việc tập trung nguồn lực để thực hiện các dự án, mục tiêu quan trọng của quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh sự phối hợp vùng còn hạn chế; tỷ trọng đầu tư cao được quyết định bởi cấp địa phương ở Việt Nam dẫn đến rủi ro đầu tư dàn trải và giảm hiệu suất đầu tư, trừ khi có sự phối hợp tốt giữa các dự án hạ tầng lớn, bao gồm cả các dự án hạ tầng giữa các địa phương. Thứ tư, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công mặc dù đã chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu, cụ thể tiến độ của một số dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia chậm. Chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa chi đầu tư và chi thường xuyên. Tình trạng lãng phí, thất thoát, chất lượng công trình thấp trong đầu tư và xây dựng chưa được xử lý triệt để.  Thứ năm, nguồn thu NSNN đang sụt giảm dẫn đến nguồn vốn dành cho đầu tư công khó được đảm bảo. Vì vậy, đại biểu đề nghị, Chính phủ và các bộ ngành cần phải nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công; khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện tại Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn thi hành; tăng cường công tác theo dõi, đánh giá thực hiện kế hoạch đầu tư công và thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cụ thể; tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả quá trình tái cơ cấu đầu tư công. 
Bên cạnh đó, đại biểu cũng đã đề nghị bố trí vốn hoàn chỉnh dự án Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông hậu tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025 nhất là cần tập trung chỉ đạo hoàn chỉnh thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 của dự án và nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền cân đối, bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sớm thực hiện giai đoạn 2 nhằm đảm bảo tính đồng bộ của dự án nhằm phát huy hiệu quả khai thác cảng Cái Cui, góp phần giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH của vùng ĐBSCL. 
Cùng quan điểm trên, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, Trung ương và địa phương đã đẩy mạnh phân cấp phân quyền; khắc phục cơ chế xin cho; các dự án quan trọng quốc gia nhất là đối với miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hiệu quả đầu tư công được cải thiện, phân bổ có sự tập trung, tỷ lệ giải ngân ngày càng tăng bình quân hàng năm 83,4%, năm 2020 trên 97,4%; các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy tính hiệu quả tạo động lực cho phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên; thành lập các tổ công tác tham mưu Chính phủ xử lý nhanh những tồn tại, hạn chế, nợ đọng xây dựng phải có thời gian và giải trình để đại biểu Quốc hội nắm và trả lời cho cử tri; tăng cường trách nhiệm giải trình, phối hợp với bộ ngành, địa phương, tránh đùn đẩy trách nhiệm làm chậm trễ tiến độ thực hiện.

Bùi Thị Loan

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 576
  • Tất cả: 3086346