KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV: Thảo luận Tổ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; chính sách tài khóa tiền tệ và một số nội dung khác có liên quan
Sáng ngày 24/10/2023, theo Chương trình của kỳ họp, Tổ số 18 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Trà Vinh, Thanh Hóa, Hà Nam đã tiến hành thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận sáng ngày 24/10/2023

Phiên thảo luận tổ có 09 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến phát biểu với nhiều nội dung quan trọng, trong đó tập trung đánh giá những tồn tại, hạn chế đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, tình trạng các quy định của pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, qua đó, các đại biểu cũng đã đề ra các giải pháp khắc phục, đồng thời kiến nghị nhiều nội dung đến Chính phủ, bộ ngành trung ương cần tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế được nêu trong báo cáo cũng như từ thực tiễn xã hội.

Tham gia phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội; ngân sách nhà nước; chính sách tài khóa, tiền tệ; ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh nhận định, đây là giai đoạn  khó khăn, thách thức chưa từng có; tuy nhiên, chính sách tài khóa, tiền tệ được điều chỉnh theo hướng chặt chẽ nhằm kiềm chế lạm phát, do đó đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp quyết liệt, từ đó, đại biểu kiến nghị một số nội dung quan trọng như đề nghị Chính phủ tháo gỡ những khó khăn đối với các gói hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa, tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khóa là trọng tâm; tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024 cùng với các chính sách khác có liên quan và nhất là đối với Nghị quyết hỗ trợ 120.000 tỷ cho thị trường bất động sản, cần quan tâm nghiên cứu có giải pháp để khắc phục việc đứt gãy nguồn cung, đa dạng hóa đối tác để hỗ trợ thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, đại biểu đề nghị tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp, tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giảm khoanh nợ, tăng hỗ trợ an sinh xã hội vì đây là giải pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay do các đơn hàng ở nước ngoài, đối tác nước ngoài đang giảm, vấn đề việc làm là bài toán khó ảnh hưởng đến GDP của đất nước; đối với tình trạng thiếu các vật tư y tế phục vụ cho vấn đề tiếp nhận nguồn máu, để hỗ trợ cho bệnh nhân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả phía Nam, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan quan tâm, có giải pháp tháo gỡ nhằm cung cấp đầy đủ các trang thiết bị, vật tư y tế, túi máu, các hóa chất, nhằm đảm bảo nguồn máu cung cấp điều trị cho bệnh nhân nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh vì theo báo cáo của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu, hiện nay không không đủ máu để cung cấp cho Bệnh viện Cần Thơ và Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Thành phố Hồ Chí Minh. Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cung cấp lượng máu rất hạn chế khi nhu cầu sử dụng là rất cao, nhất là nhóm máu: A, B, O, AB.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn, phát biểu thảo luận sáng 24/10/2023

Song song đó, Đại biểu Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá cao về các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, ngày 11/01/2022 của Quốc hội. Đại biểu cho rằng đây là chính sách chưa có tiền lệ, được ban hành trong một thời điểm đặc biệt đã giúp doanh nghiệp, người dân giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy doanh nghiệp sớm phục hồi, phát triển để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế, góp phần tích cực trong ổn định được kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, hoạt động sản xuất, kinh doanh được phục hồi tốt, đời sống của người dân được ổn định,... Đồng thời, trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ, Đại biểu nhận định tỷ lệ nợ xấu có chiều hướng gia tăng; nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong 09 tháng năm 2023 đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài và còn diễn biến khó lường trong những tháng cuối năm 2023 và năm 2024 và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao. Do đó, để đạt mục tiêu về tăng trưởng GDP năm 2023 và giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 là 6,5 - 7%, đại biểu Trần Quốc Tuấn đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ 03 nội dung trọng tâm như tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2,0% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và hỗ trợ 2,0% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để duy trì và tạo làm mới cho người lao động theo Nghị quyết số 43, đồng thời kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024; quan tâm đến việc nghiên cứu, ban hành các cơ chế chính sách để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động duy trì ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết thêm nghiều việc làm mới, hướng đến mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ thất nghiệp đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội; khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu sửa đổi hoặc ban hành mới các Luật và văn bản dưới Luật để khơi thông điểm nghẽn chính sách đã được xác định qua cuộc tổng rà soát 523 văn bản pháp luật thuộc 22 lĩnh vực kinh tế - xã hội vừa qua. Vì qua kết quả rà soát, đã phát hiện 18/22 lĩnh vực với rất nhiều văn bản có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc khó hoặc không thể thực hiện vì nếu sớm hoàn thành nội dung này, sẽ khắc phục được tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

Đại biểu Ngô Chí Cường phát biểu thảo luận sáng ngày 24/10/2023

Tiếp tục phiên thảo luận, đại biểu Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ và ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Ngô Chí Cường còn boăn khoăn một số nội dung, cần đề nghị Chính phủ xem xét như: tình hình kinh tế có phục hồi, tuy nhiên còn chậm, tình trạng thiếu điện vẫn còn diễn ra, đây là vấn đề lớn cần phải khắc phục, cần có chủ trương khai thác, phát triển nguồn điện để phục vụ sản xuất, sinh hoạt; đồng thời, nguồn năng lượng điện tái tạo nước ta rất dồi dào nhưng hạ tầng truyền tải điện đang gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn, vì vậy thời gian tới đại biểu đề nghị Chính phủ cần trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực theo hướng cho phép tư nhân được tham gia đầu tư truyền tải điện hoặc bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hay nguồn vốn vay để đầu tư, có như vậy mới đảm bảo được nguồn điện cho quốc gia, nhất là cho sản xuất; bên cạnh đó, đối với thị trường bất động sản cũng được đại biểu quan tâm và cho rằng đang bị nghẽn lại do nhiều nguyên nhân, trong đó có chính sách thắt chặt tiền tệ, tín dụng, vì vậy cần có giải pháp nới lỏng thị trường bất động sản nhằm phát triển kinh tế - xã hội; Đồng thời, hiện nay đối với một số ngành sản xuất mới chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể về môi trường, phòng cháy, chữa cháy, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong triển khai sản suất, vì vậy cần chỉ đạo nghiên cứu, tham khảo quy chuẩn, tiêu chuẩn của một số nước trên thế giới trong thời gian tới. Vấn đề cuối cùng, đại biểu Cường quan tâm là về việc hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn làm cho cán bộ, công chức né tránh, sợ sai không dám làm, để khắc phục tình trạng này, đại biểu Ngô Chí Cường đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm có giải pháp khắc phục để cán bộ, công chức an tâm thực hiện.

Tin: B. T. Loan, ảnh: N.V.Đông

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 587
  • Tất cả: 3086357