KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV: Thảo luận tại Hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng ngày 02/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường sáng ngày 02/11/2023 (ảnh quochoi.vn)

Phiên thảo luận có 22 đại biểu Quốc hội phát biểu và 01 đại biểu tham gia tranh luận, qua đó, các ý kiến của đại biểu Quốc hội phần lớn tập trung vào công tác giải ngân vốn đầu tư công, vấn đề liên kết vùng phục vụ kinh tế - xã hội, việc cân đối nguồn thu cho địa phương, vấn đề bố trí ngân sách đảm bảo ổn định chế độ cho các lực lượng cấp cơ sở cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cùng với đó là việc khơi thông những ách tắc, tồn đọng trong hoàn thuế giá trị gia tăng, công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, việc chuẩn bị đầu tư và tình trạng vốn chờ dự án, các giải pháp tăng thu ngân sách những tháng cuối năm,….

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình
phát biểu thảo luận sáng ngày 02/11/2023 (ảnh quochoi.vn)

Tham gia phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, bên cạnh việc giữ vững ổn định vĩ mô, chính sách tài khóa năm 2021-2023 và giai đoạn gần đây, nhất là năm 2023 cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết như: cần có những điều chỉnh trước những biến động của bối cảnh mới; chính sách tài khóa vẫn còn khá thận trọng; chính sách miễn giảm thuế còn khá mờ nhạt; gói hỗ trợ nhà ở triển khai còn nhiều khó khăn, chưa được như kỳ vọng; gói hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội gần như chưa giải ngân được; chi đầu tư giải ngân rất chậm; vấn đề dự báo thu và chấp hành chi ngân sách cho đầu tư vẫn luôn là thách thức; rủi ro bất ổn từ quá trình thay đổi chính sách vĩ mô toàn cầu trong đó có vấn đề chuyển đổi mô hình tiêu dùng và xung đột khu vực cũng được đại biểu quan tâm. Qua đó, để hạn chế thấp nhất các thách thức nêu trên, đại biểu Thạch Phước Bình, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm trước tiên là Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước giai đoạn từ năm 2024-2026 cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Việc tiếp tục lập ngân sách theo mô hình đầu vào đã bộc lộ những hạn chế rất lớn khi đối phó với dịch bệnh vì vậy cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt với ngành y tế. Dịch bệnh Covid -19 cũng đã có những tác động rất lớn đến cơ cấu kinh tế và lao động không chỉ năm 2021-2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025. Hàng loạt vấn đề về đào tạo lại lao động, đảm bảo môi trường an toàn cho lao động di cư (nhà ở, trường học, bệnh viện) đặt ra những yêu cầu mới trong lập kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn; tiếp theo là cần có giải pháp chính sách nâng cao năng lực theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành dự toán; tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ NSNN, phối hợp các bộ ngành và địa phương trong lập và chấp hành dự toán chi đầu tư; việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công cần tiếp tục được thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam; việc điều chỉnh quy mô và cơ cấu chi trong ngân sách nhà nước, chi đầu tư là quan trọng nhưng chi đầu tư cho cải tạo, nâng cấp và đặc biệt là chi thường xuyên cho duy tu bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng cũng rất cần thiết; gói hỗ trợ tài khóa cần tiếp tục tập trung vào chi đầu tư cơ sở hạ tầng, chi cho đào tạo lại lao động, chi cho xây dựng các khu nhà ở xã hội, các dự án cải tạo chung cư cũ cũng được đại biểu quan tâm kiến nghị,….

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình tại phiên thảo luận (ảnh quochoi.vn)

Tham gia giải trình các nội dung có liên quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, về chính sách tài khóa, thời gian qua, Chính phủ đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, nghĩa là chính sách tài khóa thâm hụt thì phải giảm thuế nhưng vẫn tăng chi ngân sách. Đối với một số ý kiến về việc tăng thu từ tiền đất, Bộ trưởng cho rằng, thu từ tiền đất và khoản thu từ dầu thô còn rất nhỏ, thu ngân sách chủ yếu từ vai trò của sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là thu nội địa. Về vấn đề giải ngân đầu tư công, Bộ trưởng cho biết, đến nay mới giải ngân đạt được 57% theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đối với nguyên nhân vướng mắc từ đầu tư công, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện Luật Đầu tư công và các quy định pháp luật khác có liên quan trong thời gian tới.

Tin: B.T. Loan

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 602
  • Tất cả: 3086372