Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận tại Tổ 6 về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 05/6/2023, Tổ số 6 tiến hành thảo luận đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), phiên thảo luận do ông Bùi Minh Châu, UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ điều hành.

Tại buổi thảo luận, có 08 đại biểu tham gia cho ý kiến đối với dự thảo Luật về đối tượng mua nhà ở xã hội; cải tạo nhà chung cư; bảo hộ quyền sở hữu nhà ở; quyền của chủ sở hữu nhà ở và người sử dụng nhà ở; công nhận quyền sở hữu nhà ở; chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại; nhà lưu trú của công nhân trong khu công nghiệp; các loại hình nhà ở phát triển theo dự án và tiêu chuẩn diện tích nhà ở; thanh tra nhà ở,….tham gia phát biểu tại Tổ đối với nội dung này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh có 02 đại biểu tham gia thảo luận. 

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia phát biểu thảo luận sáng ngày 5/6/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), bên cạnh việc thống nhất với việc sửa đổi, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng vẫn còn một số nội dung cần được thể chế hóa về quyền nhà ở phù hợp với Hiến pháp; đồng thời, rà soát các quy định tạo sự thống nhất với Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các dự thảo các luật đang sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 5 như: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Về các giai đoạn đầu tư xây dựng dự án nhà ở, đại biểu cho rằng trong quá trình đầu tư, xây dựng dự án, chủ đầu tư phải thực hiện rất nhiều thủ tục liên quan đến xây dựng như thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy, thẩm định về công nghệ dẫn đến thời gian chuẩn bị dự án, cấp giấy phép xây dựng còn dài. Vì vậy, đại biểu Bình đề nghị bổ sung nội dung về sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng theo hướng nên có cơ chế rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục xây dựng cho chủ đầu tư để giúp chủ đầu tư rút ngắn thời gian, chi phí thực hiện các thủ tục xây dựng. Đồng thời, khi triển khai dự án nhà ở thương mại, thì có dành một khoản đất cho nhà ở xã hội, đây là vấn đề bất cập cần xem xét lại vì theo đại biểu rất khó thu hút nhà đầu tư. Về vấn đề sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu cho rằng quy định dự thảo mâu thuẩn với Luật Đất đai; đồng thời, đối với quy định về khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở  như dự thảo là rất khó thực hiện, do đó để đảm bảo tính minh bạch của chính sách và tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu đề nghị quy định rõ việc xác định cụ thể dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu vực đô thị có nhà ở trên địa bàn cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở sẽ được lồng ghép trong thủ tục đầu tư hoặc có hình thức công khai thông tin trên để doanh nghiệp nhận biết.
Bên cạnh đó, đối với các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo quy định “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở ủy quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, góp vốn hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện ký hợp đồng thuê, thuê mua, mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc các giao dịch về nhà ở hoặc kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án; bàn giao nhà ở cho người mua, thuê mua khi chưa có đủ điều kiện theo quy định của Luật này”, đây là một nội dung rất bất cập trong thực tế nên đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục quan tâm vì cùng là chủ đầu tư dự án được ghi nhận hợp pháp trên hồ sơ pháp lý thì họ hoàn toàn có thể thỏa thuận ủy quyền cho chủ đầu tư còn lại trong số  hợp đồng mua bán nhà ở hoặc tự do thỏa thuận hình thức phân chia lợi nhuận từ việc hợp tác bằng tiền mặt hoặc sản phẩm dự án. Đồng thời, về chính sách của Nhà nước về nhà ở, đại biểu cho rằng dự thảo chưa thể hiện được chính sách của Nhà nước về nhà ở nói chung mà chỉ đề cập đến chính sách phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước về nhà ở nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng được nêu trong văn kiện Đại hội XIII về phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở; đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, theo đó nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp; tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội,…..”, cùng với đó là bổ sung chính sách để hỗ trợ phát triển nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm phù hợp với Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội.
Song song đó, đại biểu Bình đề nghị làm rõ khái niệm “nhà ở xã hội” và cho rằng cách giải thích như dự thảo Luật là chưa đầy đủ mà phải cần đặt trong mối quan hệ và so sánh với nhà ở thương mại, nhà ở công vụ và được xây dựng theo tiêu chí là công trình để ở của các thành viên hộ gia đình, cá nhân và theo cơ chế ưu tiên, ưu đãi là mua, thuê. Về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đại biểu chi rằng còn nhiều bất cập, việc phân chia các đối tượng được hỗ trợ chưa thật sự phù hợp khi có quá nhiều đối tượng được liệt kê và có sự tương đồng, tạo ra nhiều tầng nấc trong khi tiêu chí phân biệt chưa thật rõ ràng, do đó đại biểu đề nghị nên quy về một loại đối tượng và có tiêu chí cụ thể để thực hiện. Về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, đối với mộ số đối tượng công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, dự thảo Luật quy định điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội phải “thuộc diện không nộp thuế thu nhập cá nhân đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân”, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi thu nhập, cũng như đối tượng được mua nhà ở xã hội, do thực tế cho thấy có nhiều trường hợp phải nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng vẫn chưa thể đủ tiền mua nhà, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhằm mang tính nhân văn của pháp luật trong việc áp dụng. Ngoài ra, cần làm rõ đối với trường hợp công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức đã có gia đình thì các điều kiện xét duyệt chính sách nhà ở xã hội có khác so với trường hợp độc thân.
Về nguyên tắc bán, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội, đại biểu đề nghị bổ sung trường hợp,  chưa đủ 05 năm kể từ khi thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở xã hội và đã được cấp Giấy chứng nhận, nhưng thuộc trường hợp phải chuyển chỗ ở do thay đổi nơi làm việc hoặc chuyển công tác để phù hợp với thực tiễn cuộc sống và mang tính khả thi cao khi thực hiện.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia phát biểu thảo luận sáng ngày 5/6/2023 (Ảnh: Minh Triều)

Tiếp tục phiên thảo luận Tổ đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, đề nghị làm rõ khái niệm chủ sở hữu nhà chung cư, như thế nào là chủ sở hữu diện tích khác, quy chuẩn ra sao. Về nguyên tắc xác định giá thuê nhà ở công vụ, dự thảo quy định  trường hợp thuê nhà ở thương mại để làm nhà ở công vụ thì người thuê nhà ở công vụ trả tiền thuê nhà ở thấp hơn giá thuê nhà ở thương mại, đại biểu cho rằng quy định nêu trên sẽ xảy ra trường hợp đơn vị cho thuê nhà ở thương mại giá cao hơn thì phần chênh lệch đối tượng nào chi trả, do vậy, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định này để đảm bảo thực hiện. Về đối tượng và điều kiện được thuê nhà công vụ, đại biểu cho rằng quy định đối tượng được thuê nhà công vụ có mâu thuẫn với Quyết định về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ, cụ thể dự thảo Luật đối tượng đến Phó Chủ tịch UBND huyện, trong khi Quyết định số 03/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022, tại Điều 5, đối tượng là Chủ tịch UBND huyện là chưa thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

B.T.Loan 
Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 602
  • Tất cả: 3086372