Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận tại Tổ 6 về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 09/6/2023, Tổ số 6 đã tiến hành thảo luận đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), phiên thảo luận do ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam điều hành.

Tại buổi thảo luận, có 11 đại biểu tham gia cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về giải thích một số từ ngữ trong dự thảo Luật; đối tượng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; các trường hợp thu hồi đất; việc xác định giá đất; việc bồi thường hỗ trợ, tái định cư; công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường khi thu hồi đất; hạn mức giao đất, giao rừng, …và một số nội dung quan trọng khác được các vị đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại buổi thảo luận, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh có 03 đại biểu tham gia cho ý kiến đối với dự thảo luật trước khi dự thảo này được lấy ý kiến tại Hội trường dự kiến tổ chức vào ngày 21/6/2023 sắp tới.

ĐBQH Ngô Chí Cường - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Tham gia phát biểu thảo luận tổ sáng ngày 9/6/2023 (ảnh:media.quochoi.vn)

Tham gia góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Ngô Chí Cường cho biết, dự thảo Luật được Quốc hội tổ chức cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 đã cơ bản tiếp thu khá đầy đủ các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và các ý kiến đóng góp của Nhân dân, qua đó đã cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện lấy ý kiến đối với dự thảo Luật một cách nghiêm túc, đồng bộ, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất và hiệu quả, bên cạnh đó, nhằm góp phần hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm thêm một số nội dung:
Thứ nhất, tại Điều 5 dự thảo quy định về Người sử dụng đất, đại biểu cho rằng đối tượng người sử dụng đất tại Điều này không quy định Hộ gia đình, tuy nhiên cụm từ Hộ gia đình đã xuất hiện 131 lần trong 46/263 Điều của dự thảo, trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ Hộ gia đình có thuộc đối tượng là "Người sử dụng đất" hay không để sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, Hộ gia đình có thể thực hiện các quyền được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, ...theo quy định.
Thứ hai, về Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tại điểm b, khoản 2 Điều 28 của dự thảo. Theo đại biểu, nội hàm "quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định", là chưa rõ và dễ bị lợi dụng bởi các thành viên trong nhóm người sử dụng đất để tách thửa hoặc gây áp lực cho cơ quan thực thi pháp luật về đất đai, yêu cầu tách thửa khi các phần được phân chia đó có thể không đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định, do vậy, đại biểu đề nghị ngoài việc thực hiện thủ tục tách thửa, đề nghị Luật cần có quy định ràng buộc cụ thể trong trường hợp này để dễ thực hiện và không bị lợi dụng.
Thứ ba, cần nghiên cứu làm rõ hơn nội dung của Mục 2 - Quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất”, từ điều 33 đến điều 37; Luật Đất đai hiện hành được được cụ thể tại Nghị định số 01/2017/ND-CP ngày 06/01/2017, theo đó, trường hợp cá nhân khi thành lập doanh nghiệp và đưa đất nông nghiệp vào doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất kinh doanh thì phải chuyển mục đích sử dụng đất và sử dụng đất với hình thức thuê đất của nhà nước. Quy định này sẽ làm cho cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất ổn định không muốn thành lập doanh nghiệp, vì cho rằng “Trước khi thành lập doanh nghiệp thì diện tích đất đó là của họ và có quyền sử dụng đất dài hạn; nhưng khi lên doanh nghiệp, thì phải giao phần đất lại cho nhà nước, sau đó phải thuê đất của nhà nước để sản xuất kinh doanh, nhưng phần đất thuê lại chính là phần đất của họ có quyền sử dụng đất dài hạn trước đây”. Đây là nội dung rất bấp cập, cần nghiên cứu và đưa vào nội dung của dự án Luật, không nên để Chính phủ hướng dẫn bằng Nghị định như trước đây.
Vấn đề tiếp theo đại biểu Cường quan tâm là về xác định giá đất, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thật kỹ "Phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường" được quy định tại Điều 158 dự thảo Luật, để xác định được mức giá hợp lý nhất khi Nhà nước thu hồi đất, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước hướng đến mục tiêu cuối cùng là "an dân, phát triển đất nước".

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia phát biểu thảo luận sáng ngày 09/6/2023 (Ảnh: Minh Triều)

Tiếp tục phiên thảo luận, bên cạnh việc thống nhất với tờ trình của Chính phủ, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét một số nội dung:
Thứ nhất, đối với một số quy định về giải thích từ ngữ, đại biểu cho rằng việc dự thảo quy định “huỷ hoại đất là hành vi làm biến dạng địa hình, làm suy giảm chất lượng đất gây ô nhiễm đất mà làm mất hoặc giảm khả năng sử dụng đất theo mục đích đã được xác định” là chưa đầy đủ vì hiện tại ở địa phương có tình trạng đất gò cao rất khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, cụ thể là việc trồng lúa nước, nên người dân phải lấy đất mặt nhằm hạ độ cao để thuận lợi cho việc lấy nước vào đồng ruộng phục vụ cho sản xuất lúa. Vậy thì khi lấy một lớp đất mặt đã làm biến dạng địa hình của đất, làm mất đất xem như là huỷ hoại đất, vì vậy đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm nội dung ngoại trừ các trường hợp khác mà luật cho phép (cụ thể là vấn đề hạ độ cao của đất để phục vụ sản xuất nông nghiệp).
Đồng thời, dự thảo có giải thích “lấn biển là việc sử dụng các giải pháp để mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm về phía biển thuộc vùng biển Việt Nam nhằm tạo quỹ đất cho các mục đích phát triển kinh tế xã hội”, theo đại biểu, việc dự thảo luật chỉ quy định việc lấn biển phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế xã hội là chưa đầy đủ cần xem xét các yếu tố khác vì mục đích văn hoá, an ninh quốc phòng,…. để phục vụ cho nhiệm vụ phát triển của đất nước về văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh, nếu chỉ quy định nội dung phát triển kinh tế xã hội là chưa đầy đủ làm chậm cho sự phát triển của đất nước. 
Thứ ba, về quy định giá đất cụ thể, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể, đại biểu đề xuất Ban soạn thảo quy định rõ hơn thành phần Hội đồng thẩm định giá, cụ thể các cơ quan, số lượng tối đa, tránh trường hợp số lượng quá nhiều hay quá ít. Bên cạnh đó, tại nội dung này quy định có mời Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tham gia dự khi Hội đồng thẩm định giá đất, đại biểu đề nghị dự thảo bổ sung Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và đại diện các tổ chức chính trị xã hội vào thành phần Hội đồng thẩm định giá đất, không thuộc thành phần được mời.
Thứ tư, qua nghiên cưu dự thảo luật và các nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có hai nghị định, một là nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai,  hai là nghị định quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên đưa các điều trong dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai vào trong dự thảo luật; nhất là những nội dung đã rõ đã triển khai trong thực tiễn trong thời gian qua nên đưa vào luật, hạn chế quy định quá nhiều điều trong các nghị định gây khó khăn trong thực thi, những nội dung cần thời gian triển khai trong thực tiễn thì mới đưa vào nghị định và hợp nhất hai nghị định thành một nghị định chung vì nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai đã bao gồm nội hàm của nghị định quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất, hai nghị định này chỉ nên là một nghị định, để khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong nghiên cứu, tra cứu văn bản luật; đồng thời, các điều khoản giao Chính phủ và các Bộ ngành quy định đề suất nên trình trong các kỳ họp để Quốc hội cho ý kiến, tránh trường sau khi ban hành luật mới ban hành các nghị định thông tư, chưa kể việc chậm ban hành và nợ các văn bản pháp luật trong thời gian qua.

Đại biểu Bế Trung Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia phát biểu thảo luận sáng ngày 09/6/2023 (Ảnh: Minh Triều)

Song song đó, đại biểu Bế Trung Anh cũng bày tỏ sự đồng tình với phần lớn nội dung dự thảo, tuy nhiên, đại biểu quan tâm đến vấn đề đồng dân tộc thiểu số, về định nghĩa các loại đất, đại biểu cho rằng quy định như dự thảo thì người dân tộc thiểu số không có đất tín ngưỡng do không có các công trình trong dự thảo quy định, vì vậy khi thu hồi hay bồi thường thì dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng bồi thường; về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp này cũng chưa được đề cập; vấn đề tiếp theo là quyền lợi về đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo quyền lợi cho người dân tộc nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 18 do không có quỹ đất để cấp hoặc cấp đất rất chậm và có trường hợp đã cấp rồi nhưng lại tái thiếu do người dân chuyển nhượng hoặc cầm cố, vì vậy nên có quy định hỗ trợ thông tin cho người dân tộc thiểu số khi thực hiện chuyển nhượng, cầm cố quyền sử dụng đất.

B.T.Loan 
Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 578
  • Tất cả: 3086348