Đại biểu Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh: Cần có giải pháp hiệu quả để hạn chế tình trạng lợi ích nhóm trong đấu giá tài sản
Đây là quan điểm của đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn khi tham gia phát biểu thảo luận Tổ đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV vào chiều ngày 08/11/2023. Phiên thảo luận do ông Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh chủ trì.  

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn
phát biểu thảo luận tổ chiều ngày 8/11/2023 (Ảnh V Đông)

Đại biểu Trần Quốc Tuấn cho rằng, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đấu giá tài sản; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về hoạt động đấu giá tài sản từng bước được nâng cao; hoạt động đấu giá tài sản từng bước được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa một cách mạnh mẽ với các tổ chức đấu giá tài sản phát triển rộng khắp trên cả nước và cơ bản đáp ứng yêu cầu xử lý tài sản của các tổ chức, cá nhân; các loại tài sản đấu giá ngày càng mở rộng, đa dạng với nhiều loại tài sản mới bắt buộc phải bán thông qua đấu giá như kho số viễn thông, tài nguyên Internet,... nhiều số điện thoại đẹp, hay biển số xe ô tô đẹp đã được đấu giá thành công, đại biểu cho biết đã thực hiện thí điểm biển số xe ô tô, phiên đấu giá ngày 15/9/2023, với 11 biển số xe ô tô thu về trên 82 tỷ đồng; cá biệt có 1 biển số  51K-888.88 của TP.HCM đã trúng đấu giá trên 32 tỷ đồng, đã góp phần nâng cao tính công khai, minh bạch, hiệu quả trong việc xử lý tài sản, đặc biệt là tài sản công; giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều so với giá khởi điểm, đóng góp vào việc thu ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho biết, một số quy định của Luật Đấu giá tài sản còn nhiều hạn chế, bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn hoặc có những nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa dự liệu hết những vấn đề phát sinh trong quá trình xã hội hóa hoạt động bán đấu giá. Từ đó, xảy ra tình trạng trục lợi trong đấu giá tài sản, có những tài sản của người dân bị dìm giá, để bán đấu giá với giá thấp hơn giá trị thực, gây bức xúc trong dư luận hoặc có trường hợp tài sản công khi bán đấu giá số tiền thu về thấp hơn số tiền người trúng đấu giá phải trả, do người trúng đấu giá còn phải trả thêm một khoản phí chính thức cho một nhóm người khác, gây thất thoát ngân sách nhà nước do nhiều nguyên nhân; đồng thời, thực trạng khác cũng đang diễn ra và gây bức xúc là khi đến mua hồ sơ để tham gia đấu giá tài sản thì nhân viên cho rằng đã hết hồ sơ nhưng thực tế là những hồ sơ đó đã được bán từ sớm, từ xa cho một nhóm người bắt tay thông đồng với nhau. Theo đại biểu Tuấn, tình trạng này xảy ra là do Luật Đấu giá tài sản không quy định về thành phần hồ sơ tham gia đấu giá, nơi bán hồ hay điều kiện tham gia đấu giá, hồ sơ thẩm định, thời gian và cơ quan, tổ chức thẩm định điều kiện tham gia,...từ đó, trong thực tế quá trình triển khai đã xảy ra tình trạng mỗi tổ chức đấu giá thực hiện một cách khác nhau, đặc biệt là địa điểm tổ chức bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá không rõ ràng, tổ chức đấu giá không đảm bảo tính khách quan, minh bạch, có thể gây thất thoát ngân sách nhà nước khi đấu giá tài sản công. Đại biểu Tuấn cho rằng, đây là vấn đề tồn tại mà dự thảo Luật sửa đổi cần phải khắc phục theo hướng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khung pháp lý, quy định về “Xây dựng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản rõ ràng, minh bạch, áp dụng thống nhất, khả thi, linh hoạt, tạo thuận lợi cho người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản khi thực hiện việc đấu giá tài sản. Đồng thời, đảm bảo nguồn thu cao nhất cho ngân sách nhà nước khi đấu giá tài sản công”. Bên cạnh đó, phải tiếp tục ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động đấu giá tài sản góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản.
Đại biểu Tuấn bày tỏ quan điểm thống nhất cao với việc sửa đổi Luật Đấu giá tài sản và tập trung cho ý kiến đối với các nội dung: (1) đồng tình cao với việc bổ sung các nhóm đối tượng “Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột; các công ty mẹ, công ty con; các doanh nghiệp mà cá nhân, tổ chức hoặc nhóm cá nhân, tổ chức có khả năng chi phối hoạt động thông qua sở hữu, thâu tóm cổ phần, phần vốn góp hoặc thông qua việc ra quyết định của doanh nghiệp khi đăng ký tham gia đấu giá trong cùng một tài sản” không được đăng ký tham gia đấu giá, đại biểu cho rằng, việc bổ sung quy định nhóm đối tượng này không được tham gia đấu giá, nhằm giảm bớt tiêu cực xã hội và để đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, minh bạch trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định về việc xử lý, xử phạt việc vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá tài sản; quy định chế tài cấm tham gia đấu giá trong một thời gian, có thể từ 01 đến 03 năm đối với một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về đấu giá tài sản ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đấu giá nhằm minh bạch đối với hoạt động này, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp và xã hội; (2) việc sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về các trường hợp đấu giá không thành, cụ thể “Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá hợp lệ trong trường hợp đấu giá tài sản quy định tại Điều 59 của Luật này” cũng được đại biểu Tuấn quan tâm cho ý kiến và cho rằng việc bổ sung quy định như trên sẽ góp phần vừa đảm bảo tính chặt chẽ, vừa đảm bảo tính thống nhất với các nội dung được quy định trong dự thảo Luật; (3) về thông báo công khai việc đấu giá tài sản, đại biểu Tuấn quan tâm đến quy định “Ngoài việc thông báo công khai trên báo in hoặc báo hình của Trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có tài sản đấu giá và Cổng Đấu giá tài sản quốc gia quy định tại khoản 1 Điều này, tổ chức đấu giá tài sản thông báo công khai việc đấu giá tài sản trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo yêu cầu của người có tài sản đấu giá" và cho rằng hiện nay, hình thức thông báo công khai trên báo in, báo hình không còn phù hợp với thực tiễn. Tỷ lệ tiếp cận thông tin đấu giá từ báo in, báo hình không cao, một số tổ chức đấu giá tài sản còn lợi dụng quy định về báo in, báo hình để hạn chế thông tin đấu giá như đăng trên báo ít người đọc, phát sóng vào các khung giờ ban đêm gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đấu giá tài sản. Hiện nay, việc đăng thông tin cuộc đấu giá trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản đang phát huy hiệu quả tích cực, đảm bảo tính công khai, minh bạch, dễ theo dõi, tiếp cận thông tin.

Tin: B T Loan

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 585
  • Tất cả: 3086355