Đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh: Nâng cao năng lực theo dõi, đánh giá công tác lập dự toán và chấp hành dự toán ngân sách nhà nước
Thứ năm, ngày 02/11/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ chín của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về các nội dung: i) Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; ii) Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2023, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2024 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý; việc bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ở trung ương, các địa phương).

Quang cảnh thảo luận tại Hội trường ngày 02/11/2023  (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tại phiên thảo luận đã có 22 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau: công tác quản trị ngân sách và thực thi chính sách tài khóa; việc thực hiện chính sách tài khóa giai đoạn 2021-2023; vai trò của thành phần kinh tế nhà nước đối với các dự án hạ tầng giao thông chiến lược; sử dụng các công cụ tài khóa vĩ mô; kết quả và bất cập, hạn chế trong công tác đầu tư công; giải ngân vốn đầu tư công; đầu tư công xây dựng hệ thống cảng cạn; thu ngân sách; vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương; bội chi; phân bổ vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia; cơ cấu vốn trong việc đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; nguồn vốn đầu tư; hoàn thuế giá trị gia tăng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; liên kết vùng; vốn đầu tư về công trình y tế; hệ thống đường sắt quốc gia; chế độ cho các lực lượng ở cấp cơ sở…

Đại biểu Thạch Phước Bình thảo luận tại Hội trường ngày 02/11/2023
(Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia trao đổi tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh cho rằng, báo cáo của Chính phủ về đánh giá thực hiện NSNN năm 2023, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2024, về kế hoạch tài chính - NSNN 03 năm 2024-2026 cho thấy chính sách tài khóa 2021-2023 và đặc biệt là năm 2023 của nước ta qua hàng loạt Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giai đoạn này được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp lý của Chính phủ đã góp phần giúp nước ta tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, theo đại biểu Bình phân tích chính sách tài khóa năm 2021-2023 và giai đoạn gần đây, nhất là năm 2023 cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết cả trong ngắn và dài hạn. Cụ thể như: Thứ nhất, Chương trình hỗ trợ và phục hồi KT-XH theo Nghị quyết 43/2022 được thiết kế trước khi có những biến động lớn về tình hình kinh tế chính trị thế giới như xung đột Nga - Ucraina, tình hình lạm phát toàn cầu. Do vậy, cần phải có những điều chỉnh trước những biến động của bối cảnh mới. Tuy nhiên, dường như, chính sách tài khóa vẫn còn khá thận trọng khi xu hướng chung là ít thay đổi qua các năm. Thận trọng là cần thiết song quá thận trọng sẽ không có lợi khi chi tiêu Chính phủ được coi là động lực tăng trưởng quan trọng hiện nay. Thứ hai, ngoài chính sách miễn giảm thuế có tác dụng rõ rệt thì các chính sách khác còn khá mờ nhạt như chương trình hỗ trợ 2% lãi suất hay chương trình mua máy tính cho học sinh. Gói hỗ trợ nhà ở mặc dù được coi là rất có ý nghĩa về mặt xã hội nhưng triển khai trên thực tế cũng còn nhiều khó khăn, chưa được như kỳ vọng. Gói hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội gần như chưa giải ngân được (giải ngân chưa đến 1% ). Thứ ba, chi đầu tư giữ vai trò quan trọng trong gói hỗ trợ tài khóa song tiến độ giải ngân rất chậm, từ số liệu hết tháng 08/2023 cho thấy tổng chi đầu tư phát triển cả năm khó có thể đạt 90% dự toán. Nhiều khoản chi đầu tư từ chương trình phục hồi KT-XH vẫn chưa thể giải ngân. Mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội  đã có nhiều giải pháp như ban hành Nghị quyết 584 về việc điều chỉnh, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển vốn ngân sách Trung ương năm 2022 cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, tình trạng “no dồn, đói góp” của chi đầu tư ít thay đổi. Điều này sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế của năm 2023 và cả giai đoạn 2024-2026. Thứ tư, vấn đề dự báo thu và chấp hành chi ngân sách cho đầu tư vẫn luôn là thách thức. Việc dự báo thận trọng là cần thiết song quá thận trọng có thể khiến chúng ta sẽ tự thu hẹp không gian tài khóa của mình. Hệ quả là cán cân ngân sách có nguy cơ mất cân đối nhiều hơn và rủi ro làm tăng vay nợ. (5) Rủi ro bất ổn từ quá trình thay đổi chính sách vĩ mô toàn cầu trong đó có vấn đề chuyển đổi mô hình tiêu dùng và xung đột khu vực. Các dự báo của các tổ chức kinh tế đều cho thấy cho năm 2023 tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ yếu đi. Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm Trung Quốc, khu vực đồng Euro và Hoa Kỳ, sẽ tăng trưởng chậm lại đáng kể vào năm 2023. Khó khăn của nền kinh tế đã làm IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 chỉ còn 4,7 %, tức giảm 1,1% so với dự báo trước đó) và dự báo phục hồi dần lên 5,5% vào năm 2024 và 6% vào năm 2025. 
Để hạn chế thấp nhất các thách thức nêu trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm một số nội dung sau: Trước hết, bối cảnh kinh tế xã hội năm 2023 và giai đoạn 2024-2026 có những thay đổi rất lớn do tác động của Covid-19 và tình hình kinh tế chính trị thế giới, vì vậy Kế hoạch tài chính 5 năm và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm 2024-2026 cần có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới. Việc tiếp tục lập ngân sách theo mô hình đầu vào đã bộc lộ những hạn chế rất lớn khi đối phó với dịch bệnh vì vậy cần nhanh chóng triển khai áp dụng việc lập kế hoạch ngân sách theo đầu ra, đặc biệt với ngành y tế. Dịch bệnh Covid -19 cũng đã có những tác động rất lớn đến cơ cấu kinh tế và lao động không chỉ năm 2021-2022 mà cho cả giai đoạn 2021-2025. Hàng loạt vấn đề về đào tạo lại lao động, đảm bảo môi trường an toàn cho lao động di cư (nhà ở, trường học, bệnh viện) đặt ra những yêu cầu mới trong lập kế hoạch tài chính, đầu tư trung hạn. Hai là, cần có giải pháp chính sách nâng cao năng lực theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành dự toán. Với dự toán thu NSNN, việc vượt thu NSNN là tốt song nếu số vượt thu quá cao cũng có cho thấy những vấn đề nhất định trong công tác lập dự toán. Thực tiễn cho thấy, mặc dù chính phủ có những biện pháp mạnh mẽ thì việc thực hiện dự toán chi tiêu từ ngân sách nhà nước vẫn luôn có nhiều thách thức nhất là với chi đầu tư. Số liệu cho thấy việc lập dự toán và chấp hành dự toán đúng luôn là vấn đề chưa được giải quyết khi mà số ngân sách chuyển nguồn hàng năm luôn rất cao (tỷ lệ này giảm đi đôi chút vào giai đoạn 2012-2014 và lại tăng cao trở lại vài năm gần đây). Về nguyên thì có nhiều, có thể chỉ ra như: (i) Nhiều đơn vị sử dụng ngân sách triển khai nhiệm vụ chậm dẫn đến phải chuyển nguồn. (ii) Công tác giao bổ sung vốn từ trung ương chậm khiến nhiều địa phương không kịp chi dẫn đến phải chuyển nguồn. Một số khoản kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương được cấp vào quý IV nên các địa phương chưa kịp triển khai. Điều này xảy ra chủ yếu đối với khoản kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Tình trạng kinh phí của các dự án được chuyển từ năm trước sang năm sau nhưng không thực hiện, tiếp tục chuyển sang năm sau làm giảm tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng vốn chương trình mục tiêu quốc gia. Thậm chí, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước có trường hợp nhiều khoản kinh phí được chuyển nguồn sai quy định. Thực tế cho thấy, khi mà ngân sách chuyển nguồn quá lớn lên tới gần 40% tổng chi cân đối NSNN (2019-2020) thì hiệu quả của chính sách tài khóa đến tăng trưởng kinh tế trong năm sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp chủ động, quyết liệt và tích cực trong việc tiết kiệm chi tiêu từ NSNN, phối hợp các bộ ngành và địa phương trong lập và chấp hành dự toán chi đầu tư. Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quản lý và phân bổ chi đầu tư công cần tiếp tục được thực hiện để phù hợp hơn với điều kiện thực thi chính sách ở Việt Nam. Việc quy định rõ ràng về trách nhiệm, trách nhiệm giải trình và phân cấp quản lý chi đầu tư chính luôn là hết sức cần thiết. Đặc biệt cần rất chú trọng đến việc lập kế hoạch và giải ngân đầu tư công để tránh tình trạng ”no dồn, đói góp” trong chi đầu tư. Trong đó, cũng cần tháo gỡ các quy định ảnh hưởng đến giải ngân chi đầu tư nói chung và chi đầu tư từ nguồn vốn ODA nói riêng. Có thể xem xét điều chỉnh các khoản đầu tư cho nhà ở xã hội sang hình thức hỗ trợ doanh nghiệp xây nhà ở xã hội bằng nguồn vốn đối ứng của doanh nghiệp và hỗ trợ xây nhà cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất...Ba là, điều chỉnh quy mô và cơ cấu chi trong ngân sách nhà nước. Chi đầu tư cho xây mới là quan trọng nhưng chi đầu tư cho cải tạo, nâng cấp và đặc biệt là chi thường xuyên cho duy tu bảo dưỡng hệ thống cơ sở hạ tầng cũng rất cần thiết. Gói hỗ trợ tài khóa cần tiếp tục tập trung vào chi đầu tư cơ sở hạ tầng (các dự án án có tính liên vùng, đã hoàn thành cơ bản các thủ tục đầu tư), chi cho đào tạo lại lao động (chuyển đổi nghề nghiệp), chi cho xây dựng các khu nhà ở xã hội, các dự án cải tạo chung cư cũ...Xem xét điều chỉnh các gói hỗ trợ không còn phù hợp với bối cảnh mới. Nguyên tắc chung của việc thực hiện chính sách tài khóa nên là đơn giản về quy trình, dễ xác định đối tượng hưởng lợi và không tạo ra cơ hội cho tham nhũng chính sách, tiêu cực.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phước Tiến

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 595
  • Tất cả: 3086365