Đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh: Cần sớm xây dụng và áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử về tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân
Ngày 20/11/2023, Quốc hội bước vào ngày làm việc đầu tiên của Đợt 2, cũng là ngày làm việc thứ 16 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Tại phiên thảo luận có 22 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận; trong đó ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; đánh giá phần lớn các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm trả lời, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật tại địa phương. 

Đại biểu Thạch Phước Bình – Trà Vinh phát biểu thảo luận  tại Hội trường ngày 20/11/2023 (Ảnh: media.quochi.vn)

Tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh cho rằng công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của cơ quan dân cử và của người đại biểu nhân dân. Việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo của công dân đã góp phần tích cực vào hoạt động quản lý nhà nước và xã hội. Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và đảm bảo thực hiện. Điều 30, Hiến pháp năm 2013 quy định. Tuy nhiên, đại biểu Bình cho rằng, trong những năm gần đây tình hình khiếu nại, tố cáo tập thể, đông người, vượt cấp vẫn còn xảy ra. Nội dung khiếu nại, tố cáo chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất lâm nghiệp bị xâm canh lấn chiếm trái phép và đơn giá, chính sách giải tỏa đền bù của Nhà nước khi thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh,… Trong đó, nhiều trường hợp đã giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, nhưng người dân vẫn tiếp tục khiếu kiện đến nhiều nơi và gửi đơn đến trụ sở Ban tiếp công dân của trung ương để yêu cầu Nhà nước tiếp tục xem xét, giải quyết. 
Song song đó, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đánh giá hoạt động tiếp công dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập đã dẫn đến tình trạng này như: Thứ nhất, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Đoàn ĐBQH, cùng với Thường trực HĐND các tỉnh, các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các tỉnh quan tâm thực hiện, nhưng nội dung, hình thức chưa sâu, chưa phù hợp với từng đối tượng, từ đó chưa thu hút được sự quan tâm, tìm hiểu của Nhân dân nên hiệu quả đạt được chưa cao. Mặt khác, mức độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, trong khi vai trò của các tổ chức tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý chưa được phát huy. Thứ hai, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh của cơ quan có thẩm quyền vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Một số trường hợp khiếu nại, tố cáo, cơ quan có thẩm quyền giải quyết còn chậm, kéo dài, dẫn đến việc công dân gửi đơn thường xuyên đề nghị cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết dứt điểm; việc thi hành các quyết định giải quyết đã có hiệu lực của các cấp vẫn còn tồn đọng khá nhiều, từ đó làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và gây bức xúc trong Nhân dân; việc các cơ quan trung ương có văn bản chuyển đơn về địa phương đề nghị rà soát, xử lý khi nội dung đơn đã có quyết định giải quyết cuối cùng, hợp tình, hợp lý, cũng là nguyên nhân công dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và gây áp lực với cơ quan dân cử và các cơ quan chức năng; Một số quy định pháp luật không còn phù hợp với tình hình thực tế. Do đó, tình trạng đơn, thư đã được cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định pháp luật, tuy nhiên người dân không chấp hành, khiếu nại nhiều lần, chủ yếu là lĩnh vực đất đai. Thứ ba, hiện tại, chưa có phần mềm lưu trữ và tra cứu liên thông dành cho đơn, thư khiếu nại, tố cáo từ trung ương đến địa phương. Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý đơn, thư nắm tình hình thông qua phối hợp, trao đổi bằng văn bản. Do đó, việc tra cứu bị hạn chế, một số đơn, thư đã lâu khó nắm thông tin nên chưa bảo đảm tính kịp thời.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý đơn, thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh kiến nghị Quốc hội, Chính phu và các Bộ ngành Trung ương quan tâm một 05 nội dung sau: Một là, tăng cường tập huấn về công tác tiếp công dân và quy trình xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố. Hai là, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp của Luật Khiếu nại, Tố cáo, và Tiếp công dân. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cần sớm ban hành dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, cân nhắc nội dung các điều luật theo hướng quy định rõ vấn đề thẩm quyền của các cơ quan có liên quan; các chính sách đất đai; vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện các dự án kinh tế - xã hội. Ba là, đối với những vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền rà soát, xem xét giải quyết đúng thẩm quyền, đúng trình tự, quy định của pháp luật, những vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Chính phủ nhưng công dân vẫn tiếp tục khiếu nại đến các cơ quan Trung ương, đề nghị các cơ quan tiếp công dân ở Trung ương xem xét, có văn bản trả lời rõ ràng, dứt khoát cho công dân biết có thụ lý, giải quyết hay không hoặc xét thấy việc giải quyết đã đúng quy định thì giải thích cho công dân hiểu và chấp hành, tránh tình trạng ban hành văn bản chuyển về địa phương đề nghị xem xét, giải quyết, làm cho người dân nhận thức chưa đúng và tiếp tục yêu cầu giải quyết lại, gây áp lực đối với địa phương. Bốn là, tăng cường công tác phối hợp, tuyên truyền các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan để người dân nắm rõ; nâng cao vai trò của các tổ chức hỗ trợ tư vấn pháp lý ở địa phương. Tiếp tục duy trì thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, coi trọng và phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên và các cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư cùng phối hợp tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo. Năm là, sớm triển khai áp dụng hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử kết nối về việc tiếp nhận, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở cấp tỉnh và trung ương để phục vụ các cơ quan dân cử theo dõi quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, tránh tình trạng chuyển đơn trùng lặp, giảm áp lực cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đồng thời cũng là kênh để địa phương nắm rõ tình hình khiếu kiện của công dân trong tỉnh.

Tin: Kiến Quốc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 578
  • Tất cả: 3086348