Đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh: Cần có chính sách phù hợp để giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động
Sáng ngày 23/11/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 19 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn để thảo luận tại về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).  

Tại phiên thảo luận, đã có 27 đại biểu phát biểu, 08 đại biểu tranh luận; trong đó ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội và nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về: về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; về làm rõ đối tượng người thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; về quản lý, thu Quỹ bảo hiểm xã hội; về nguyên tắc bảo hiểm xã hội; về trách nhiệm của người sử dụng lao động; về quyền và trách nhiệm của tổ chức bảo vệ người lao động; về Hội đồng quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội; về trợ cấp hưu trí xã hội và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; về chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện; về xử lý vi phạm chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; vấn đề dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau; về điều kiện hưởng lương hưu; về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu; về bảo hiểm xã hội một lần; về chế độ trợ cấp mai táng; về mức hưởng trợ cấp thai sản; về bổ sung quỹ thành phần của quỹ bảo hiểm xã hội; về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; về hoạt động đầu tư của Quỹ bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
(Ảnh: media.quochoi.vn)

Cùng tham gia trao đổi nội dung dự thảo Luật, đại biểu Thạch Phước Bình - Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho rằng việc người lao động khó khăn và phải rút BHXH một lần là thực tế. Nhiều người lao động sử dụng số tiền rút BHXH một lần để để đối phó với các rủi ro khác trong vòng đời của họ (như chi phí nuôi con hoặc sử dụng nguồn thu nhập thay thế khi thất nghiệp). Do vậy, chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần (nhằm đảm bảo quyền an sinh trong tương lai của người lao động khi về già) nên tránh tác động tiêu cực đến quyền an sinh xã hội trước mắt của người lao động). Chính sách rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ khả thi hơn nếu thực hiện dần từng bước kết hợp giữa việc giảm bớt quyền lợi hưởng nếu rút sớm và khuyến khích tiếp tục ở lại hệ thống bằng các quyền lợi ưu tiên khác. Do đó, nhưng nỗ lực giảm tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần nên đi kèm với việc cung cấp thêm các chế độ trợ cấp ngắn hạn (ví dụ như chế độ trợ cấp cho trẻ em), giúp họ có thêm nguồn thu nhập và tạo động lực lớn để họ ở lại hệ thống.

Từ kinh nghiệm khi triển khai Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, nỗ lực hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần trước đây không được sự đồng thuận của toàn bộ người lao động. Điều này có thể do tốc độ và mức độ điều chỉnh rút bảo hiểm xã hội một lần chưa phù hợp, hoặc một phần do mức độ tin cậy thấp vào hệ thống và đặc biệt là thiếu các hình thức hỗ trợ thay thế thu nhập. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất 02 chính sách cụ thể để giải quyết rút bảo hiểm xã hội một lần. 
Thứ nhất, đối với chính sách bảo hiểm xã hội. Thực hiện kết hợp giữa việc giảm phần tiền được rút bảo hiểm xã hội một lần hiện nay và tăng dần thời gian chờ để được rút bảo hiểm xã hội một lần. Đồng thời, xem xét tăng quyền lợi khác. Theo đại biểu  Bình thì phần lớn người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là người trẻ, đang trong giai đoạn nuôi con. Do vậy có thể cung cấp thêm quyền lợi về trợ cấp trẻ em (đây là chế độ an sinh xã hội duy nhất còn thiếu trong dự thảo Luật nếu đối chiếu với tiêu chuẩn quốc tế về an sinh xã hội) để hỗ trợ chi phí nuôi con, do vậy người lao động  có thêm cân nhắc để không rút BHXH một lần. Mặt khác, theo đại biểu Bình, một điểm quan trọng cần nhấn mạnh là phải thực hiện cách tiếp cận từng bước, hướng đến hạn chế dần các động cơ rút bảo hiểm xã hội một lần nhưng không tạo ra sự thay đổi đột ngột trong chính sách. Chẳng hạn, mỗi năm số tiền mà nguời lao động có thể rút có thể giảm 10%. Đây có thể xem là một thay đổi có thể chấp nhận được, vì dù sau 5 năm, người lao động vẫn có thể rút phần lớn (50%) số tiền đã đóng trong trường hợp cần thiết. Các khoản đóng góp còn lại được giữ lại trong hệ thống và trả lại cho người lao động dưới dạng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu, do đó cũng cần cải thiện an ninh thu nhập tuổi già của họ. Những cách tiếp cận từng bước này sẽ giúp tránh nguy cơ tạo ra làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần hàng loạt vào năm trước khi luật và các chính sách liên quan có hiệu lực, vì sự thay đổi qua từng năm sẽ giống nhau.
Thứ hai, về các chính sách liên quan khác. Đại biểu Bình cho rằng, chỉ riêng chính sách bảo hiểm xã hội không đủ để giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, cần kết hợp với các chính sách khác. Chẳng hạn, hiện nay có tình trạng người lao động khi đến một độ tuổi nhất định sẽ khó tìm được việc trong khu vực chính thức. (một số ví dụ về việc lao động nữ sau 40 tuổi khó tìm việc). Do vậy chính sách hỗ trợ đảm bảo việc làm và các chính sách thị trường lao động khác cần giải quyết việc này. Bên cạnh đó, khi người lao động nghỉ việc, thời gian 12 tháng chờ rút bảo hiểm xã hội một lần cần có chính sách thúc đẩy người lao động quay trở lại thị trường lao động. Ví dụ như dạy nghề, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động. Song song đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong Luật Việc làm hiện nay cần kết nối với chính sách bảo hiểm xã hội.

Tin: Kiến Quốc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 576
  • Tất cả: 3086346