Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Tạo điều kiện để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 08/6/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh chiều ngày 08/6/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Phiên thảo luận có 19 đại biểu tham gia cho ý kiến về quan điểm, nguyên tắc ban hành nghị quyết, phạm vi của nghị quyết, các chính sách về tài chính, ngân sách, tiền lương, thu nhập tăng thêm, tính khả thi của việc nâng mức vay không quá 120% số thu theo phân cấp, chính sách về quản lý đô thị, tài nguyên môi trường, điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, các chính sách tương đồng với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), thời điểm thông qua nghị quyết, áp dụng luật, các điều khoản chuyển tiếp và thời gian thực hiện thí điểm,… đồng thời, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình làm rõ một số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã nêu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
phát biểu tại Hội trường chiều ngày 08/6/2023 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia cho ý kiến thảo luận đối với nội dung trên, đại biểu Thạch Phước Bình, cho biết sau 05 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 thì bên cạnh những kết quả đạt được như Tờ trình của Chính phủ đã nêu như đóng góp bình quân 20,3% GDP cả nước, số thu ngân sách chiếm 27% tổng thu ngân sách nhà nước. Tỷ lệ tham gia điều tiết về ngân sách Trung ương cao nhất nước là 82%, GRDP/người đạt 6.890 USD, gấp 1,7 lần GDP trên người cả nước thì vẫn còn những khó khăn, bất cập, nhiều nội dung của nghị quyết triển khai chậm so với kế hoạch do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ đó, đại biểu Bình cho rằng việc ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54 là cần thiết và tham gia phát biểu một số nội dung nhằm hoàn thiện dự thảo nghị quyết, cụ thể:
Về cơ cấu bố cục của dự thảo nghị quyết, đại biểu đề nghị sắp xếp các Điều trong dự thảo nghị quyết thành các nhóm như: nhóm thứ nhất, các chính sách tài chính ngân sách Điều 5 đổi thành Điều 4; nhóm thứ hai, cơ chế quản lý đầu tư, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, quản lý khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, Điều 4, Điều 6 và Điều 8; nhóm thứ ba, phân cấp quản lý và trao quyền hoặc tăng quyền quyết định cho thành phố, Điều 7, 9, Điều 10. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ rõ hơn và có chính sách, cơ chế cần được tổng kết đánh giá trong một khoảng thời gian nhất định sau đó cho áp dụng rộng rãi hoặc là dừng áp dụng.
Về quản lý đầu tư tại Điều 4, đại biểu cho rằng việc tách dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án tổng thể nhằm đẩy mạnh, đẩy nhanh tiến độ đầu tư công là cần thiết trong bối cảnh hiện nay và sắp tới. Tuy nhiên, đại biểu Bình đề nghị cần quy định rõ hơn 2 vấn đề: thứ nhất, nếu chủ đầu tư dự án tổng thể và dự án giải phóng mặt bằng là một và khác nhau thì như thế nào; thứ hai, là tính cả kinh phí dự án giải phóng mặt bằng vào kinh phí dự án tổng thể; theo đại biểu, việc làm rõ những nội dung này là cần thiết, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng kinh phí đầu tư và thẩm quyền phê duyệt của dự án.
Về tài chính ngân sách tại Điều 5 cũng được đại biểu Bình quan tâm và cho biết Nghị quyết quy định 44 nhóm chính sách, trong đó có các chính sách đã quy định trong Nghị quyết số 54 như: thành phố quyết định áp dụng điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí, được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách, phí, lệ phí nêu trên và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố, được tăng tổng mức dư nợ vay không quá 120%, trong khi đó Nghị quyết số 54 là 90%, số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp được ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Chính sách này đã được Quốc hội áp dụng đối với các thành phố như Hải Phòng, Cần Thơ, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, v.v.. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần có sự xem xét đầy đủ, kỹ lưỡng về tình hình và kết quả thực hiện các chính sách này, đại biểu đề nghị nên chăng xếp riêng một Mục trong Điều về tài chính, ngân sách của Nghị quyết về việc cho phép thành phố tiếp tục thực hiện các chính sách đã quy định tại Nghị quyết số 54 ; đồng thời, có những quy định cụ thể hơn và ở mức cao hơn để thành phố chủ động thực hiện ngay sau khi nghị quyết có hiệu lực mà không cần phải chờ văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, để cho Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu đề nghị cùng với thực hiện nghị quyết này, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm ba nội dung như sau:
Thứ nhất, kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có cơ chế, chính sách chung với việc xác định định biên trên cơ sở tiếp cận đa chiều của đối tượng quản lý cho cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh trong việc chủ động xem xét, thẩm định, giao bổ sung, điều tiết số lượng biên chế cho các phường, xã, thị trấn cần căn cứ theo tiêu chí, tùy theo thực tiễn địa phương về quy mô, diện tích, dân số, sự phức tạp của địa bàn tại Thành phố Hồ Chí Minh để góp phần khắc phục tình trạng thiếu biên chế cũng như sự quá tải về công việc hiện nay. Đặc biệt, đối với các xã của các huyện có đông dân cư đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ thì cần chú ý nguyên tắc xác định quỹ lương trên cơ sở hiệu quả công việc với việc ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh được điều tiết cao hơn từ phần định mức ngân sách nhà nước mà Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp vượt trội và được phân cấp quản lý, điều tiết trong phạm vi địa phương để không làm gia tăng gánh nặng quỹ lương và chi thường xuyên của cả nước và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ hai, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo môi trường quản trị chính quyền đô thị hiện đại, đồng bộ, kiến tạo và phát triển, để lấy Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng, từ đó thúc đẩy thể chế liên kết vùng, tạo sự phát triển thành vùng tăng trưởng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các cơ quan trung ương và Bộ Giao thông vận tải cần tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông kết nối nội vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và lân cận tạo sự lưu thông, giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, từ đó tạo thể chế thu hút nguồn lực, giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng. Ngoài đường Vành đai 3 cần được trung ương ủng hộ và xúc tiến các tuyến đường Vành đai 4 và các tuyến đường cao tốc kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với vùng Đông Nam Bộ và các vùng lân cận, đại biểu cho rằng đây là điều kiện tốt để kích hoạt vùng phát triển năng động, cực tăng trưởng quan trọng nhất của đất nước, làm tiền đề cho sự phát triển các vùng, địa phương khác trong cả nước trên cơ sở hiệu quả phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Thứ ba, chú trọng vấn đề xã hội, môi trường đi đôi với phát triển kinh tế, tập trung giải quyết các điểm yếu về xã hội, môi trường hiện đại của thành phố, như năng lực y tế, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập nước, phát triển nhà ở, việc làm. Nên chăng, có thể xem xét bổ sung quy định về vấn đề này tại Điều 6 về quản lý đô thị, môi trường của nghị quyết.

B.T.Loan 
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 576
  • Tất cả: 3086346