Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh: Cần luật hóa loại hình kinh doanh xe công nghệ
Sáng ngày 24/11/2023, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 20 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương để thảo luận tại về dự án Luật Đường bộ.  

Tại phiên thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu, 01 đại biểu tranh luận; trong đó ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết xây dựng Luật Đường bộ, bố cục và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật; giải thích từ ngữ; quy hoạch hệ thống đường bộ; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ; hành lang an toàn đường bộ; đầu tư xây dựng công trình đường bộ; hoạt động vận tải đường bộ; chính sách phát triển đối với đường bộ; hệ thống giao thông thông minh; cơ sở dữ liệu đường bộ; phân loại đường bộ theo cấp quản lý, chức năng phục vụ; đường giao thông nông thôn, đường đô thị và đường địa phương; đặt tên, số hiệu đường bộ; xây dựng, khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; đầu tư xây dựng, phát triển đường cao tốc; trung tâm quản lý, điều hành đường cao tốc quốc gia; thi công công trình trên đường bộ đang khai thác; thi công công trình thủy lợi, thủy điện trong phạm vi bảo vệ công trình đường bộ đang khai thác; các hành vi bị nghiêm cấm; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường bộ; việc sửa đổi, bổ sung Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí số 97/2015/QH13; quy định chuyển tiếp… Các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát cụ thể nhằm tránh chồng chéo giữa Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm tính thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Phát  tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình - Trà Vinh cho rằng dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở có sự kế thừa Luật Giao thông đường bộ năm 2008, bảo đảm sự phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các luật mới được ban hành; tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực đường bộ; tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế; khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai pháp luật về giao thông đường bộ. Qua đó đại biểu Bình trao đổi 03 vấn để nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật.
Một là, về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đại biểu Bình, dự thảo Luật nêu rõ: kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện bao gồm kinh doanh vận tải hành khách và kinh doanh vận tải hàng hoá bằng xe ô tô trong nước, quốc tế. Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bao gồm kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi và kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng. Tương ứng với các loại hình kinh doanh vận tải hành khách, dự thảo mô tả cụ thể từng hoạt động kinh doanh. Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ được quy định bổ sung thêm loại hình kinh doanh mới, loại hình kinh doanh vận tải mang tính chất đặc thù ngoài các loại hình kinh doanh đã được quy định. Như vậy, dự thảo Luật vẫn chưa đề cập rõ ràng đến loại hình kinh doanh vận tải bằng xe công nghệ, tạo cơ sở pháp lý ngay từ trong luật để điều chỉnh loại hình kinh doanh vận tải này. Ngoài ra, thực tiễn thời gian qua cho thấy, việc kinh doanh phương tiện vận tải bằng xe ô tô đưa đón học sinh đã phát sinh khá nhiều bất cập trong công tác quản lý học sinh, chất lượng xe đưa đón,… Để đảm bảo sự an toàn cho trẻ em, luật cũng nên dành sự quan tâm hơn đến hình thức kinh doanh vận tải liên quan đến trẻ em, học sinh.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
(Ảnh: media.quochoi.vn)

Hai là, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong giao thông đường bộ được dự thảo luật đề cập đến với quy định về hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ (Điều 8), cụ thể: hệ thống thông tin giao thông đường bộ là hệ thống bao gồm các yếu tố hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, phần mềm, cơ sở dữ liệu và quy trình, thủ tục để thu thập, lưu trữ, xử lý dữ liệu và truy xuất thông tin liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ. Hệ thống thông tin giao thông đường bộ được thiết kế tổng thể theo khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam đảm bảo kết nối, chia sẻ, liên thông với các hệ thống thông tin khác. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu lớn tập trung, kết hợp với công nghệ trí tuệ nhân tạo để tích hợp hình thành hệ thống thông tin thống nhất phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông đường bộ. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ là tài sản Nhà nước và phải được bảo đảm an ninh, an toàn. Cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ gồm: cơ sở dữ liệu về kết cấu, hạ tầng giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu về phương tiện; cơ sở dữ liệu về người điều khiển phương tiện; cơ sở dữ liệu về vận tải đường bộ; cơ sở dữ liệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu giám sát thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ; cơ sở dữ liệu về tai nạn giao thông đường bộ; cơ sở dữ liệu có liên quan khác. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ  được sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Theo đại biểu Bình, dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ. Như vậy, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ thật sự là hệ thống thông tin có thể nói là “đồ sộ”, đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp. Mặc dù dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ nhưng cũng cần nêu rõ hơn về vấn đề lộ trình, thời gian thực hiện để thúc đẩy việc tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, dự thảo nêu người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ  được sử dụng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ, kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cung cấp làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính; được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thiết nghĩ, không chỉ người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ  mà nên mở rộng đến những trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có thẩm quyền trong thực hiện một số nhiệm vụ có liên quan cũng có thể sử dụng, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông như trên, ví dụ như trường hợp liên quan đến hoạt động tố tụng cần thu thập dữ liệu từ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giao thông để phục vụ cho nhiệm vụ.
Ba là, về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9). Dự thảo Luật đã liệt kê 06 nhóm hành vi bị nghiêm cấm, như: phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ; khai thác, sử dụng kết cấu đường bộ trái quy định; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tự ý tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ; lấn, chiếm, sử dụng xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ; tự ý lắp đặt, điều chỉnh che khuất báo hiệu đường bộ…Nhìn chung, các nhóm hành vi bị nghiêm cấm được quy định trên cơ sở của Luật hiện hành nên cơ bản bao quát đầy đủ các vấn đề. Tuy nhiên, thực tiễn cũng phát sinh những trường hợp mới mà luật có thể chưa dự báo đầy đủ (ví dụ như vấn đề áp dụng công nghệ vào quản lý, vấn đề quản lý, khai thác, sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin trong giao thông đường bộ chưa được nêu trong các nhóm hành vi bị nghiêm cấm). Vì vậy, có thể bổ sung thêm một nội dung khái quát chung trong các hành vi bị nghiêm cấm, ví dụ như: các hành vi vi phạm quy định tại Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các Luật khác có liên quan.

 Tin: Kiến Quốc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 20
  • Trong tuần: 592
  • Tất cả: 3086362