ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI THẠCH PHƯỚC BÌNH - TRÀ VINH: CẦN LÀM RÕ HƠN NỘI HÀM HOẠT ĐỘNG VIỄN THÔNG VÀ BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH CHO PHÙ HỢP
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng ngày 22/6/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội làm việc ở hội trường thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).   

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
(Ảnh: media.quochoi.vn)

Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Viễn thông nhằm xây dựng, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông theo hướng: hạ tầng số là thiết yếu, bảo đảm an toàn thông tin mạng là then chốt; ưu tiên đầu tư nhanh, đi trước một bước. Đồng thời, khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập trong các quy định của Luật Viễn thông 2009 và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động viễn thông gây hạn chế quá trình phát triển. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi của Luật này với hệ thống pháp luật, phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Tham gia ý kiến đóng góp đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình đồng tình với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Viễn thông nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, ông cho biết, qua nghiên cứu dự thảo luật cho thấy dự thảo luật chưa thể hiện một cách triệt để, toàn diện và đồng bộ tinh thần nội dung của các quan điểm chính sách nêu trên, còn nhiều điều khoản quy định mang tính nguyên tắc và có tới 20 nội dung giao cho Chính phủ, 4 nội dung giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết. Với thiết kế như vậy, ông cho rằng có thể ảnh hưởng lớn đến tính khả thi của các quy định khi luật có hiệu lực thi hành, đồng thời tạo sức ép lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo quan tâm, cân nhắc đối với 02 nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh Điều 1, mặc dù Điều 1 của dự thảo luật đã xác định phạm vi điều chỉnh là hoạt động viễn thông. Tại khoản 2 Điều 3 giải thích hoạt động viễn thông bao gồm đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông cơ bản, dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng, hàng hóa viễn thông, hoạt động viễn thông công ích kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông, xây dựng công trình viễn thông. Tuy nhiên, các nội dung dự thảo luật đang tập trung chủ yếu vào điều chỉnh hoạt động viễn thông giống như quy định tại Luật Viễn thông 2009 hiện hành. Vì vậy, ông đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ hơn nội hàm hoạt động viễn thông và bổ sung các quy định cho phù hợp trong dự thảo luật. Ông cho biết, theo quan điểm của nhiều chuyên gia, hoạt động viễn thông thường bao gồm quyền tham gia hoạt động viễn thông, quyền được đảm bảo an toàn viễn thông cả bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ, cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động viễn thông, nghiên cứu triển khai hoạt động viễn thông, từ đó hình thành hệ thống pháp luật về viễn thông, trong đó có hoạt động kinh doanh viễn thông. 
Hơn nữa trong bối cảnh có sự kết hợp giao thoa, hội tụ giữa lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông tạo ra vô vàn tiện ích, ranh giới không còn rõ ràng thì bên cạnh việc thuyết minh rõ ràng phạm vi điều chỉnh các hoạt động viễn thông đang được quy định tại các luật có liên quan khác, hồ sơ dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng cần phân tích kỹ về bối cảnh xây dựng chính sách, phân tích chính sách, tác động của dự án luật, làm rõ lợi ích quốc gia của doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài thuộc đối tượng áp dụng của dự án luật. Mặt khác, qua tổng hợp ý kiến của nhiều cử tri, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, họ cho rằng dự thảo Luật Viễn thông đã định nghĩa dịch vụ OTT là dịch vụ viễn thông cơ bản. Đồng thời, dự thảo luật cũng quy định việc cung cấp dịch vụ viễn thông qua biên giới phải tuân theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Như vậy, dự thảo luật đã đưa ra giới hạn sở hữu nước ngoài đối với dịch vụ OTT tương tự như các dịch vụ viễn thông trong cam kết quốc tế. Các nhà cung cấp OTT nước ngoài đang cung cấp những phương tiện để mọi người có thể trao đổi với nhau dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều so với trước đây, đồng thời góp phần vào quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tại Việt Nam. Việc tạo nên những hạn chế tiếp cận thị trường đối với các doanh nghiệp này theo ông sẽ có ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và trao đổi thông tin. Việc phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ OTT và các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ viễn thông truyền thống qua quy định mức trần tỷ lệ sở hữu nước ngoài có thể sẽ khiến các nhà cung cấp dịch vụ OTT trong nước gặp khó khăn trong huy động vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài, điều này có thể sẽ cản trở đổi mới công nghệ tại nước ta.
Thứ hai, về cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu dịch vụ điện toán đám mây tại Điều 23, thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài do nhu cầu xử lý thông tin và dữ liệu diễn ra ở bên ngoài Việt Nam, nhất là các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty tài chính, bảo hiểm nước ngoài hoặc các hoạt động thương mại xuyên biên giới. Các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc trung tâm dữ liệu nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho họ đáp ứng yêu cầu như các yêu cầu trong dự thảo luật, như lập văn phòng đại diện hoặc có hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp viễn thông trong nước. Vì vậy, các quy định hạn chế đối với 2 loại hình dịch vụ này cũng có thể khiến môi trường đầu tư tại nước ta kém hấp dẫn và kém cạnh tranh hơn. Thay vào đó, để tạo điều kiện phát triển lĩnh vực này, kiến nghị nên đưa ra các quy định theo hướng thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trung tâm dữ liệu tại Việt Nam và tiếp cận theo hướng quản lý về mặt kỹ thuật, cho phép cung cấp dịch vụ nếu đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật thay cho việc yêu cầu về việc đặt văn phòng đại diện hay có thỏa thuận thương mại với các doanh nghiệp Việt Nam.
Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu lại cách thể hiện các Điều 3, 4, 5, 6 để đảm bảo phù hợp với Điều 17 công ước về các quyền dân sự và chính trị. Hiện tại quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6, không đưa ra hoặc đưa ra rất ít điều kiện hạn chế cho việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Các quy định này có thể dẫn đến cách hiểu rằng cơ quan nhà nước có quyền tự ý can thiệp vào thông tin của người sử dụng được lưu trữ tại trung tâm dữ liệu hoặc điện toán đám mây thông qua áp đặt yêu cầu lên doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Song song đó, quy định tại khoản 5 "doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không phải chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát thông tin của tổ chức, cá nhân khác trong quá trình xử lý, lưu trữ và truy xuất thông tin, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu", có thể dẫn đến cách hiểu là khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm theo dõi, giám sát thông tin của tổ chức, cá nhân khác đang không sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp đó, tức là tổ chức, cá nhân đang sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp viễn thông khác. Nếu vậy, quy định này cần được đánh giá tác động đảm bảo chỉ được áp dụng trong những trường hợp thật cụ thể do luật định để không tùy tiện xâm phạm đời tư cá nhân một cách bất hợp pháp, ông đề nghị Ban soạn thảo quan tâm hơn tới vấn đề này.

Hữu Phúc
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 589
  • Tất cả: 3086359