Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga - Trà Vinh: Cần có chính sách thu hút xã hội hóa hoạt động lưu trữ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 27/11/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp
 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Phiên thảo luận có 22 lượt ý kiến phát biểu, không có đại biểu tranh luận. Các ý kiến phát biểu sôi nổi, khẩn trương, ngắn gọn với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, cơ bản thống nhất với việc sửa đổi toàn diện Luật Lưu trữ với nhiều nội dung mới. Đồng thời các đại biểu cũng đề cập nhiều vấn đề từ thực tiễn phong phú sinh động, từ cơ sở, từ yêu cầu kế thừa và phát huy các yếu tố truyền thống, kết hợp với hiện đại hóa, thực hiện có hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ để đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác lưu trữ, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Các ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung về phạm vi điều chỉnh; thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc Phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam, thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ thuộc các ngành: quốc phòng, công an, ngoại giao; lưu trữ tài liệu điện tử và tài liệu số; hoạt động lưu trữ tư và hoạt động dịch vụ lưu trữ, về điều kiện được cấp Chứng chỉ hành nghề lưu trữ; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ký gửi, hiến tặng tài liệu lưu trữ, cùng các vấn đề khác mà ĐBQH quan tâm. 
Các ý kiến của đại biểu đã được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, giải trình, làm rõ một số nội dung có liên quan và cho biết thêm, vấn đề cốt lõi nhất của lưu trữ đó chính là bảo quản và lưu trữ nhằm phát huy vai trò và sứ mệnh giá trị của tài liệu lưu trữ, đây là mục tiêu quan trọng và là sứ mệnh của tài liệu lưu trữ, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa và con người Việt Nam và cũng là để thúc đẩy mạnh mẽ xã hội hóa về cái lĩnh vực lịch sử. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, nghiên cứu để tiếp tục phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh dự thảo luật, đáp ứng được mong mỏi chung của đại biểu Quốc hội, cũng như của toàn dân.

Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh 
phát biểu thảo luận (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, cơ bản thống nhất với sự cần thiết xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hoá các chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước về lưu trữ, đổi mới hoạt động quản lý và thực hiện các nghiệp vụ về lưu trữ cũng như khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn về công tác lưu trữ hiện nay, đồng thời, đại biểu Hằng Nga bày tỏ quan điểm về một số nội dung trong dự thảo như:
Tại khoản 5 Điều 4, chính sách nhà nước về xã hội hoá trong hoạt động lưu trữ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ cụm từ khuyến khích và tạo điều kiện vì theo đại biểu, quy định như dự thảo còn mang tính định tính, khó xác định; quy định cụ thể về cơ chế liên quan đến vấn đề xã hội hoá trong một số lĩnh vực nhằm giảm thiểu cho ngân sách nhà nước, phát huy tối đa giá trị tài liệu lưu trữ, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân, doanh nghiệp trong khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ phục vụ cho nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội.
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định “việc cản trở quyền hợp pháp của công dân khi tiếp cận tài liệu lưu trữ”, “các hành vi bị nghiêm cấm đối với hoạt động lưu trữ tư”, “các biện pháp chế tài áp dụng khi các quyền của chủ sở hữu bị vi phạm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về lưu trữ”.
Đối với quy định Hội đồng thẩm tra giá trị tài liệu lưu trữ (Điều 16), đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định “các cơ quan cấp xã nếu có tài liệu lưu trữ thì thành lập Hội đồng thẩm tra giá trị tài liệu lưu trữ”. Vì theo đại biểu, hiện nay mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả thực hiện công tác văn thư lưu trữ tại cấp xã vẫn còn những tồn tại hạn chế như: quản lý văn bản đi, đến chưa đúng quy định, lập hồ sơ công việc chưa thường xuyên, chưa đi vào nề nếp, chưa bố trí kho lưu trữ theo quy định, chưa thực hiện các nghiệp vụ về công tác lưu trữ nên tài liệu lưu trữ không được quản lý thống nhất, tập trung. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định viậc thành lập Hội đồng thẩm tra tài liệu lưu trữ cấp xã nhằm góp phần cho việc lưu trữ được tập trung, thống nhất, hiệu quả góp phần cho giữ gìn và phát huy các giá trị tài liệu, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Về phục vụ độc giả sử dụng tài liệu lưu trữ (Điều 23), đại biểu Nga đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ đối tượng nào là độc giả được được tiếp cận; đồng thời, bổ sung các cơ chế, giải pháp chỉ đạo quản lý nhằm phục vụ cho việc khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ, từ đó tạo điều kiện tốt nhất để độc giả thuận tiện trong việc tiếp cận khai thác và sử dụng tài liệu lưu trữ, phát huy tối đa giá trị tài liệu lưu trữ phục vụ cho nghiên cứu, nhu cầu xã hội và sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Bên cạnh đó, đối với kinh phí hoạt động lưu trữ, chế dộ chính sách đối với người làm lưu trữ, được quy định tại Điều 43 của dự thảo luật, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quan tâm đến các cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ công chức, số lượng cán bộ làm công tác văn thư lưu trữ nhất là cấp xã. Vì hiện nay lực lượng này khá mỏng, tình trạng cán bộ công chức làm công tác văn thư kiêm nhiệm lưu trữ vẫn còn nhiều; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ làm công tác văn thư lưu trữ chưa theo kịp yêu cầu công việc, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin; hệ thống tổ chức lưu trữ cấp xã, phường, thị trấn chưa có biên chế làm công tác văn thư lưu trữ, chủ yếu là kiêm nhiệm; chế độ phụ cấp thấp nhưng khối lượng công việc lớn, vì vậy, đại biểu Nga đề xuất Ban soạn thảo cần quan tâm bố trí biên chế hợp lý và có những chế độ đãi ngộ, chính sách phù hợp để yên tâm công tác.
Đồng thời, tại phiên thảo luận này, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga, đề xuất Chính phủ tiếp tục có giải pháp nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác văn thư, lưu trữ nhất là cấp cơ sở; thực hiện tốt chế độ kiểm tra, thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động lưu trữ nhất là việc lưu trữ tài liệu cá nhân, gia đình, cộng đồng; thường xuyên hướng dẫn nghiệp vụ đối với các cấp uỷ, cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc; định kỳ tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo, trao đổi về chuyên môn nghiệp vụ về công tác văn thư, lưu trữ; quan tâm đến công tác khen thưởng trong các hoạt động lưu trữ nhất là đối với các chủ thể trong lĩnh vực lưu trữ có yếu tố nước ngoài; tiếp tục kiện toàn công tác tổ chức về văn thư lưu trữ cấp uỷ, cơ quan, nhất là cấp cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn và hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

                                                                                                        Tin: Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 586
  • Tất cả: 3086356