ĐẠI BIỂU HUỲNH THỊ HẰNG NGA – ĐOÀN ĐBQH TỈNH TRÀ VINH: PHÁT HUY SỰ THAM GIA CỦA NHÂN DÂN TRONG VIỆC BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, sáng ngày 24/6/2023, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội làm việc ở hội trường thảo luận về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Các đại biểu Quốc hội đều cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành luật. 

Quang cảnh buổi thảo luận tại hội trường sáng ngày 24/6/2023 (Ảnh: quochoi.vn)

Tham gia ý kiến đối với dự án luật nêu trên, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với những lý do đã nêu trong tờ trình của Chính phủ và thống nhất báo cáo thẩm tra của Uỷ ban quốc phòng và an ninh. Việc ban hành luật có vai trò hết sức quan trọng, thiết thực nhằm thống nhất 3 lực lượng, khắc phục các hạn chế bất cập trong tổ chức, hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong thời gian qua, bảo đảm yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trong điều kiện tình hình mới. Để hoàn thiện dự thảo luật bà đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các ban ngành Trung ương quan tâm một số vấn đề như sau:

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hằng Nga tham gia phát biểu ý kiến tại hội trường sáng ngày 24/6/2023

Thứ nhất, bà đề nghị ban soạn thảo điều chỉnh khoản 3, khoản 4 điều 13 về việc Tổ chức bầu tổ viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự và kết quả bầu tổ viên Tổ bảo vệ an ninh trật tự lên chương 1 của dự thảo luật, hai khoản 3,4 của điều 13 này thiết kế thành một điều quy định là việc bầu Tổ viên, Việc bầu tổ viên này bà đề xuất thiết kế sau điều 4 của dự thảo luật quy định về Tiêu chuẩn tuyển chọn, hồ sơ tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự. Đồng thời, đề nghị đưa các quy định tại điều 3 của Dự thảo thông tư liên quan đến việc Thẩm tra hồ sơ, bầu tổ viên, chức danh, công nhận chức danh thành lập Tổ bảo vệ an ninh trật tự vào trong Dự thảo luật, để luật được chi tiết, rõ ràng và cụ thể hơn. Bà cho rằng, những quy định liên quan đến thẩm định hồ sơ, tuyển chọn hồ sơ trước khi bầu thì thiết kế tại điều 4, còn các nội dung liên quan việc bầu tổ viên thì đưa vào trong một điều luật riêng. Việc điều chỉnh này nhằm mang tính logic giữa các điều luật, sau phần tuyển chọn hồ sơ của người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, tiếp đến là việc bầu Tổ viên Tổ tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Đồng thời, bà cũng đề nghị việc bầu tổ viên này nên giao trách nhiệm cho UBND cấp xã, việc giao trách nhiệm cho UBND cấp xã quy định những vấn đề trên là phù hợp với điều 13 của Luật công an nhân dân quy định trách nhiệm của HĐND và UBND các cấp đối với hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng công an nhân dân; bổ sung quy định UBND cấp xã quyết định thời gian bầu, ra quyết định thành viên tổ kiếm phiếu, đồng thời quy định trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc bầu Tổ viên, bổ sung quy định UBND cấp xã bố trí kinh phí cho công tác Bầu tổ viên, bảo đảm công tác thông tin tuyên truyền, an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho việc bầu tổ viên, quy định thời gian việc giữ chức danh tổ viên Tổ tham gia bảo vệ an ninh, trật tự là 5 năm. Đồng thời, để không làm phát sinh thêm nhiều kinh phí cho công tác bầu tổ viên bà đề xuất ban soạn thảo quy định việc bầu tổ viên trùng với thời gian bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố
Thứ hai, liên quan đến việc bầu Tổ viên, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật quy định rõ hơn việc tổ chức bầu trong trường hợp gửi phiếu bầu tại nhà dân thì quy trình bảo quản phiếu và trách nhiệm của tổ kiểm phiếu trong việc thu phiếu tại nhà dân phải cụ thể hơn và khách quan hơn. Bổ sung thêm quy định hình thức biểu quyết trực tuyến phù hợp mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và được cộng đồng dân cư thống nhất lựa chọn 
 Liên quan đến việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo kết quả bầu Tổ viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, khiếu nại tố cáo về người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự; theo đại biểu, dự thảo không có quy định trình tự thủ tục xử lý vấn đề trên, do đó khi có tình huống xảy ra sẽ khó khăn trong thực hiện, trách nhiệm của đơn vị chủ trì phải xử lý ra sao, cơ quan chịu trách nhiệm xử lý vấn đề trên như thế nào cũng cần phải cụ thể chi tiết để dễ áp dụng trong thực tiễn. Đây là nội dung quan trọng và thường xuyên xảy ra ở cơ sở, nhưng dự thảo Luật chỉ nêu rất chung chung ở điểm đ, khoản 2, Điều 24 Trách nhiệm của Chính phủ và khoản 5, Điều 25  Trách nhiệm của Bộ Công An… Vì vậy bà đề nghị trong dự thảo luật nên quy định cụ thể và chi tiết hơn
Thứ ba, về trách nhiệm của cơ quan tổ chức quy định tại chương 4, bà đề nghị ban soạn thảo cần quy định rõ hơn, chi tiết hơn trách nhiệm của bộ cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ và trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận. Tại Điều 28 trách nhiệm của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, bà đề xuất bổ sung thêm nội dung Bộ Công an phối hợp với MTTQ và các tổ chức thành viên có hình thức cổ vũ, biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; vận động nhân dân tố giác tội phạm, xây dựng các mô hình bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở. 
Cùng với đó, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự, phát huy sự tham gia của nhân dân  trong việc bảo vệ an ninh tổ quốc trong điều kiện hiện nay, bà đề xuất trong dự thảo luật cần quan tâm và cụ thể hoá quan điểm thế trận lòng dân theo tinh thần nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 13. Cần có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng lực lượng an ninh trật tự, bởi vì để huy động nguồn lực cho quốc phòng, an ninh ngoài quan điểm, chủ trương đúng còn phải có cơ chế chính sách huy động phù hợp, hiệu quả nhằm phát huy cao nhất các nguồn lực xã hội hướng đến xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự vững mạnh hơn trong bối cảnh hiện nay. Về kinh phí, bà đề xuất trong Dự thảo luật cần quy định việc tăng kinh phí cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, việc quy định về chế độ cho lực lượng này như trong dự thảo luật và dự thảo nghị định theo đại biểu là còn thấp so với nhiệm vụ mà lực lượng này tham gia. 
Bên cạnh đó, hiện nay tình hình an ninh, trật tự ở các địa phương trong cả nước diễn ra phức tạp, các tổ chức tội phạm hoạt động rất tinh vi bằng nhiều thủ đoạn, các hành vi xem thường pháp luật, chống người thi hành công vụ thường xuyên xảy ra, nhiều vụ án cực kỳ nghiêm trọng như cướp của giết người, đối tượng gây án càng trẻ và rất manh động. Để đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ tính mạng sức khoẻ, sự yên bình cho nhân dân việc đầu tư cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là rất cần thiết. Do đó, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xem xét tính toán quan tâm đầu tư ngân sách cho lực lượng này, đồng thời Chính phủ cần đánh giá kỹ, tính toán đủ mức kinh phí mà ngân sách phải đảm bảo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, động viên khuyến khích được người dân tham gia phù hợp khả năng chi theo luật ngân sách Nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tại 6 vùng của đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 đã được nêu trong 6 nghị quyết Bộ Chính trị.

Hữu Phúc
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 14
  • Trong tuần: 586
  • Tất cả: 3086356