CAO TỐC BẮC – NAM SỚM LIỀN MỘT DẢI: THÔNG ĐẠI LỘ ĐỂ ĐI ĐẾN “ĐẠI PHÚ”
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, chiều 10/01, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã họp phiên toàn thể, thảo luận trực tuyến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Mở đầu phiên thảo luận, các đại biểu đã được xem phim tài liệu giới thiệu tổng quan về dự án do Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị.  

Phiên thảo luận toàn thể trực tuyến chiều ngày 10/01/2022 (nguồn quochoi.vn)

Tại phiên thảo luận có 20 Đại biểu tham gia thảo luận, qua đó, các Đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết đầu tư dự án, sự phù hợp của dự án với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan; cơ chế, chính sách để triển khai dự án; phạm vi, quy mô đầu tư, công nghệ chính sử dụng, phương án phân chia dự án thành phần, tiến độ hoàn thành của dự án; hình thức đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và phương án thu hồi vốn của dự án. Đa số các ý kiến nhất trí thống nhất cao về sự cần thiết đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên,
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tham gia thảo luận chiều ngày 10/01/2022

Tham gia thảo luận từ điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà cụm từ “Đại lộ - Đại phú” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nay là Chủ tịch nước nhiều lần đề cập khi phát lệnh khởi công triển khai 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông sử dụng vốn đầu tư công vào cuối tháng 9/2020. Chính vì vậy, để nối thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cần đầu tư 729km cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2021-2025)  là hết sức cần thiết. Từ đó, đại biểu Bình đồng tình thống nhất cao với việc Quốc hội xem xét cho chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực, nhưng đến thời điểm này, do hạn chế trong cân đối, huy động nguồn lực, nên một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 chưa thể hoàn thành theo yêu cầu, vì vậy, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn phương thức huy động nguồn lực để thực hiện dự án.
Theo Đại biểu, phát triển hạ tầng giao thông là một trong 3 khâu đột phá của ĐBSCL. Song, thời gian qua lại có 3 điểm nghẽn nảy sinh chậm được khắc phục: (1) Lúng túng trước bài toán vốn đầu tư; (2) Phương thức đầu tư, tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông chưa tốt; (3) Giao thông liên vùng, các tiểu vùng kinh tế và kết nối các phương thức giao thông còn nhiều hạn chế. Mặt khác, từ việc thi công các công trình quốc gia trên địa bàn các tỉnh trong khu vực cũng cho thấy, nhiều công trình giao thông chậm tiến độ, thiếu đồng bộ đã tạo ra các "nút thắt cổ chai" tạm thời làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn vùng, điển hành là đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Do đó, việc tháo các điểm nghẽn giao thông ĐBSCL không chỉ là sớm hoàn thành tuyến cao tốc; tuyến quốc lộ như đường N2, Quốc lộ 60 đoạn qua cầu Rạch Miễu - Cổ Chiên; đầu tư mới cầu Đại Ngãi mà còn sớm đưa vào đầu tư 07 tuyến đường bộ cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Chơn Thành - Đức Hòa, Đức Hòa - Mỹ An, Mỹ An - Cao Lãnh, An Hữu - Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu trong giai đoạn 2021-2025 bằng hình thức phù hợp nhất là hình thức PPP khi mà nguồn đầu tư công còn nhiều hạn chế và cũng đồng bộ với việc sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức PPP được thông qua tại kỳ họp lần này. Từ đó sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên, Cần Thơ - Cà Mau và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng). 
Song song đó, Đại biểu cho rằng điều quan trọng hơn là giải bài toán vốn đầu tư, xác định thứ tự ưu tiên bằng các giải pháp khả thi, đầu tư tập trung, đồng bộ; bảo đảm tiến độ thi công, chất lượng công trình giao thông và tăng cường giao thông liên kết vùng và kết nối các phương thức giao thông đường thủy, bộ, hàng hải, hàng không và phát triển đường sắt trong vùng để phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch vùng ĐBSCL. 

                                                                                         Tin: T. Loan, ảnh: H Phúc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 30
  • Trong tuần: 602
  • Tất cả: 3086372