KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV: Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024,...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, 8h00 sáng 01/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024,...

Quang cảnh phiên thảo luận sáng ngày 01/11/2023 (ảnh quochoi.vn)

Phiên thảo luận, có 27 đại biểu phát biểu, 7 đại biểu tranh luận, các ý kiến của đại biểu Quốc hội tập trung vào các nội dung như: bắt buộc khám sức khỏe tiền hôn nhân; nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới; lương của giáo viên; đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế, người nông dân gặp nhiều rủi ro; những bất cập về hệ thống cao tốc đường bộ; rà soát lại hiệu quả của các chính sách về việc làm cho thanh niên; số doanh nghiệp tăng, nhưng thị trường lao động chưa bền vững; khung khổ pháp lý cho phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh; giải quyết kịp thời các vấn đề trong quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; cần giải pháp mạnh mẽ hơn nữa trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp; sớm nghiên cứu sửa đổi văn bản mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập; đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; sửa đổi pháp luật, tạo cơ sở pháp lý bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, vì lợi ích chung; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất và một số nội dung quan trọng khác.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận
sáng ngày 01/11/2023 (ảnh quochoi.vn)

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, Đại biểu Thạch Phước Bình chỉ rõ một số khó khăn tình hình kinh tế xã hội và ghi nhận những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Chính phủ, bộ ngành, địa phương. Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua. Qua đó, Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ, bộ ngành và địa phương tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể, trước tiên, về gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù; chính sách thuế đối với doanh thu thuế thu nhập doanh nghiệp của một số lĩnh vực xuất khẩu; hoàn thuế VAT để giải phóng và khơi thông nguồn vốn bị tồn đọng, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực; đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế, các doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu để có gói ứng tín dụng ưu đãi; tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm chi phí, hạn chế kiểm tra, thanh tra gây khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp không ban hành thêm văn bản gây nặng nề về thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp. 
Đặc biệt, Đại biểu đề nghị Chính phủ cần chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo, có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu dài hạn hơn, trong đó điện là loại năng lượng quan trọng không thể thiếu trong sản xuất và tiêu dùng. Chính phủ, Bộ Công Thương cần dự báo nhu cầu xây dựng kế hoạch nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện, gây thiệt hại cho sản xuất.
Bên cạnh đó, Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu, từ đó sẽ tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng vào sự phục hồi của nền kinh tế. Cụ thể, thực hiện giải pháp kích cầu tiêu dùng bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế nhập doanh nghiệp tăng cho vay tiêu dùng đồng thời giãn khoanh nợ, tăng hỗ trợ sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo. Thực hiện giải pháp kích cầu đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; khẩn trương nâng cao năng lực của nhà đầu tư, nhà thi công xây lắp.
Qua các ý kiến phát biểu, tranh luận của các vị Đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã tham gia giải trình làm rõ các nội dung có liên quan.

Tin: B.T. Loan

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 27
  • Trong tuần: 599
  • Tất cả: 3086369