NGÀY LÀM VIỆC THỨ 3 - KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV: THẢO LUẬN VỀ KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2021, QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2020 VÀ CÁC NỘI DUNG QUAN TRỌNG KHÁC
Tiếp tục ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 25/5/2022, Tổ thảo luận số 13, gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Phú Thọ, Trà Vinh, Thanh Hóa, Tổ số 13 do ông Bùi Minh Châu, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ làm tổ trưởng; ông Ngô Chí Cường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh và ông Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa làm tổ phó đã tiến hành thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017.

Quang cảnh buổi thảo luận tổ sáng ngày 25/5/2022

Tại buổi thảo luận, có 08 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến, đa số đại biểu đồng tình và đánh giá cao sự quyết tâm, nỗ lực to lớn của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của Nhân dân, nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả, thành tích quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp đúng đắn đã được ban hành kịp thời, tổ chức thực hiện hiệu quả để duy trì và từng bước phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động; hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; phòng chống dịch COVID-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân; việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, qua đó góp phần quan trọng trong công tác huy động, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước; việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã phát huy hiệu quả, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế; về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; những nỗ lực và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vai trò đầu mối của NHNN cũng như sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức phối hợp, triển khai thực hiện Nghị quyết số 42…

Đại biểu Trần Quốc Tuấn phát biểu tại buổi thảo luận tổ sáng ngày 25/5/2022

Tham gia phát biểu tại tổ, đại biểu Trần Quốc Tuấn, bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung Tờ trình số 175/TTr-CP ngày 11/5/2022 của Chính phủ trình Quốc hội về Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42 và đề xuất việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42. Đồng thời, cũng thống nhất cao với Báo cáo của Ủy Ban Kinh tế - Quốc hội về đánh giá việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 và thẩm tra Tờ trình với nội dung nêu trên. Trong đó, thể hiện rõ 2 nội dung gồm: Chính phủ đề xuất Quốc hội: (1) Thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023; đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV; (2) giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất nội dung cần luật hóa quy định về xử lý nợ xấu cùng với việc rà soát, hoàn thiện Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, trình Quốc hội chậm nhất vào kỳ họp đầu năm 2023.
Đại biểu cũng đưa ra một số nội dung và đề xuất kiến nghị để làm rõ quan điểm của mình. Cụ thể như sau: 
Thứ nhất, về tính hiệu quả của Nghị quyết số 42. Theo đại biểu, đây là nghị quyết có nội dung hoàn toàn đúng đắn và kịp thời đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào kết quả cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Chúng ta thấy rằng, nếu tính lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, chỉ hơn 4 năm, 4 tháng…. toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 70% tổng số nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 tại thời điểm 15/8/2017. 
Đặc biệt là, Nghị quyết 42 đã đưa tỷ lệ nợ xấu từ 10,08% xuống còn dưới 3% tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính trung bình nợ xấu đã xử lý đạt khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn mức trung bình 3,25 nghìn tỷ đồng/tháng trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực (từ năm 2012 – 2017). Như vậy hiệu quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cao hơn 75% so với giai đoạn liền kề trước đây. 
Thứ hai, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42, nhằm góp phần ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng cả nước, đại biểu trân trọng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước và các tổ chức liên quan sớm nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 42 thời gian vừa qua. Đồng thời, cần quan tâm them 04 nội dung sau đây: 
Một là, cần tăng cường khả năng dự báo, nhất là, dự báo về tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, khi chịu sự tác động bởi các sự kiện trong khu vực và quốc tế, điển hình như chiến sự Nga và Ucraina; hay là tình hình căng thẳng và các bước đi của các nước lớn. Những nội dung dự báo này phải được gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 như mục tiêu Nghị quyết Đại hội 13 đề ra. Để từ đó, có Chính phủ có giải pháp cơ cấu lại nguồn vốn, phân bổ hợp lý các nguồn vốn cũng như xác định rõ nhóm chủ thể vay vốn nhất là các khoản vay thuộc lĩnh vực tiềm ẩn rũi ro cao; nhằm đảm bảo kiểm soát tốt hoạt động của các tổ chức tín dụng, góp phần giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.
Hai là, cần phân tích, đánh giá làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc tăng tỷ lệ nợ xấu cao hơn 3% đối với các lĩnh vực cho vay, đầu tư. Điển hình như lĩnh vực bất động sản (tỷ lệ nợ xấu đến 18.4%); hay lĩnh vực cho vay tiêu dùng (tỷ lệ nợ xấu 25,8%); hay lĩnh vực đầu tư giao thông theo hình thức BOT, BT (tỷ lệ nợ xấu là 3,92%).... trên cơ sở đó chúng ta sẽ điều chỉnh bằng các qui định pháp luật liên quan. Để phòng ngừa từ sớm, từ xa, không để bị động…. Không chờ đến khi tỷ lệ nợ xấu tăng cao thì xử lý bằng Nghị quyết 42 như thế này nữa.
Ba là, cần có sự thống nhất, quy định rõ ràng, cụ thể về thẩm định giá  đối với các khoản nợ khi được xác định là nợ xấu. Chúng ta không nên áp dụng chung hình thức và nội dung thẩm định giá giữa các khoản nợ xấu giống như thẩm định giá đối với các loại tài sản khác. Bởi đây là trường hợp đặc biệt hơn. Có như vậy, mới tạo điều kiện thuận lợi trong việc xác định mức giá tham khảo, làm cơ sở xác định mức giá khởi điểm trong giao dịch mua bán nợ, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu.
Bốn là, về lâu dài, chính phủ cần chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giao dịch ngân hàng. Trong đó, quan tâm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu chung, thống nhất trong cả nước một đầu mối cơ quan,… Có chức năng quản lý về thông tin các tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo, đáp ứng cả 2 tiêu chí, (1)vừa bảo vệ bí mật thông tin người có quyền sở hữu tài sản đó, (2) nhưng cũng vừa hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng khi cần thiết có thể truy xuất, tra cứu được thông tin đối với các tài sản liên quan khi xử lý nợ xấu. Cơ sở dữ liệu này cũng sẽ giúp cho các tổ chức tín dụng phòng ngừa các vụ việc khi chỉ có 1 tài sản, nhưng người vay thế chấp ở 2 ngân hàng khác nhau…. 
Tham gia phát biểu về kinh tế-xã hội, đại biểu Thạch Phước Bình – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh bày tỏ sự quan tâm về bức tranh kinh tế thế giới năm 2021. Năm 2021, với 12 chỉ tiêu về kinh tế-xã hội chỉ đạt 7 chỉ tiêu và điều đáng quan tâm là 5 chỉ tiêu không đạt do ảnh hưởng của Covid. Hiện nay, kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi nhưng tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực. Hiệu quả của các nỗ lực này được thể hiện khi năm 2021 kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, giữa các khu vực trên thế giới sự phục hồi không đồng đều. Việc can thiệp với quy mô khác nhau tùy thuộc vào bối cảnh của mỗi quốc gia là nguyên nhân dẫn đến việc tăng trưởng không đồng đều giữa các khu vực và điều này tạo ra những lo ngại về việc các quốc gia thu nhập thấp có khả năng bỏ lỡ cơ hội so với sự phục hồi của thế giới. Mặt khác, đại biểu Bình cho rằng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực chủ đạo cho phát triển kinh tế - xã hội của nước ta.

Đại biểu Thạch Phước Bình tham gia thảo luận tại tổ sáng ngày 25/5/2022

Từ đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, trong thời gian tới để phục hồi tăng trưởng kinh tế bền vững và phát triển trong những tháng cuối năm 2022, cần thực hiện một số nội dung sau: 
Thứ nhất, cần ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống y tế và bao phủ tỷ lệ tiêm vắc-xin trên toàn quốc và mua thuốc chữa bệnh. Các làn sóng dịch bệnh khiến hệ thống y tế tại nhiều tỉnh, thành phố gặp khó khăn cả về nhân lực và vật lực. Dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, hệ thống y tế cũng là tuyến phòng thủ đầu tiên và quan trọng nhất của không chỉ nền kinh tế mà còn cả quốc gia. 
Thứ hai, cần củng cố hệ thống an sinh xã hội. Mục tiêu chính là hỗ trợ những nhóm dân cư, người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh. Các biện pháp cụ thể bao gồm hỗ trợ việc khắc phục đứt gãy lao động. Ở những nơi phải phong tỏa thì bảo đảm những lao động nhập cư làm việc trong khu vực không chính thức không có giao kết hợp đồng được hỗ trợ đầy đủ để yên tâm ngồi nhà, giải ngân nhanh gói hỗ trợ những người trong danh sách hộ nghèo cũng như những người tham gia bảo hiểm xã hội chính thức để bảo đảm họ nhận được hỗ trợ kịp thời trên cơ sở được bao phủ bởi hệ thống an sinh xã hội chính thức.
Thứ ba, cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Thực tế triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua cho thấy hiệu quả chưa cao, chưa đúng đối tượng hoặc thủ tục hỗ trợ còn phức tạp. Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh, chịu gánh nặng các chi phí bảo đảm vừa sản xuất, vừa chống dịch... lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ. 
Thứ tư, tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Đầu tư công là động lực để thúc đẩy thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế đang cần nhiều dự án. Vì vậy, giải ngân vốn đầu tư công là một kênh quan trọng để kích thích nền kinh tế trong giai đoạn đầu tư của khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn như hiện nay. 
Thứ năm, để bảo đảm các biện pháp trên thực hiện thành công, cần sự phối hợp để xây dựng và thực hiện các chính sách giữa các bộ, ngành, giữa Chính phủ và Quốc hội, đặc biệt là gói chính sách tài khóa, tiền tệ phải đủ liều lượng, đúng thời điểm và đúng đối tượng. Lo ngại về áp lực lạm phát khi xây dựng và thực hiện các gói hỗ trợ, trong khi đó, có một số ý kiến khác lại mong muốn gói hỗ trợ kinh tế phải đủ lớn, mà như vậy thì nguy cơ lạm phát là không tránh khỏi. Vì thế, các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan tham mưu cần phối hợp chặt chẽ trong việc tính toán nhằm bảo đảm dòng tiền hỗ trợ thực sự được đưa vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hộ gia đình thay vì chuyển qua kênh đầu cơ các tài sản tài chính rủi ro, vốn không đóng góp cho phục hồi tăng trưởng.
Thứ sáu, trong dài hạn, nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh thời đại công nghiệp 4.0 đã, đang và sẽ là động lực phát triển lâu dài cho nền kinh tế. Kinh tế số đang là mối quan tâm và xu hướng phát triển của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, cùng với xu thế tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn. 
Đối với Nghị quyết 42, đại biểu Bình cũng đồng tình về việc kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ nên sớm nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị cả Trung ương và địa phương; gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện Nghị quyết.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng quan tâm và đánh giá cao kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế xã hội, góp phần quan trọng cho việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, kiểm soát và hạn chế được tác động của dịch bệnh Covid-19, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã đề ra. Tuy nhiên, đại biểu còn băng khoăn về những sai phạm vừa qua trong việc quản lý đất đai còn nhiều. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có biện pháp xử lý kịp thời để việc chống lãng phí đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 19
  • Hôm nay: 442
  • Trong tuần: 24 709
  • Tất cả: 3058159