Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh
Thực hiện Quyết định số 177/QĐ-ĐĐBQH và Kế hoạch số 178/KH-ĐĐBQH ngày 22/12/2022 của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh về giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Ngày 06/3/2023, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh do ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH làm Trưởng đoàn giám sát đã tổ chức làm việc với 14 đơn vị, trong đó giám sát trực tiếp 07 đơn vị gồm: UBND huyện Duyên Hải, UBND thị xã Duyên Hải, Ban Quản lý khu kinh tế, Công ty Điện lực Trà Vinh, Công ty phát triển điện nông thôn, Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh và giám sát qua văn bản báo cáo đối với 07 huyện, thành phố còn lại. Tham dự làm việc với Đoàn giám sát có các doanh nghiệp đầu tư về ngành năng lượng trên địa bàn tỉnh gồm: Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, Công ty Cổ phần Điện gió Trà Vinh 1, Công ty Điện gió Trường Thành Trà Vinh, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh, Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo Ecotech Trà Vinh, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh cùng các sở, ngành có liên quan.

Ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh,
Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh và Sở Công Thương 

Theo báo cáo của UBND tỉnh đến cuối năm 2022, trữ lượng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh có tổng cộng 4.962 MW nguồn điện, trong đó: (1) Nhiệt điện có tổng công suất 4.498 MW gồm: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, công suất 1.245 MW, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2, công suất 1.320 MW, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3, công suất 1.245 MW, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng, công suất 688 MW. (2) Điện mặt trời có dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh công suất 165 MWp, đối với điện mặt trời mái nhà hiện tỉnh có 1.149 hệ thống, với tổng công suất 43.003 MWp. (3) Điện gió có 05 nhà máy điện gió đã đưa vào vận hành thương mại, với tổng công suất là 256,8 MW và đang triển khai thi công 04 dự án điện gió với tổng công suất 344 MW gồm: Nhà máy điện gió Đông Thành 1, công suất 80 MW; Nhà máy điện gió Đông Thành 2, công suất 120 MW, Nhà máy điện gió Thăng Long, công suất 96 MW, Nhà máy điện gió Duyên Hải, công suất 48 MW. Ngoài ra, có một nguồn điện sinh khối độc lập (sử dụng nguồn bã mía phát điện) là Công ty Cổ phần mía đường Trà Vinh đặt tại ấp Chợ, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, công suất 4,5 MW.
Trong giai đoạn 2016 - 2021, phụ tải lớn nhất của Trà Vinh là 201,48 MW và theo quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2025, xét đến năm 2035 đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 1940/QĐ-BCT ngày 19/5/2016, nhu cầu phụ tải tỉnh Trà Vinh đến năm 2025 dự kiến đạt khoảng 362 MW. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2016 - 2021 toàn tỉnh Trà Vinh đã tiết kiệm được 120,7 triệu kWh, trong đó: Đối tượng cơ quan hành chính sự nghiệp tiết kiệm 4,03 triệu kWh; chiếu sáng công cộng tiết kiệm 1,02 triệu kWh; ánh sáng sinh hoạt và kinh doanh dịch vụ tiết kiệm 69,4 triệu kWh; sản xuất tiết kiệm 46,26 triệu kWh. Về tổn thất điện năng trong quá trình truyền tải điện hiện nay đã thực hiện hiệu quả các giải pháp để kéo giảm tổn thất điện năng trong quá trình phân phối điện. Tính đến cuối năm 2022 tỷ lệ tổn thất điện năng lưới phân phối do Công ty điện lực Trà Vinh quản lý giảm còn 5,96%, giảm 0,63% so năm 2019.
Nhìn chung Đoàn giám sát đánh giá, nguồn điện được đầu tư khá đồng bộ theo đúng quy hoạch, đáp ứng nhu cầu điện tăng nhanh của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các nguồn điện thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải đã đưa vào vận hành 4.498 MW góp phần tăng cường năng lực cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia. Lộ trình phát triển lưới điện thông minh được triển khai theo định hướng chung của Tổng công ty Điện lực miền Nam đã giúp nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện ngày càng tốt hơn, tỷ lệ điện năng tổn thất do truyền tải và phân phối giảm từ 6,59% năm 2019 xuống còn 5,96% năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, việc phát triển năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh được đánh giá có chuyển biến tích cực, tốc độ phát triển các dự án năng lượng đạt cao. Dù vậy quá trình thực hiện đầu tư và phát triển các dự án nguồn điện, đặc biệt là nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) vẫn còn những mặt hạn chế như về giá mua điện gió, đền bù giải tỏa gặp khó khăn, khả năng giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo cũng còn hạn chế,… 

Ông Vũ Hồng Vương, Phó Giám đốc Sở Công thương phát biểu tại buổi làm việc

Qua đó, đại diện các công ty đầu tư về năng lượng trên địa bàn tỉnh cũng bày tỏ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, qua đó đề xuất đến Đoàn giám sát sớm kiến nghị đến Chính phủ xem xét tăng sản lượng cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2; sớm ban hành giá trần về điện để có cơ sở áp dụng thực hiện, đồng thời đề nghị chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ vận động người dân tạo điều kiện cho các chủ đầu tư như trong bảo trì, bảo dưỡng các đường dây truyền tải được thuận lợi; phê duyệt quyết định dự án giao đất để tiếp tục thực hiện đầu tư các đường dây truyền tải giai đoạn 2,…

Ông Trần Đình Luật, đại diện Công ty Cổ phần Điện gió Trà Vinh 1
nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất đến Đoàn giám sát

 

Ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Trưởng đoàn giám sát phát biểu tại buổi làm việc với Sở Công Thương

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH, Trưởng đoàn giám sát và các thành viên trong Đoàn đã đánh giá cao kết quả đạt được của Ủy ban nhân dân tỉnh trong chỉ đạo điều hành việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Qua đó, để thực hiện tốt hơn nữa việc phát triển năng lượng trong thời gian tới, ông đề nghị Ủy ban nhân nhân tỉnh tăng cường triển khai các chính sách, pháp luật có liên quan đến đầu tư phát triển cung cầu và đảm bảo an ninh năng lượng; quan tâm rà soát, đánh giá trữ lượng năng lượng của tỉnh, đặc biệt là đối với điện mặt trời, điện gió, điện rác, điện sinh khối. Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư cho năng lượng tái tạo, đặc biệt chỉ đạo đồng bộ các hệ thống công nghệ thiết bị, sử dụng đất đai, mặt nước, bảo vệ môi trường trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo; quan tâm cải tiến và nâng cấp hệ thông quan trắc dự báo thời tiết khí hậu chính xác nhằm phục vụ cho vận hành, cũng như dự báo sản lượng năng lượng tái tạo trong thời gian tới… Ông cũng đề nghị tăng cường chỉ đạo việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nghiên cứu xây dựng các tiêu chí sử dụng năng lượng tiết kiệm, dựa vào mức phát thải cacbon của nhà máy hay mức độ tiêu thụ năng lượng của thiết bị để sử dụng cho phù hợp; quan tâm xây dựng chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng cho toàn tỉnh và từng bước đưa chỉ tiêu này vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục chỉ đạo hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 – 2020 và có xét đến năm 2030 và chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh và đặc biệt cần phối hợp hỗ trợ các dự án năng lượng chậm tiến độ hoặc có khó khăn. Đồng thời, có dự báo đối với rác thải công nghiệp, cụ thể là các tấm pin quang điện chưa xử lý theo quy định, tính toán phương án sắp xếp các dự án điện gió, điện mặt trời có khoảng cách hợp lý để không làm ảnh hưởng đến quy hoạch giao thông, đô thị, lãng phí trong sử dụng đất đai, kinh phí trong đầu tư xây dựng, các công trình đầu tư năng lượng sẽ rời rạc. Chỉ đạo Sở Công Thương, các sở ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và có biện pháp xử lý, xử phạt những tổ chức cá nhân lợi dụng chính sách thực hiện điện mái nhà để trục lợi, làm chui vào các dự án nông nghiệp. Kiểm tra, rà soát hiện trạng sử dụng đất đã giao cho các nhà đầu tư dự án điện mặt trời phải đảm bảo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt,...

Ông Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi giám sát

Trên cơ sở ý kiến của Đoàn giám sát và đại diện các ngành có liên quan, ông Nguyễn Trung Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát sẽ chỉ đạo ngành chức năng tăng cường hơn nữa trong phát triển về điện năng lượng, đồng thời ông cũng kiến nghị Chính phủ xem xét bổ sung thêm quy hoạch xây dựng đường dây độc lập và trạm biến áp 500KV Duyên Hải - Phú Lâm (Thành phố Hồ Chí Minh) nhằm giải tỏa hết công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh; kiến nghị Quốc hội khẩn trương xây dựng Luật Năng lượng tái tạo nhằm tạo hành lang pháp lý thu hút nguồn nhân lực phát triển nguồn năng lượng này, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật theo hướng tạo môi trường thuận lợi, tạo động lực thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư; đề nghị Chính phủ ban hành cơ chế thị trường về giá bán lẻ điện theo hướng cạnh tranh và có cơ chế xuất khẩu điện ra nước ngoài để thu hút các doanh nghiệp đầu tư khai thác tiềm năng về năng lượng tái tạo.

Tin, ảnh: Hữu Phúc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 176
  • Trong tuần: 1 720
  • Tất cả: 3084628