Thảo luận tại Tổ đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)
Sáng ngày 02/11/2022, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cùng với các Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thái Nguyên, Nam Định tiến hành thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). 

Ông Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
 phát biểu thảo luận tổ sáng ngày 02/11/2022 

Phiên thảo luận tổ có 11 đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, tham gia phát biểu tại tổ đối với dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật nhằm phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đặc biệt là phù hợp với xu hướng hiện nay khi mà giao dịch điện tử, dần sẽ thay thế giao dịch truyền thống. Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều nội dung quan trọng, góp phần hoàn thiện các nội dung có liên quan đến giao dịch điện tử trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, qua nghiên cứu dự thảo, đại biểu cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo so với luật tương tự của một số quốc gia khác thì không bao quát hơn do dự thảo không áp dụng một số giao dịch điện tử đối với một số hoạt động như cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn với tài sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, khai tử, hối phiếu và một số giấy tờ khác. Đồng thời, đối với việc quy định phạm vi điều chỉnh như dự thảo hiện nay sẽ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện một phần hay toàn bộ bằng phương tiện điện tử. 
Theo đại biểu, nếu nếu quy định không mang tính khái quát thì rất khó thực hiện, giao dịch điện tử khác với giao dịch truyền thống ở chỗ thường xuất hiện chủ thể thứ ba gọi là sàn giao dịch, chủ thể này không phải là người bán hàng mà họ tạo ra một cái chợ điện tử để người mua, người bán gặp nhau. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên tham khảo phạm vi điều chỉnh của Luật liên quan của một số quốc gia để quy định phạm vi điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, trong thời điểm hiện nay, khoa học công nghệ phát triển, nhất là ứng dụng phần mềm giao dịch qua phương tiện thông tin điện tử được tăng cường hơn, phạm vị điều chỉnh của luật cần bao quát hơn. 
Vấn đề tiếp theo đại biểu quan tâm là về giao kết hợp đồng điện tử, đại biểu cho rằng vấn đề này sẽ được phát triển nhanh chóng trong thời gian tới, việc tạo hành lang pháp lý vững chắc cho những vấn đề này là rất cần thiết để giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan, trước hết là xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp giao dịch thông qua hợp đồng điện tử; việc công chứng, giải quyết tranh chấp đối với hợp đồng điện tử dự thảo cũng cần phải quan tâm, quy định rõ hoặc quy định trong trường hợp các bên không hòa giải được thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp giao dịch điện tử được thực hiện theo quy định của pháp luật nào; đại biểu khuyến khích thực hiện hòa giải trực tuyến, trọng tài trực tuyến. Song song đó, đại biểu Bình đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ các nội dung có liên quan đến trình tự, thủ tục đối với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử; hình thức xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự để đảm bảo thực hiện sau khi luật được ban hành.
Liên quan đến dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), về tên gọi của dự thảo luật, đại biểu đề nghị  Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc bỏ cụm từ “quyền lợi”, vì theo đại biểu, Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ có nội hàm rộng hơn do bên cạnh quyền lợi, người tiêu dùng còn phải có nghĩa vụ trong mua bán hàng hóa, quyền và nghĩa vụ các bên trong giao dịch hàng hóa bị khuyết tật trong quá trình sản xuất hoặc vận chuyển thì pháp luật sẽ có điều chỉnh, điều tra, xử lý. Đồng thời, đối với khái niệm người tiêu dùng, đại biểu Bình cũng rất băn khoăn vì dự thảo chỉ quy định người tiêu dùng là cá nhân, nội dung này là thu hẹp phạm vi điều chỉnh là không phù hợp. Theo đại biểu, người tiêu dùng ở đây có thể cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trong việc mua các thiết bị phục vụ công nếu thu hẹp phạm vi như dự thảo là chưa bao quát hết chủ thể, do vậy đại biểu đề nghị đối với khái niệm người tiêu dùng nên giữ nguyên như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành là phù hợp. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm một số luật như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Ngân sách nhà nước về các nội dung liên quan để đảm bảo tính khả thi, thống nhất sau khi Luật được thông qua, cũng như giảm thiểu việc ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.
Về trách nhiệm bảo đảm an toàn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng, đại biểu rất băn khoăn vì rất khó thực hiện trong thực tế vì hàng hóa khi sản xuất là đại trà, sản xuất cho nhiều đối tượng sử dụng, người sử dụng sản phẩm theo nhu cầu, việc sản xuất phải phù hợp với các nhóm người tiêu dùng trong độ tuổi là khó trong quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp, dự thảo quy định rất chung chung, chưa rõ về trình tự, thủ tục cần quan tâm làm rõ để đảm bảo quyền lợi của người có người tiêu dùng. Vấn đề tiếp theo đại biểu quan tâm là các nhóm chính sách để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu đề nghị bổ sung chính sách về nâng cao đạo đức kinh doanh và hình thành văn hóa tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và phát triển bền vững, do hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã và đang phát động phong trào người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, hình thành văn hóa tiêu dùng an toàn, văn minh, lành mạnh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

B.T. LOAN
VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 1 555
  • Tất cả: 3084655