QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CÁC DỰ ÁN XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC CHÂU ĐỐC - CẦN THƠ - SÓC TRĂNG (GIAI ĐOẠN 1); KHÁNH HÒA - BUÔN MA THUỘT (GIAI ĐOẠN 1); BIÊN HÒA – VŨNG TÀU (GIAI ĐOẠN 1)
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng ngày 10/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành 
Phiên họp sáng ngày 10/6/2022 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết của việc đầu tư triển khai đường bộ cao tốc giai đoạn 1 tuyến Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng; Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột; Biên Hòa-Vũng Tàu nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây được 3 dự án rất quan trọng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông sông Cửu Long nói riêng.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách
tỉnh Trà Vinh phát biểu tại Hội trường sáng ngày 10/6/2022 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách cơ bản đồng tình với báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ một số nội dung đối với các dự án trên. Nhiều năm qua và nhất là những năm gần đây, Chính phủ đã và đang dồn lực đầu tư phát triển hạ tầng cho các địa phương khu vực ĐBSCL. Trong giai đoạn 2021-2025 vùng ĐBSCL được bố trí khoảng 50.690 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư cả ngành giao thông với 07 dự án đường bộ cao tốc được ưu tiên như: Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Cần Thơ - Cà Mau; Mỹ An - Cao Lãnh; Cao Lãnh - Lộ Tẻ; Hà Tiên - Rạch Giá; Hồng Ngự - Trà Vinh. Song song đó là chuẩn bị đầu tư tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ với tổng chiều dài 1.000km, trong đó tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có chiều dài lớn nhất. Cùng với tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vừa hoàn thành và thông xe kỹ thuật và ngày 19/01/2022 vừa qua, 06 dự án còn lại khi hoàn thành sẽ kết nối với các tuyến đường theo trục dọc, giảm áp lực cho các tuyến Quốc lộ 1, tuyến N1, tuyến QL91 đang quá tải, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối KTXH các tỉnh trong vùng với nước bạn Campuchia và các nước ASEAN. Từ đó, đại biểu đồng tình, thống nhất cao với sự cần thiết phải đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ -Sóc Trăng với 188,2km. 
Theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì  từ nay đến năm 2030, dự kiến hoàn thành đầu tư trên 5.000 km đường cao tốc, tổng nguồn vốn đã bố trí cho giai đoạn 2021-2025 là 339.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 29 tỷ USD), trong khi đó nguồn vốn bố trí cho cao tốc giai đoạn 2015-2020 có 89.000 tỷ đồng, như vậy nguồn vốn cũng tăng gấp rất nhiều lần so với giai đoạn trước. Quy hoạch cũng xác định huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư, chủ yếu theo phương thức đối tác công tư (PPP), ngân sách nhà nước tham gia vào dự án đóng vai trò vốn “mồi”. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy có nhiều dự án đường cao tốc sau khi hoàn thiện phương án khả thi thì bế tắc nguồn vốn, dẫn đến khó thực hiện. Chưa kể do tính toán không sát trong các khâu như: lập dự án, tư vấn, thẩm định và phê duyệt... làm đội vốn, dẫn đến nợ đọng cho ngân hàng. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm đến nội dung này và đề nghị Chính phủ quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm thu hút nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước để triển khai thực hiện không chỉ dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ - Sóc Trằng mà cho cả 04 dự án cao tốc còn lại như Vành Đai 3, Vành đai 4… Trong đó, chú ý nới biên độ tỉ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đường bộ cao tốc cụ thể có thể vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án như quy định của Luật PPP; giảm lãi suất các khoản vay, gia hạn thời gian, điều chỉnh phương án trả nợ gốc/lãi. Về giải phóng mặt bằng, cần giao các tỉnh đảm bảo mặt bằng sạch cho các công trình giao thông thông qua dự án riêng. Bởi dù giải phóng mặt bằng đạt 99% cũng không đạt yêu cầu bởi vì chỉ còn 10m thôi thì cả tuyến cao tốc, công trình có yêu cầu cao về kỹ thuật và an toàn giao thông cũng không được phép đưa vào vận hành. Song song đó, cần có chính sách khuyến khích áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và hiệu quả đầu tư. 
Bên cạnh đó, trân trọng đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để lập Quỹ phát triển đường cao tốc (nguồn từ thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư, nguồn huy động khác,…). Ở các nước phát triển, vốn đầu tư dự án kết cấu hạ tầng thường đến từ nhiều nguồn, đó là vốn mồi từ ngân sách nhà nước, vốn phát hành trái phiếu dự án, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn vay từ các định chế tài chính hoặc quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc. Trong đó, quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc đóng vai trò rất quan trọng. Khi hình thành Quỹ đầu tư phát triển đường cao tốc sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư các dự án BOT có thêm kênh vốn để lựa chọn.
Cùng với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng được đưa vào xin chủ trương đầu tư lần này, cử tri ĐBSCL vô cùng phấn khởi khi mới đây vào ngày 02/04/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ÐBSCL đến năm 2030 sẽ tạo các động lực phát triển toàn diện, bền vững gắn với giải quyết các thách thức nội tại của vùng. Tuy nhiên cử tri xin trân trân trọng gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 02 nội dung sau:
Thứ nhất, ngày 12/12/2015, người dân vùng đất chín rồng rất vui mừng và vinh dự được đón tiếp Phó Thủ tướng tham dự Lễ khởi động Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên tuyến Quốc lộ 60 nối liền 02 bờ sông Hậu qua tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, là tuyến gắn kết với tuyến cao tốc Chấu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng đang xin chủ trương Quốc hội tại kỳ họp này. Tuy nhiên, đến nay đã 06 năm, 6 tháng, 22 ngày, tương tương 80 tháng, 2.460 ngày, dự án vẫn chưa được khởi công làm cho cử tri và người dân trong vùng luôn thắc mắc, lo lắng và cảm thấy hụt hẩng. Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm khởi công Dự án này trong thời gian sớm nhất.
Thứ hai, Trà Vinh nằm ở phía Đông Nam vùng ĐBSCL, trong những năm qua, Tỉnh luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, từ đó KTXH của tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa đồng bộ, tỉnh có 04 Quốc lộ (53, 54, 60, 53B) đi qua; ngoài Quốc lộ 53 đang được nâng cấp một phần, hầu hết còn nhỏ, hẹp và nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Tỉnh còn có 06 xã đảo, 10 ấp cồn cù lao bị chia cắt với đất liền và hệ thống giao thông của tỉnh chưa kết nối thông suốt với các tỉnh trong vùng phía Nam Sông Hậu (chưa có cầu Đại Ngãi, phải đi qua 02 phà). Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng là tỉnh có yếu tố dân tộc, tôn giáo và được xác định là trọng điểm về an ninh chính trị. Các thế lực thù địch luôn tập trung chống phá. 
Tất cả những vấn đề trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Bên cạnh đó, cử tri của tỉnh rất băn khoăn, lo lắng khi mà theo Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị khóa 13 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, … thì từ nay đến năm 2030 tỉnh Trà Vinh sẽ không có dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc đi ngang; không có dự án đầu tư cảng biển, và tỉnh cũng không có cơ chế đặc thù… 
Với quan điểm để tổng thể khu vực 1 vùng phát triển vươn lên thì mỗi thành phần, mỗi mãnh ghép trong tổng thể đó phải phát triển, đại biểu trân trọng trân trọng gửi ý kiến của hơn 1 triệu người dân của tỉnh nhà đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và trân trọng đề nghị Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương, nhất là Bộ GTVT quan tâm cùng với việc đầu tư đầu tư tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh sẽ sớm cho chủ trương đầu tư tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh với hình thức phù hợp vào trước năm 2030 nhằm kết nối trục ngang với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng khi hoàn thành góp phần giúp tỉnh nhà phát triển theo kịp các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL trong tương lai.

                        Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 8
  • Hôm nay: 145
  • Trong tuần: 1 689
  • Tất cả: 3084597