NGÀY LÀM VIỆC THỨ 12 - KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA XV: THẢO LUẬN DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN VÀ LUẬT DẦU KHÍ (SỬA ĐỔI
Chiều ngày 03/6/2022, tiếp tục ngày làm việc thứ 12 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Tổ thảo luận số 13, ông Ngô Chí Cường, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, làm tổ trưởng và ông Lại Thế Nguyên, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa làm tổ phó đã tiến hành thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện và Luật Dầu khí (sửa đổi).

Ông Ngô Chí Cường, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh
chủ trì phiên thảo luận chiều ngày 03/6/2022

Tại buổi thảo luận, có 09 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu ý kiến, đa số đại biểu đồng tình và đánh giá cao việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện và Luật Dầu khí (sửa đổi). Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số; đồng thời, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với pháp luật hiện hành, khắc phục những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định được sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật (như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xử lý vi phạm hành chính) và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên (như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương-CPTPP).
Đồng thời, thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Nội dung dự thảo Luật phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013; tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, đề nghị rà soát, hoàn thiện đồng bộ dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật và dự kiến danh mục các văn bản hướng dẫn khác cần ban hành. Đa số đại biểu thống nhất tên gọi của dự án Luật là “Luật Dầu khí” kế thừa tên gọi của Luật hiện hành, tương đồng với một số quốc gia trên thế giới sử dụng tên gọi Luật Dầu khí cho văn bản luật điều chỉnh các hoạt động dầu khí thượng nguồn. Quy định tại dự án Luật đã rõ ràng về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật chỉ bao gồm điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí thượng nguồn. Một số đại biểu đề nghị sửa tên Luật theo nội hàm phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, hiện nay, dự án Luật không điều chỉnh hoạt động dầu khí trung nguồn và hạ nguồn cũng như hoạt động đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
tham gia thảo luận tại tổ chiều ngày 03/6/2022

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh góp ý với việc sửa đổi Luật Dầu khí. Trong những năm qua, Luật Dầu khí và ngành dầu khí đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, đặc biệt hiện nay trong bối cảnh mới, tuy nhiên, Luật Dầu khí được ra đời năm 1993, đến nay nhiều nội dung không còn phù hợp. Chính vì vậy, đại biểu đồng tình cao với việc Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Dầu khí. Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 chương, 56 điều kế thừa các điều khoản cơ bản của của Luật Dầu khí năm 1993, sửa đổi vào năm 2000 và 2008, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí.
Bối cảnh hiện nay có nhiều nhân tố mới, nhiều xu hướng mới nhưng chưa được thể hiện đầy đủ trong dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Đó là vấn đề ở Biển Đông, sự thay đổi cục diện bản đồ năng lượng khu vực; vấn đề về biến đổi khí hậu; vấn đề cạnh tranh giá trong Luật dự khí thì dự thảo Luật có nêu nhưng chưa rõ, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm vấn đề này.
Đề xuất Luật Dầu khí (sửa đổi) bổ sung thêm những ưu tiên, trình tự để khuyến khích đầu tư, ngân sách đầu tư, huy động các loại hình vốn đầu tư kể cả nhà nước, tư nhân, đầu tư nước ngoài, liên quan đến quyền quyết định, quyền tự chủ, đặc biệt dự thảo luật chưa thể hiện được vị trí, vai trò của PVN. Bên cạnh đó, tại Điều 38 của dự thảo Luật Dầu khí có đề cập đến vai trò của Bộ Công Thương, hiện nay Bộ vẫn đang làm như nhập khẩu xăng dầu, quản lý thị trường xăng dầu, an ninh xăng dầu thì vẫn chưa được cập nhật vào dự thảo mới. Đặc biệt, đề nghị quan tâm đến việc hoàn thiện về năng lượng dầu khí, vì trong thể chế an ninh năng lượng dầu khí sẽ có quỹ dự trữ dầu khí quốc gia, đồng thời, bỏ quỹ bình ổn giá. 
Tuy nhiên, đại biểu cũng quan tâm đến công tác phòng ngừa sự cố trong lĩnh vực dầu khí, đề nghị Ban Soạn thảo quan tâm và bổ sung một số điều khoản liên quan đến rủi ro môi trường của các dự án một cách cụ thể, như từ điều tra, tiến hành khai thác, kiểm tra, xử lý, công bố thông tin về rủi ro môi trường.  
Đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu cơ bản đồng tình với dự thảo Luật nêu, cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Dự thảo Luật có 4 Điều, sửa đổi 3 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo với 07 nhóm vấn đề. Để hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu nêu lên quan điểm đối với một số nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện tại Khoản 4 Điều 1 của dự thảo Luật về sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 16 của Luật hiện hành. Tại khoản 2 Điều 16 của Luật Tần số vô tuyến điện 2009 quy định giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ được cấp “kèm theo các điều kiện cụ thể” nhưng Luật cũng như dự thảo không quy định rõ các điều kiện cụ thể này là gì. Các điều kiện này được hiểu là sự hạn chế quyền sử dụng tần số của doanh nghiệp được cấp, cũng chính là hạn chế quyền tài sản của doanh nghiệp. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp 2013, việc hạn chế quyền chỉ được quy định trong luật, chứ không phải văn bản dưới luật. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung rõ quy định về các điều kiện cụ thể trong giấy phép vào trong luật này.
Thứ hai, điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện trong trường hợp đấu giá. Tại khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20 và khoản 2 Điều 21 đưa ra nhiều các điều kiện để được cấp giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện. Các điều kiện này được suy đoán là nhằm loại bỏ một số cá nhân, tổ chức xin giấy phép tần số sau đó không sử dụng, gây lãng phí và cản trở các cá nhân, tổ chức khác có thể sử dụng hiệu quả hơn. Như vậy, các điều kiện này phù hợp với trường hợp cấp phép trực tiếp hoặc thông qua thi tuyển nhưng dường như không phù hợp với trường hợp cấp phép thông qua đấu giá. Trong trường hợp đấu giá, bên tham gia đã phải trả chi phí rất lớn để có được quyền sử dụng tần số. Nếu người trúng đấu giá không sử dụng tần số một cách hiệu quả thì sẽ chịu thua lỗ lớn. Do đó, việc quy định thêm các điều kiện trên dường như không còn cần thiết. Nếu bỏ các điều kiện này đi, có thể sẽ giúp tăng thêm các đơn vị tham gia đấu giá, giúp cuộc đấu giá trở nên cạnh tranh và lành mạnh hơn.
Thứ ba, về cam kết triển khai mạng viễn thông. Dự thảo bổ sung khoản 4, 5, 6 vào Điều 20 về cấp giấy phép sử dụng băng tần. Theo đó, doanh nghiệp muốn được cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện để triển khai mạng viễn thông thì phải đáp ứng điều kiện: “Có cam kết triển khai mạng viễn thông theo quy định tại khoản 6 Điều này;”. Tuy nhiên, quy định về cam kết tại khoản 4 có điểm còn chưa bảo đảm rõ ràng, dễ gây ra các cách áp dụng khác nhau khi triển khai trên thực tế. Ví dụ như quy định: “Cam kết triển khai mạng viễn thông gồm một hoặc một số nội dung về…” sẽ không rõ trường hợp nào doanh nghiệp phải cam kết nhiều hơn một nội dung và các nội dung đó là gì.
Thứ tư, về lượng băng tần tối đa với mỗi tổ chức. Việc bổ sung quy định về lượng băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng tối đa được cấp cho các doanh nghiệp là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm tính cạnh tranh trên thị trường, tránh tình trạng một doanh nghiệp thâu tóm tài nguyên tần số và trở thành độc quyền. Tuy nhiên, VCCI cho rằng quy định này cần được soạn thảo theo hướng nhằm tránh nguy cơ bị bóp méo trong quá trình thực thi, cụ thể như sau: khi quyết định về lượng băng tần tối đa được cấp, cơ quan có thẩm quyền cần có báo cáo về hiện trạng và tác động cạnh tranh của các phương án chính sách, nhằm lựa chọn phương án tốt nhất; để tránh tình trạng băng tần được cấp cho nhiều công ty nhưng các công ty này lại cùng một tập đoàn, cùng nhóm công ty thì vẫn không bảo đảm cạnh tranh, đề nghị cơ quan soạn thảo thiết kế quy định áp dụng cho nhóm công ty chứ không chỉ cho từng công ty đơn lẻ.
Thứ năm, về điều khoản cụ thể tại khoản 4 Điều 45 “Trong trường hợp cần thiết, căn cứ quy định của Luật này, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích QPAN để kết hợp với phát triển KTXH theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ QPAN và đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông”, đề nghị từ ngữ và thiết kế điều khoản này đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng.

Đại biểu Bế Trung Anh, Ủy viên Thường trực Hội đồng dân tộc
 phát biểu tại buổi thảo luận tổ chiều ngày 03/6/2022

Tham gia phát biểu tại tổ, đại biểu Bế Trung Anh, Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc của Quốc hội bày tỏ sự thống nhất cao với việc sửa đổi Luật Dầu khí. Đại biểu cho rằng, cách đây 30 năm, đóng góp của ngành dầu khí đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam khác, đến nay thì đóng góp đã giảm đi 1/3. Tại Chương 9 và Chương 10 của dự thảo luật về quản lý nhà nước và chức năng cụ thể thì không thay đổi so với luật cũ, tuy nhiên, nếu sửa đổi thì quy hoạch phải khác đi về vai trò của Tập đoàn dầu khí và mối quan hệ với Bộ Công Thương. Đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo, làm rõ vai trò, chức năng nhiệm vụ của Tập đoàn dầu khí trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)
Đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tần số vô tuyến điện, đại biểu bày tỏ sự đồng tình về việc sửa đổi, bổ sung Luật. Về mặt chuyên môn, có hai cách hiểu khác nhau về nguồn tài nguyên, có quan điểm cho rằng đây là nguồn tài nguyên vô hạn, nếu chúng ta khai thác đúng tiềm năng thì sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho đất nước; có một số quan điểm lại cho rằng, đây là nguồn hữu hạn, vì thế việc định nghĩa về vấn đề này còn nhiều ý kiến trái chiều nhau. Chính vì vậy, việc đánh giá vấn đề về Luật này còn gặp khó khăn…Đồng thời, thống nhất với quan điểm khi đã đưa vào lành mạnh hóa, thị trường hóa thì các khoản 2 Điều 19, khoản 2 Điều 20, khoản 2 Điều 21, vô hình trung mức độ tham gia còn hạn chế, đối tượng muốn tham gia vào lĩnh vực thì trường này, đề nghị Ban Soạn thảo xem xét lại các khoản nêu trên.

  Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 27
  • Hôm nay: 1011
  • Trong tuần: 25 278
  • Tất cả: 3058728