Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kết qủa thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành
Sáng ngày 30/5/2022, tiếp tục ngày làm việc thứ 6 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tổ chức truyền hình trực tiếp phiên thảo luận tại hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương.

Tại Phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Phát biểu thảo luận đóng góp vào kết quả giám sát, phần lớn các vị đại biểu Quốc hội đều đồng tình với dự thảo Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành do Đoàn giám sát nêu. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp huyện còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong tỉnh; việc chấp hành quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa nghiêm, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, lãng phí, kém hiệu quả vẫn còn xảy ra. 

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường ngày 30/5/2022 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Theo một số đại biểu, việc tổ chức kiểm tra, giám sát quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được phê duyệt chưa thường xuyên. Tình trạng sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Nội dung của quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thiếu thống nhất, tiêu chí phân loại đất khác nhau dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; chất lượng các quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa cao, thiếu đồng bộ, dự báo về nhu cầu sử dụng đất chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội và nhu cầu thị trường dẫn đến tình trạng thừa - thiếu cục bộ, mất cân đối cung - cầu sử dụng đất, nhiều địa phương có cơ hội thu hút đầu tư nhưng thiếu quỹ đất để phát triển; việc lấy ý kiến của các cá nhân, tổ chức cộng đồng dân cư vào nội dung quy hoạch còn mang tính hình thức; thời gian lấy ý kiến chưa bảo đảm theo quy định của pháp luật; việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại một số địa phương, không được nghiên cứu đồng bộ trong quy hoạch phân khu, dẫn tới quá tải về hạ tầng kỹ thuật đô thị đã được phê duyệt.

Đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách 

tỉnh Trà Vinh phát biểu tại Hội trường ngày 30/5/2022 

Tham gia ý kiến đóng góp tại phiên thảo luận, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ sự đồng tình thống nhất cao với những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong công tác quy hoạch được nêu tại Báo cáo 166 của Đoàn giám sát. Đại biểu tham gia một số nội dung về những bất cập và đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện công tác quy hoạch xây dựng và sự tham gia của cộng đồng dân cư trong quy hoạch đô thị.
Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến nay có 14 Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện (07 quy hoạch đã được phê duyệt); có 225 Quy hoạch xây dựng vùng huyện (110 quy hoạch đã được phê duyệt); có 4.270 quy hoạch xây dựng khu chức năng (3.713 quy hoạch đã được phê duyệt, quy hoạch điều chỉnh tổng thể 419, điều chỉnh cục bộ là 528). Công tác quy hoạch xây dựng đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, vẫn còn một số bất cập, cần được xử lý: 
Thứ nhất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành trước đây có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thu hút đầu tư và triển khai dự án theo quy hoạch xây dựng được duyệt. Thường xảy ra tình trạng điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch. Bên cạnh đó, việc xác định tầm nhìn quy hoạch chưa tốt, dự báo chưa đúng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ khi thực hiện. Sản phẩm quy hoạch thường bị lạc hậu trước những sự thay đổi liên tục và nhanh chóng của thực tiễn. Quá trình triển khai quản lý quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần và thiếu đồng bộ. 
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án do phát sinh những yếu tố thay đổi nhỏ so với quy hoạch được phê duyệt nhằm đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế nên phải tiến hành điều chỉnh cục bộ quy hoạch với quy trình đầy đủ phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ. Vốn đầu tư hạn hẹp, nên không triển khai thực hiện theo quy hoạch đã phê duyệt được, dẫn đến quy hoạch “treo” cần phải điều chỉnh quy hoạch. 
Luật Quy hoạch 2017 ban hành dẫn đến đồ án quy hoạch đô thị trở thành công cụ quản lý quy hoạch duy nhất ở cấp đô thị. Cần nghiên cứu đổi mới phương pháp, nội dung, quy trình lập quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành đáp ứng yêu cầu mới. Quy hoạch cần đổi mới phương pháp mang tính chiến lược hơn, hướng tới việc thực hiện, đảm bảo sự tham gia. Phân biệt đồ án quy hoạch để quản lý và đồ án quy hoạch để đầu tư sẽ hạn chế những quy hoạch treo do vấn đề vốn đầu tư. Cải tiến quy trình điều chỉnh quy hoạch để việc điều chỉnh diễn ra thuận lợi hơn minh bạch hơn, đồng thời tăng khả năng kiểm soát điều chỉnh cục bộ, đảm bảo tính thống nhất với tổng thể và bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Thứ hai, hiện đang có sự khác nhau về tên gọi và cách thể hiện của các loại đất đai giữa ngành Tài nguyên - Môi trường và ngành Xây dựng, từ đó gây nhiều khó khăn trong quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch. Như vậy, cần ban hành thông tư liên ngành Tài nguyên– Môi trường và Xây dựng để thống nhất phân loại đất đai. Song song đó, quy định về thiết kế đô thị rất cụ thể, chi tiết nhưng chỉ phù hợp khi triển khai trên quỹ đất sạch hoặc dự án đầu tư đồng bộ của chủ đầu tư, chưa thể triển khai rộng rãi ở một khu hoặc dự án đầu tư đồng bộ của chủ đầu tư, chưa thể triển khai rộng rãi ở một khu vực trong đô thị do phần lớn là đất dân cư. Nếu thực hiện thiết kế đô thị một khu vực tính khả thi không cao, do thẩm mỹ, kinh phí, nguồn lực để triển khai theo kịch bản thiết kế đô thị là không có, sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý. 
Thứ ba, hiện nay, tất cả đồ án quy hoạch đều phải tuân thủ và bảo đảm việc lấy ý kiến cộng đồng như một quy trình bắt buộc theo đúng quy định pháp luật. Thời gian qua, việc lấy ý kiến cộng đồng đã có một số ưu điểm, bước đầu đã có sự phối hợp của các bên liên quan giữa chính quyền địa phương, đơn vị tư vấn, cộng đồng, nhận thức của các cơ quan quản lý về vai trò và sự tham gia của cộng đồng đã được nâng cao, cộng đồng cũng thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong công tác thực hiện và quản lý quy hoạch đô thị. 
Tuy nhiên, trên thực tế, sự tham gia cộng đồng còn mang tính hình thức, hiệu quả còn thấp bởi một số vấn đề bất cập như: (i) Hệ thống văn bản pháp luật còn quy định chưa chặt chẽ về việc lấy ý kiến cộng đồng; chưa có tiêu chí lựa chọn các nhóm cộng đồng phù hợp với từng loại đồ án quy hoạch đô thị: các đồ án quy hoạch có mức độ ảnh hưởng khác nhau cần có sự khác nhau về sự tham gia cộng đồng. (ii) Trong quy định của pháp luật, cụm từ “cá nhân có liên quan” và “cộng đồng dân cư” chưa được giải thích rõ, điều này gây khó khăn trong vấn đề xác định đối tượng được lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng đô thị. (iii) Kinh phí cho hoạt động lấy ý kiến hạn chế. Hiện nay, quy định chi phí lấy ý kiến cộng đồng còn bất cập, không vượt quá 2% chi phí tổ chức lập quy hoạch là thấp. Chi phí thấp nên nhiều đồ án quy hoạch đô thị không đủ để lấy ý kiến cộng đồng hoặc chỉ đủ để làm ở mức độ tối thiểu dẫn đến tư vấn né tránh, thậm chí giấu vấn đề để thông qua cho nhanh và dễ hơn. 
Để nâng cao hiệu quả việc lấy ý kiến cộng đồng, bảo đảm sự tham gia cộng đồng trong lập quy hoạch đô thị, cần thiết phải xây dựng năng lực đồng bộ cho tất cả các bên liên quan, đặc biệt là năng lực quản lý của chính quyền đô thị. Bên cạnh đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình, trong thời gian tới, cần thực hiện theo các giải pháp cụ thể như sau:
Một là, hoàn thiện quy định pháp luật, cụ thể hóa các quy định về tổ chức thực hiện. Làm rõ cơ chế đại diện cộng đồng. Đại diện cộng đồng cần được nhìn nhận là những người có tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, được cộng đồng tín nhiệm và có thể đại diện cho tiếng nói của họ. Quy định rõ về quy trình thực hiện lấy ý kiến cộng đồng. Cách thức tổ chức lấy ý kiến phải bảo đảm phản ánh trung thực nguyện vọng người dân.Ý kiến cộng đồng phải được tổng hợp, đánh giá và phản hồi bằng văn bản. 
Hai là, bổ sung và hoàn thiện cơ chế tài chính. Bổ sung quy định về kinh phí cho việc lấy ý kiến cộng đồng. Trong quá trình thiết kế quy hoạch cần phải bố trí ngân sách phù hợp và đủ để tiến hành lấy ý kiến cộng đồng theo phương án dự kiến. Dự toán ngân sách bảo đảm phù hợp với quy mô, tính chất và yêu cầu chất lượng của từng loại quy hoạch đô thị.
Ba là, nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cộng đồng. Nhận thức, tinh thần, trách nhiệm công dân là điều kiện và cơ sở để bảo đảm sự tham gia cộng đồng đạt hiệu quả. Chính quyền địa phương cần tuyên truyền, phổ biến thông tin để cộng đồng hiểu rõ hơn trách nhiệm cũng như quyền lợi của mình, để họ cùng tham gia vào quá trình lập quy hoạch đô thị.
Bốn là, xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên liên quan để tham gia cộng đồng được thực thi hiệu quả. Trong quá trình lập quy hoạch đô thị thường có 4 chủ thể liên quan là Nhà nước, chủ đầu tư, tư vấn và cộng đồng cư dân. Việc quy định không rõ ràng trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi và quyền hạn của các bên liên quan có thể gây ra các hậu quả là sự tham gia cộng đồng sẽ không được thực hiện hiệu quả. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng quy chế phối hợp giữa các bên để tăng cường sự tham gia cộng đồng. 

                      Tin, ảnh: Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 1 553
  • Tất cả: 3084653