QUỐC HỘI THẢO LUẬN TRỰC TUYẾN VỀ DỰ KIẾN KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025
Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 30/10/2021, Quốc hội thảo luận trực tuyến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Tại phiên thảo luận đã có 31 đại biểu tham gia phát biểu trực tuyến, 03 đại biểu tranh luận. Qua đó, đa số ý kiến nhất trí với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 vì đã có đầy đủ cơ sở; tạo động lực tăng trưởng, áp dụng mô hình kinh tế phù hợp, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Việc có một kế hoạch tổng thể như Chính phủ trình là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay.  

Quang cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến đối với dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 buổi sáng ngày 30/10/2021 (Ảnh: quochoi.vn)

Tham gia phát biểu tại Phiên thảo luận, từ điểm cầu tỉnh Trà Vinh, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn cũng như nhiều đại biểu, cử tri cả nước đồng thuận và đánh giá cao nổ lực của chính phủ trong việc chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đạt được rất nhiều kết quả nổi bật và trước khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào tháng 4/2021, Việt Nam vẫn là 1 điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, được nhiều quốc gia khen ngợi.

ĐBQH hội Trần Quốc Tuấn tham gia phát biểu tại buổi thảo luận trực tuyến đối với dự kiến 
kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sáng ngày 30/10/2021

Theo đại biểu, kế thừa những thành quả đạt được, cùng với hiện thực hóa mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, trước tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; đặc biệt hơn vấn đề đại dịch Covid-19 được xem là trở lực vô cùng quan trọng và rất cần thiết để Chính phủ xây dựng và ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tiếp theo, giai đoạn 2021-2026. Một số ý kiến cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong cơ cấu lại DNNN; tiến độ xử lý các dự án thua lỗ của ngành công thương chậm và còn nhiều vướng mắc; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm so với Kế hoạch đặt ra, hiệu quả hoạt động của DNNN còn hạn chế chưa tương xứng quyền và lợi thế; đề nghị ưu tiên xử lý tồn đọng, vướng mắc về thể chế cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, tổng công ty; các tập đoàn lớn thua lỗ còn nhiều, ảnh hưởng đến nền phát triển kinh tế. 
Qua đó, đại biểu Trần Quốc Tuấn cũng đồng tình với 05 nhóm hạn chế yếu kém và các nguyên nhân được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Trong đó, có một nguyên nhân mà đại biểu rất quan tâm, đó là “Hệ thống pháp luật còn một số bất cập, chưa đồng bộ, chi phí tuân thủ cao, tính cạnh tranh thấp, việc tổ chức thực hiện pháp luật chưa hiệu quả”,… Và cũng theo Tờ trình của Chính phủ, “kết quả rà soát kiến nghị của 63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, những vướng mắc, khó khăn đầu tư sản xuất kinh doanh do các qui định pháp luật chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, có liên quan đến 79 Luật, 03 Nghị quyết của Quốc hội, 188 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng và 135 Thông tư thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ…”. Đại biểu cũng cho rằng, nguyên nhân này có phần chủ quan của các Bộ ngành Trung ương, trong việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội các văn bản Luật hoặc văn bản hướng dẫn thi hành Luật và chính sự chủ quan đó đã vô tình trói buộc các địa phương trong quá trình phát triển nên hạn chế này cần được khắc phục ngay trong “Kế hoạch cơ cấu lại nền  kinh tế giai đoạn 2021-2026”.
Đối với Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tiếp theo, giai đoạn 2021-2026. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm 03 nội dung sau: 
Một là, cần nâng cao chất lượng dự báo để có các kịch bản ứng phó phù hợp khi xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn tiếp theo, giai đoạn 2021-2026. Theo đại biểu, trước tình hình dịch Covid-19 ở các quốc gia trên thế giới vẫn còn diễn biến khá phức tạp với những biến thể mới, trong khi nước ta đến nay vẫn chưa chủ động được nguồn vắc xin ngừa Covid-19 và cũng chưa đạt đến tỷ lệ tiêm chủng để miễn dịch cộng đồng. Trong thời điểm này, chúng ta không nên quá chủ quan và càng không nên quá tự tin khi áp dụng các biện pháp “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Vì nếu không dự báo tốt, sẽ không thể đưa ra được các kịch bản ứng phó với từng cấp độ dịch một cách tốt nhất thì sẽ khó đạt mục tiêu đề ra trong Kế hoạch này.
Hai là, cần xây dựng những cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn lực từ bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế, trong bối cảnh nguồn lực đầu tư của nhà nước có giới hạn. Bởi, những cơ chế chính sách đột phá đó phải được xây dựng dựa trên tiềm năng, lợi thế để tạo đà dẫn dắt phát triển toàn diện những ngành, lĩnh vực hay phát triển địa phương, vùng miền, đặc biệt là tài nguyên về nắng, về gió để sản xuất năng lượng tái tạo là những loại tài nguyên vô hạn và có giá trị vô cùng lớn nếu chúng ta có cơ chế đột phá để thu hút đầu tư khai thác tối đa hiệu quả loại tài nguyên này phục vụ cho phát triển kinh tế.
Ba là, ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư nâng cao năng lực cho ngành y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở để thích nghi an toàn với dịch Covid-19. Phải nói rằng, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, đã dạy cho chúng ta nhiều bài học đắt giá và chỉ ra nhiều điểm hạn chế, yếu kém mà chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận để có hướng khắc phục và thích nghi phù hợp. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần ưu tiên phân bổ nguồn lực để đầu tư cho ngành y tế trong việc sản xuất sinh phẩm, vắc xin và trang thiết bị liên quan phục vụ điều trị Covid-19, thay vì hiện nay chúng ta phải nhập nhiều thứ cần thiết để phục vụ phòng và điều trị Covid-19 như các loại kit test nhanh, máy thở rồi đến vắc xin,… bên cạnh đó cũng cần quan tâm đầu tư mỗi địa phương có ít nhất 1 Bệnh viện tuyến tỉnh; 01 khoa phòng trong bệnh viện tuyến huyện có đủ trang thiết bị cần thiết, đủ năng lực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 ở cấp độ bệnh cao nhất. Có như thế mới có thể thích nghi an toàn với dịch Covid-19 vốn được xem, dự báo là loại dịch bệnh phổ biến và sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

                                                                       Trần Thị Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 1 562
  • Tất cả: 3084662