QUỐC HỘI THẢO LUẬN KẾ HOẠCH CƠ CẤU LẠI NỀN KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2021-2025; QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050 VÀ KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT 5 NĂM (2021 - 2025)
Chiều ngày 29/10/2021, tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đối với dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021- 2025). Tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh, dưới sự điều hành của ông Ngô Chí Cường, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH làm Tổ trưởng, chủ trì và gợi ý nội dung buổi thảo luận. Qua đó, có 03 đại biểu Quốc hội tham gia phát biểu.

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Ngô Chí Cường thống nhất sự cần thiết trình Quốc hội về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) quốc gia nhằm “Hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về đất đai, nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hiện đại hoá lĩnh vực địa chính, dịch vụ công về đất đai. Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, bền vững, hiệu quả, tiết kiệm trong sử dụng đất” đã được xác định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sử dụng và quản lý đất đai.

Đại biểu Quốc hội Ngô Chí Cường, UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH phát biểu thảo luận tại tổ về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) vào chiều ngày 29/10/2021

Bên cạnh những kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong Tờ trình của Chính phủ, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ kết quả thực hiện các chỉ tiêu đạt và chưa đạt; nêu rõ nguyên nhân những hạn chế, yếu kém trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai trong thời gian qua, vì hạn chế, bất cập nêu còn rất chung chung, chưa thể hiện, phân tích làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan để từ đó đề ra giải pháp thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sát thực, phù hợp hơn. Về không gian sử dụng đất tầm nhìn đến năm 2050, đối với Khu vực Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét, nghiên cứu bổ sung Quy hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển kinh tế biển, vành đai ven biển đối với một số tỉnh ven biển: Trà Vinh, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, … 
Về giải pháp thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu đề nghị đối với giải pháp kiểm tra, giám sát, cần phải có chế tài đủ mạnh để xử lý tình trạng lãng phí đất đai, đất được giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng; xử lý nghiêm các hành vi hoạt động gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất; đặc biệt là việc sử dụng sai mục đích đối với đất được giao, đất cho thuê. Đồng thời tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cần chú trọng thêm việc lấy ý kiến nhân dân trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất đã quy hoạch.
Về các chỉ tiêu sử dụng đất, đặc biệt về các chỉ tiêu đất trồng lúa, đến năm 2030 theo dự thảo khoảng 3.568,48 nghìn ha giảm 348,77 nghìn ha so với năm 2020, trong đó đất chuyên trồng lúa nước còn 3.000 ha giảm 174,77 ha, đại biểu rất đồng tình hướng đề xuất của Chính phủ trình Quốc hội cho phép chuyển đổi đất là rất phù hợp, rất sát với thực tiễn, có như thế thì mới giữ chân được người nông dân để làm nông nghiệp, đảm bảo trồng lúa, nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng như Đồng bằng sông Hồng.
Cùng tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga phát biểu xoay quanh một số nội dung về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2021- 2025. Đại biểu cũng cơ bản thống nhất như sự cần thiết ban hành kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025. Bởi cũng trong giai đoạn 2016- 2020, với chủ trương của Đảng, sự đồng hành và giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, kết quả cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016 -2020 theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Mặc dù, chỉ có 17/22 mục tiêu của kế hoạch đã được hoàn thành, kết quả thực hiện kế hoạch cũng đã góp phần quan trọng trong đổi mới mô hình và cải thiện được chất lượng tăng trưởng, củng cố được nền kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của giai đoạn 2016-2020 đạt 5,79% cao hơn mức 4,7% của giai đoạn 2011-2015. Hiệu quả sử dụng nguồn lực và sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng được cải thiện, lạm phát đã được kiểm soát, tỷ lệ nợ công và áp lực trả nợ hàng năm cũng giảm, nền tảng tài chính quốc gia được củng cố rõ rệt, hệ số tín nhiệm quốc gia cũng tăng.
Để góp phần mang lại hiệu quả cho kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025, đại biểuđề nghị trong quá trình thực hiện, Chính phủ cần đánh giá tác động kế hoạch lên các chính sách mà Chính phủ triển khai, kết quả đạt được về những hạn chế, bất cập khi triển khai trong thực tế, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đề xuất Chính phủ cũng cần nên có cụ thể rõ lộ trình, thời gian hoàn thành các mục tiêu xử lý trách nhiệm ra sao nếu không đạt được yêu cầu. 

Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hằng Nga tham gia phát biểu thảo luận tại tổ chiều ngày 29/10/2021 về cơ cấu lại nền kinh tế và quy hoạch sử dụng đất 2021-2025

Tiếp tục rà soát lại hệ thống hóa pháp luật, những văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập. Hiện nay, chưa đồng bộ để kịp thời trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm khắc phục những vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên số, ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ cần tăng cường phân cấp, phân quyền xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, tổ chức nhất, trách nhiệm của người đứng đầu và tăng cường thực hiện văn hóa từ chức. Trong quá trình thực hiện thường xuyên đánh giá, kiểm tra, giám sát, nhân rộng kết quả những nơi làm tốt hiệu quả, để áp dụng nhân rộng, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, địa phương. Tiếp tục thực hiện tốt các vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện kế hoạch, kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách của Nhà nước phải được tăng cường, đảm bảo vấn đề an toàn nợ công, giảm áp lực trả nợ của ngân sách nhà nước và bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. 
Ngoài ra, Chính phủ và các Bộ ngành cần phải có phương án dự phòng khi có tình huống bất ngờ xảy ra giống như tình hình dịch bệnh Covid - 19 trong thời gian qua, để có sự chủ động, sáng tạo và áp dụng giải pháp phù hợp, tránh bị động, lúng túng, xa rời mục tiêu khi phát sinh những tình huống bất ngờ nhằm giúp cho kế hoạch đạt hiệu quả cao nhất. Tiếp tục xác định rõ nguyên nhân chủ quan về những hạn chế, yếu kém của kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2016-2020 để rút ra bài học kinh nghiệm. Từ đó, có những giải pháp khả thi hơn nhằm giúp cho kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2021-2025 đạt yêu cầu đề ra.
Thể hiện quan điểm của mình đối với kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế của giai đoạn 2021- 2025, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, cho rằng kế hoạch này được xây dựng là rất cần thiết bởi một số lý do sau: (1) là để hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII đã đặt ra đối với nền kinh tế của nước ta giai đoạn từ đây đến năm 2025 và định hướng đến năm ngày 2030 và khát vọng vươn lên đến năm 2045; (2) để phù hợp với tình hình linh hoạt, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả sau đại dịch Covid – 19; (3) yếu tố rất quan trọng đó là sự phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam tham gia và ký kết các Hiệp định Thương mại tự do; (4) để kế thừa và phát huy những kết quả đã đạt được trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, đồng thời nhằm khắc phục được những hạn chế, yếu kém, bất cập tồn tại của giai đoạn này; (5) kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 là công cụ hữu hiệu để chúng ta có thể thúc đẩy cho việc triển khai Luật Quy hoạch sớm được hoàn thiện,…

ĐBQH Trần Quốc Tuấn tham gia thảo luận tại tổ

Đồng thời, để góp phần mang lại hiệu quả cho kế hoạch trong giai đoạn 2021- 2025, đại biểu đề xuất Chính phủ cần có đột phá về cơ chế, chính sách để khuyến khích nhiều hơn nữa, mạnh hơn nữa, nhằm phát huy tối đa nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và những chính sách đột phá đó phải dựa trên những tiềm năng, những lợi thế của từng địa phương. Đặc biệt, là xây dựng những cơ chế, chính sách để đạt được mục tiêu chúng ta đề ra trong kế hoạch này, cụ thể như ở Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng có rất nhiều lợi thế về nông sản, thủy sản, lúa gạo, năng lượng tái tạo điện gió, điện mặt trời nhưng Chính phủ chỉ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện nay vẫn còn rất nhiều hạn chế trong việc đầu tư để phát triển toàn diện vùng Đồng bằng sông Cửu Long… 
Nghiên cứu trong quá trình ban hành Kế hoạch này có những chỉ đạo để xây dựng những cơ chế, chính sách đột phá hay, tránh trường hợp dồn nguồn lực về cho một vài vùng miền. Quan tâm nhiều hơn trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp có một sức khỏe tốt hơn nữa, để có thể vượt các rào cản khó khăn trong giai đoạn tới đây sau đại dịch Covid-19; hệ thống pháp luật còn bất cập, chưa đồng bộ và chi phí tuân thủ cao, tính cạnh tranh thấp, việc tổ chức thực hiện pháp luật chưa hiệu quả; Chính phủ cần quan tâm xác định lại nhóm hàng hóa và thu thuế bảo vệ môi trường để có sự phân chia tỷ lệ và xác định nơi thu thuế, để phù hợp với các địa phương có nhà máy nhiệt điện và cân đối các nhiệm vụ chi để xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường; cần cân nhắc thận trọng đến các mục tiêu đề ra trong kế hoạch này. Bởi vì trước tình hình dịch Covid - 19 đã diễn ra, chúng ta thấy rõ nguồn lực của xã hội, nguồn lực của quốc gia đã bị tác động tiêu cực, do đó đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm khắc phục việc phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những đối tượng, những cá nhân, cơ quan, tổ chức sử dụng lãng phí nguồn ngân sách đất đai, tài sản của Nhà nước như đã xảy ra trong giai đoạn trước; đồng thời khắc phục sự yếu kém về trang thiết bị y tế cơ sở, nguồn lực khi dịch Covid - 19 xảy ra,… do đó, đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, đầu tư cho việc nghiên cứu sản xuất vắc xin nhằm đảm bảo được miễn dịch cộng đồng.

                                                       Trần Thị Thúy Oanh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 1246
  • Trong tuần: 25 513
  • Tất cả: 3058963