Thảo luận Tổ Dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 4 địa phương Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019 - 2020
Ngày 22/10/2021, Tổ đại biểu số 58 tiếp tục phiên thảo luận tại Tổ, đồng chí Ngô Chí Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Trà Vinh chủ trì và gợi ý nội dung buổi thảo luận. Sau khi nghe các Bộ ngành trình bày các Tờ trình và báo cáo thẩm tra đối với các nội dung như: dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho 4 địa phương gồm thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế; tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019 - 2020.

Tại 02 buổi thảo luận, có 05 lượt đại biểu phát biểu ý kiến, các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đều bày tỏ sự thống nhất cao với việc ban hành các Nghị quyết về cơ chế đặc thù đối với 4 địa phương gồm thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Thừa Thiên Huế; thống nhất với báo cáo về kết quả thực hiện cũng như các giải pháp về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 02 năm 2019 - 2020.

Ảnh ĐBQH Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận

Tham gia phát biểu thảo luận Tổ tại địa phương, Đại biểu Trần Quốc Tuấn bày tỏ quan điểm của mình, cơ bản đồng tình với các nội dung của dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù của thành phố Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Thừa Thiên Huế và thống nhất thông qua các nghị quyết này, bởi vì có cơ chế đặc thù sẽ tạo điều kiện tăng trưởng cho từng khu vực và đồng thời đảm bảo về cân đối tương đồng trong phát triển kinh tế của từng vùng, từng miền. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ cần nghiên cứu và quan tâm hơn nữa việc thí điểm cơ chế đặc thù mang tính chất đại diện vùng miền như: Tây Bắc, Tây Nam Bộ, riêng ở Tây Nam Bộ - vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu đề nghị đặc biệt quan tâm và áp dụng cơ chế đặc thù để thí điểm nhằm tạo động lực dẫn dắt nền kinh tế cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long phát triển, đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết 120 về phát triển toàn diện Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà Chính phủ đã ban hành. 
Đối với nội dung về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, đại biểu còn băn khăn một số vấn đề và đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm: chỉ đạo các bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đề ra các giải pháp chế tài hữu hiệu hơn để khắc phục ngay tình trạng chậm nộp trong đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động để bảo vệ quyền tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động cũng như các chính sách liên quan đến người lao động và quỹ bảo hiểm xã hội phải thu hồi được số tiền cao nhất; có những giải pháp hài hòa ba lợi ích, có giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, vừa tháo gỡ cho doanh nghiệp nhưng không làm ảnh hưởng đến Quỹ bảo hiểm xã hội chung của Việt Nam, đồng thời cũng không làm thiệt hại cho người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội; có giải pháp hữu hiệu trong việc kiểm tra, giám sát để tránh trường hợp trong tình hình khó khăn hiện nay, nhiều đối tượng xấu, trong đó không loại trừ một số doanh nghiệp không tốt họ cấu kết với nhau có thể lập khống hoặc làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và trục lợi như đã từng xảy ra trong năm 2019 và năm 2020; dự báo kỹ hơn và sát hơn với tình hình thực tế hiện nay để chủ động trong việc tư vấn chi trả cho người lao động có đóng bảo hiểm xã hội vì thời điểm này có rất nhiều người muốn hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần, do đời sống của họ bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid - 19,…

 

Ảnh ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga phát biểu thảo luận

Tham gia phát biểu tại phiên họp tổ, Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga bày tỏ quan điểm nhất trí với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vì xét thấy việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển các tỉnh, thành phố nhằm đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất trong việc thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 26. Qua đó, đại biểu đề xuất Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục quan tâm: cân nhắc tính hợp lý của việc xuất ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương vì có thể dẫn đến lập dự toán thấp hoặc không sát với thực tế, để được hưởng số tăng thu, vấn đề này cũng cần nên quan tâm trong thời gian tới; cần lưu ý việc chuyển đổi trong cơ chế quản lý đất đai phải đảm bảo với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt nhằm mang lại hiệu quả thiết thực không ảnh hưởng đến vấn đề về môi trường, vấn đề phát triển bền vững, ổn định đời sống của người dân và đảm bảo vấn đề công khai, minh bạch, tránh tiêu cực, thất thoát trong thực hiện cơ chế chính sách quản lý đất đai; quan tâm đối với các vùng miền mang lại tính toàn diện hơn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và của quốc gia nói chung. 
Đối với vấn đề quản lý đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội, đại biểu đề xuất Chính phủ  tiếp tục quan tâm nghiên cứu giao cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các đề án để nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các luật khác có liên quan theo tinh thần Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, của Trung ương; có giải pháp đồng bộ quyết liệt hơn trong việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội để tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp; giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần; tiếp tục tăng cường các hoạt động giám sát vấn đề về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý dữ liệu khoa học để tích hợp đầy đủ liên thông dữ liệu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giữa các cơ quan liên quan; có giải pháp mạnh hơn, nhất là trong chương trình phối hợp giữa ngành bảo hiểm xã hội với các bộ, ngành có liên quan và các địa phương thực hiện tốt vấn đề bảo hiểm xã hội, hạn chế vấn đề lạm dụng trục lợi quỹ,… 

            Ảnh ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận

Đại biểu Thạch Phước Bình bày tỏ quan điểm đối với các nội dung thảo luận tổ đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người dân, đại biểu đánh giá cao vấn đề này. Đồng thời, đại biểu đề xuất Chính phủ quan tâm quy định cụ thể loại hợp đồng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội nói chung và đặc biệt là bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các nhóm như chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã; quy định xử lý nợ đối với đơn vị phá sản, rút giấy phép kinh doanh hoặc trường hợp chủ bỏ trốn còn nợ, nhưng không còn khả năng trả nợ để đảm bảo quyền lợi cho người lao động; giao dự toán để thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2022 trở đi, tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của bộ máy cũng như chính sách cải cách tiền lương của Trung ương; công khai thông tin về tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội của các tổ chức, cá nhân theo kết luận thanh tra, kiểm tra trên các phương tiện thông tin đại chúng. 
Đối với lĩnh vực bảo hiểm y tế, đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiểm tra lại việc triển khai vì hiệu quả rất thấp, do đó, thời gian tới cần quản lý chặt hơn nội dung này, hiện nay hệ thống y tế quản lý còn phân tán nên việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế có lúc nó cũng chưa rõ. Đồng thời, với quy định về đấu thầu thuốc cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi danh mục đấu thầu tập trung thuốc quốc gia và có chế tài xử phạt khi cơ sở y tế không ký kết hợp đồng mua thuốc hoặc không thực hiện đúng cam kết về số lượng đã đề xuất, đối với thuốc biệt dược gốc, thuốc độc quyền cần nghiên cứu thực hiện đàm phán giá nhằm đem lại hiệu quả kinh tế và tiết kiệm thời gian so với việc tổ chức đấu thầu. Đề nghị trình Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm xác định mức giá trần của một số loại thuốc để tạo điều kiện cho cơ sở y tế mua sắm với các công ty cung ứng thuốc đảm bảo không cao hơn mức trần nhằm khắc phục những hạn chế trong vấn đề đấu thầu thuốc trong thời gian qua, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, ban hành bổ sung các văn bản hướng dẫn về chính sách xã hội hóa trang thiết bị y tế,... 

                                                                                     Tin: M. Triều; Ảnh: H. Phúc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 164
  • Trong tuần: 1 708
  • Tất cả: 3084616