XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GẮN AN TOÀN DỊCH BỆNH TRONG ĐIỀU KIỆN BÌNH THƯỜNG MỚI
Sáng ngày 27/7/2021, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  giai đoạn 2021-2025.  Trang thông tin điện tử Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh Trà Vinh trân trọng giới thiệu bài phát biểu thảo luận của đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh tại phiên họp về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới. 

Quang cảnh thảo luận về đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới  giai đoạn 2021-2025 tại phiên họp toàn thể tại Hội trường Diên Hồng ngày 27/7/2021 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp, thưa Quốc hội,
Tôi cơ bản thống nhất với nội dung Tờ trình của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Phải nói rằng, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ và đã đạt được những kết quả rất đáng trân trọng, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Tôi rất ấn tượng với những kết quả nổi bật như thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn mới năm 2020 đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, gấp 1,7 lần so với năm 2015 và gấp 3,25 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2020 còn khoảng 7,1%, giảm 4,7% so với năm 2016. Chương trình này đã góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, hệ thống cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội ngày càng được hoàn thiện, sản xuất nông nghiệp được tăng trưởng ổn định, đã hình thành được nhiều vùng nông nghiệp chuyên canh, phát huy được lợi thế của mỗi địa phương, mỗi vùng, miền.

Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn phát biểu thảo luận về đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại phiên họp toàn thể tại  Hội trường Diên Hồng ngày 27/7/2021 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Kính thưa Quốc hội, đạt được những kết quả nêu trên là do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là sự hưởng ứng, đồng tình, tích cực tham gia của người dân, là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công chung của chương trình này. Để tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, tôi cơ bản nhất trí với nội dung Tờ trình của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021-2025. Tuy nhiên, để chương trình này được khởi động hiệu quả và đảm bảo tính bền vững thực chất, tôi trân trọng đề nghị Chính phủ quan tâm thêm 2 nội dung trọng tâm sau đây:
Một là, ngoài quyết tâm ưu tiên phòng chống dịch COVID-19, khẩn trương tìm nguồn để tiêm vaccine đại trà cho người dân tiến đến miễn dịch cộng đồng để ổn định kinh tế - xã hội, thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ cần chỉ đạo khẩn cấp việc rà soát và dự báo về những tác động của đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng tiêu cực đến khu vực nông thôn nói riêng và cả nước nói chung, nhất là những tác động ảnh hưởng đến các đối tượng là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, người lao động mất việc làm, người có công, người nghèo, người có thu nhập thấp, v.v.. Đề ra những cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc bằng những phương án cụ thể và chúng ta không loại trừ khả năng chúng ta có thể nghiên cứu thêm gói hỗ trợ bổ sung tiếp theo. Bởi lẽ, những đối tượng này đều là những chủ thể cấu thành tiêu chí nông thôn mới, họ sẽ quyết định cho việc thành công hay không thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo nên rất cần được quan tâm.
Hai là, Chính phủ cần kiên định giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng các kịch bản phục hồi kinh tế, phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh mới, tiến đến năm 2021 và giai đoạn 2022-2025, đặc biệt quan tâm đến chỉ số lạm phát vì trong tháng 5 và tháng 6 năm 2021 theo Báo cáo của Chính phủ thì nguồn cung hàng hóa dồi dào, trong khi nhu cầu thị trường giảm do giãn cách xã hội, nhưng chỉ số lạm phát lại tăng. Đây là một yếu tố bất thường trong một nền kinh tế bình thường. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến việc chỉ đạo, kết nối quyết liệt hơn nữa, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ từ nay đến cuối năm và trong suốt thời gian khi dịch bệnh chưa kết thúc, vì thời điểm hiện nay lúa gạo, trái cây, thủy sản, gia súc, gia cầm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung đang đến thời điểm thu hoạch, nhưng không thể tiêu thụ được, vì thế ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân và doanh nghiệp, cũng ảnh hưởng trực tiếp đến Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của chúng ta.
Song song đó, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, trong đó có các công trình sử dụng vốn đầu tư công để xây dựng nông thôn mới. Chúng ta cần tận dụng khai thác, phát triển kinh tế ổn định sau đại dịch, tận dụng cơ hội vàng cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào những thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Chúng ta hoàn toàn có thể làm được việc này bằng cách áp dụng phương pháp 3 tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ và làm việc tại chỗ, đi kèm với việc ưu tiên tiêm vaccine cho các lao động làm việc tại các công trình, dự án có vốn đầu tư công. Khi đó việc giải ngân có thể không ảnh hưởng nhiều đến đại dịch COVID-19. Làm được như vậy, nền kinh tế Việt Nam sẽ không bị đứt gãy và không bị lỡ nhịp so với các nền kinh tế trên thế giới sau đại dịch. Khi ấy, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 mới có thể thành công như mục tiêu đề ra. Xin cảm ơn Quốc hội.

Thạch Phước Tiến 

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 7
  • Hôm nay: 157
  • Trong tuần: 1 701
  • Tất cả: 3084609