Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đóng góp dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính;Luật cư trú (sửa đổi) và Luật người lao động việt nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi)
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào các dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ngày 11/9/2020, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi) và Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Dự và chủ trì hội nghị gồm có các vị ĐBQH: ông Thạch Phước Bình, ông Hứa Văn Nghĩa, bà Trần Thị Huyền Trân, bà Tăng Thị Ngọc Mai; cùng dự có lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh, HĐND-UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Ông Thạch Phước Bình - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách 
Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại Hội nghị tổ chức tại Sở Tài nguyên và Môi trường

Tại hội nghị, ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã nêu khái quát một số nội dung của 04 dự thảo Luật, cụ thể: dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có 16 chương 179 điều quy định về hoạt động bảo vệ môi trường; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi về phạm vi điều chỉnh, thẩm quyền xử phạt, giao quyền xử phạt, lập biên bản vi phạm hành chính, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính...; Luật Cư trú (sửa đổi) có 07 chương 39 điều quy định quyền tự do cư trú của công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, việc đăng ký, quản lý cư trú; quyền, trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức về đăng ký, quản lý cư trú; Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có 08 chương với 76 điều quy định về quyền, nghĩa vụ và và trách nhiệm của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho người lao động, Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước, chính sách đối với người lao động, quản lý nhà nước, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời gợi ý một số vấn đề để các đại biểu dự họp thảo luận và đóng góp ý kiến .
Qua đó, các ngành đã trực tiếp phát biểu đóng góp 23 ý kiến vào các dự thảo luật. Đối với Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), các ngành quan tâm một số vấn đề như: các hành vi bị nghiêm cấm; về kiểm toán môi trường; về bảo vệ môi trường không khí; về quản lý tro xỉ nhiệt điện than; về sức khỏe môi trường; về chất thải xây dựng phát sinh; về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; về trình độ của cán bộ thực hiện ĐTM,... Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các ngành quan tâm một số vấn đề như: việc mở rộng đối tượng bị xử phạt là hộ gia đình, cộng đồng dân cư; về quy định thời gian lập biên bản xử phạt trong vòng 24 giờ; về tăng mức tiền phạt vi phạm hành chính; về ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm;...

 

Ông Thạch Phước Bình - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách 
Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại Hội nghị đóng góp Luật Cư trú và Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng  

Quan tâm đến Luật Cư trú (sửa đổi), các ngành cho rằng việc xây dựng và ban hành Luật Cư trú sửa đổi lần này là cần thiết để đảm bảo tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, giấy tờ công dân liên quan đến công tác đăng ký, quản lý cư trú, đáp ứng yêu cầu ứng dụng Khoa học công nghệ tiên tiến trong công tác quản lý cư trú. Tuy nhiên, cần làm rõ thêm một số ý về việc quy định về chủ hộ; về các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú; về trách nhiệm của cơ quan đăng ký, quản lý cư trú;... Đối với Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các ngành bày tỏ quan điểm việc sửa đổi Luật là cần thiết để thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp 2013, đảm bảo quyền con người, quyền lao động của công dân, đáp ứng yêu cầu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội và nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác xuất khẩu lao động. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vừa giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao chất lượng, giá trị sức lao động, vừa đóng góp nguồn thu của các địa phương cũng như đất nước. Các ngành cũng góp ý vào nhiều nội dung như phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự luật; vấn đề trách nhiệm bảo hộ, hỗ trợ người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; thời hạn của giấy phép xuất khẩu lao động; về Quỹ hỗ trợ người lao động ở nước ngoài;…
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh,  Ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao sự tích cực đóng góp của sở, ngành vào các dự thảo luật, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời chỉ đạo Văn phòng Đoàn tổng hợp trình lãnh đạo Đoàn gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.


Tin, ảnh: Hữu Phúc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 23
  • Trong tuần: 1 344
  • Tất cả: 3085432