Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh giám sát công tác quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015 - 2019
Ngày 09/9/2020, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh do ông Thạch Phước Bình - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Cầu Ngang, UBND thành phố Trà Vinh và Sở Xây dựng về công tác quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2015 - 2019. Tham gia thành viên Đoàn giám sát có ĐBQH Trần Thị Huyền Trân, Tăng Thị Ngọc Mai và đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Sở Xây dựng và Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Ông Thạch Phước Bình – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách
Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại buổi làm việc với UBND huyện Cầu Ngang

Tại buổi làm việc với UBND huyện Cầu Ngang, Đoàn giám sát đã nghe UBND huyện báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn huyện, cụ thể theo Đề án hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngà 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ là 1.060 hộ (trong đó xây mới 741 căn và sửa chữa 319 căn); về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ là 1.046/1.950 căn với tổng kinh phí đã phân bổ và giải ngân là 26,150 tỷ đồng. Đồng thời, giai đoạn 2015 – 2019, huyện đã triển khai xây dựng được 40 căn nhà với tổng kinh phí 02 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các hộ gia đình chính sách có nhà ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất, từng bước cải thiện đời sống,... Về thực hiện công tác cấp giấy phép xây dựng cho toàn huyện giai đoạn 2015 – 2019 tổng số là 90 hồ sơ; cấp sở hữu nhà gắn liền với tài sản trên đất là 86 hồ sơ.
Làm việc với UBND thành phố Trà Vinh, giai đoạn 2015 - 2019, toàn thành phố có 25.094 căn nhà ở, với tổng diện tích sàn xây dựng 3.393.077,12 m2; cấp phép xây dựng nhà ở 2.364 hồ sơ, hoàn công 644 hồ sơ nhà ở; xác nhận thông tin quy hoạch về nhà ở cho 1.551 hồ sơ theo yêu cầu của công dân. Về công tác thanh tra, kiểm tra, UBND thành phố kết hợp với các ngành chức năng tỉnh và UBND phường, xã kiểm tra 1.342 trường hợp xây dựng công trình nhà ở, có 1.163 trường hợp xây dựng nhà ở có phép, phát hiện 162 trường hợp xây dựng không phép, UBND thành phố đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 314.250.000 đồng, đồng thời buộc chủ đầu tư thực hiện các thủ tục xin phép xây dựng đúng theo quy định.
Báo cáo tại buổi làm việc với Đoàn giám sát, bà Tăng Thị Đẹp - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh cho biết việc thực hiện hỗ trợ nhà ở cho đối tượng người có công với cách mạng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 1 năm 2013 là 2.318 hộ (xây mới 1.784 căn, sửa chữa 534 căn, còn lại 95 căn), giai đoạn 2 năm 2018 là 7.772 hộ (xây mới 5.422 căn, sửa chữa 2.350 căn); về thực hiện hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo khu vực nông thôn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ đến nay được 5.809/11.417 căn; tổng kinh phí đã phân bổ và giải ngân là 145,100/285,425 tỷ đồng, đạt 50,8% kế hoạch của đề án.

Ông Thạch Phước Bình – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách
Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại buổi làm việc với UBND thành phố Trà Vinh và Sở Xây dựng

Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của các địa phương và Sở Xây dựng cũng cho biết trong quá trình triển khai thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở còn gặp phải một số vướng mắc như: có một số trường hợp cán bộ, công chức hết tiêu chuẩn sử dụng nhà công vụ nhưng không bàn giao nhà về Sở Xây dựng quản lý (theo quy định cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý người thuê nhà công vụ thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà công vụ biết khi người thuê hết tiêu chuẩn được thuê nhà công vụ); tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, các cơ quan có liên quan chưa phối hợp thực hiện nội dung này; có một số trường hợp nhà công vụ đã được bàn giao về Sở Xây dựng nhưng người sử dụng nhà công vụ còn chưa thanh toán tiền điện, nước (do thời điểm bàn giao không có hóa đơn chứng từ điện, nước để thu trực tiếp người sử dụng nhà công vụ); có trường hợp nhà ở thuộc sở hữu nhà nước không ký hợp đồng thuê nhà, do người đang trực tiếp sử dụng căn nhà có khiếu nại, xin lại nhà từ nhiều năm do hoàn cảnh gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn và họ đã ở trong các căn nhà này từ trước năm 1975 đến nay; các dự án phát triển nhà ở triển khai thực hiện tương đối chậm so với chủ trương được phê duyệt, nguồn vốn để hỗ trợ cho nhà đầu tư và cá nhân mua nhà ở còn hạn chế; việc phát triển nhà ở xã hội tại địa phương gặp nhiều khó khăn vì một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tuy nhiên, ngân sách địa phương còn hạn chế nên tỉnh chưa xây dựng được chính sách ưu đãi để thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, việc xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh chưa được triển khai do ngân sách địa phương hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư cho các mục đích khác như cải thiện hệ thống giao thông, cấp, thoát nước, đầu tư cho giáo dục, y tế của tỉnh là rất lớn; nhiều đối tượng trong danh sách nền không nhận hỗ trợ vay ưu đãi theo Đề án, do còn trông chờ các chính sách hỗ trợ “cho không” như: nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà từ quỹ an sinh xã hội,…hoặc lo không có khả năng trả vốn và lãi theo quy định nên việc triển khai thực hiện của Ban Chỉ đạo cấp xã còn chậm và chưa đạt theo kế hoạch Đề án.
Cùng với đó, đại diện các đơn vị được giám sát đưa ra một số kiến nghị với trung ương và địa phương như: quy định cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cụ thể trong Luật, Nghị định để địa phương có cơ sở thực hiện nhằm đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đáp ứng nhu cầu về nhà ở của người thu nhập thấp trong huyện; Trung ương cần xem xét tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tăng mức vay để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà đảm bảo “3 cứng” theo quy định; quan tâm kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn huyện vì hiện nay nhu cầu về nhà ở của cán bộ công chức, giáo viên, công nhân lao động và người dân rất lớn, nhưng thu nhập lại thấp, không có đủ tiền để mua đất, xây nhà; xây dựng hoàn thành hệ thông cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở, quản lý, vận hành, khai thác và cung cấp cơ sở dự liệu, thông tin về nhà ở; mở các lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho các phòng ban chuyên môn về công tác quản lý và phát triển nhà ở theo quy định của pháp luật, nhất là lĩnh vực quản lý nhà chung cư, nghiệp vụ thanh, kiểm tra, đánh giá chất lượng nhà ở, công trình, công tác quản lý các dự án nhà ở đã và đang triên khai đầu tư trên địa bàn thành phố; Công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nhà ở, hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực nhà ở trong thời gian tới.
Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước về nhà ở đạt hiệu quả, ông Thạch Phước Bình đề nghị địa phương, đơn vị cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung như: xây dựng chương trình quản lý nhà ở theo theo Luật Nhà ở và các quy định có liên quan; tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ hơn công tác nhà ở trên địa bàn; đồng thời Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với các ngành tỉnh có liên quan tổ chức công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thực hiện quản lý nhà nước về nhà ở; cùng với đó kịp thời bố trí cơ sở vật chất, trang thiết bị có liên quan và phần mềm quản lý về nhà ở để dễ dàng trong công tác quản lý. Tập trung rà soát những văn bản có liên quan trong thực hiện còn khó khăn để đề xuất kiến nghị sửa đổi phù hợp trong thời gian tới.

Tin, ảnh: Hữu Phúc  

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 170
  • Trong tuần: 1 714
  • Tất cả: 3084622