CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KT- XH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021 – 2030: CẦN ĐẢM BẢO NGUỒN LỰC THỰC HIỆN
Chiều ngày 12/6/2020, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại Hội trường ngày 12/6/2020 (Nguồn: media.quochoi.vn)

Phát biểu tại buổi thảo luận, hầu hết các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết phải có một Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đây là vùng trũng về kinh tế-xã hội của đất nước, kéo dài trong rất nhiều năm chậm được khắc phục. Việc ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng trong cả nước.
Nhiều ý kiến cơ bản thống nhất với phạm vi, đối tượng và địa bàn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, hiện nay Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đang có hiệu lực, vì vậy nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá để có sự chỉ đạo phù hợp, tránh sự chồng chéo, trùng lắp về đối tượng, địa bàn khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các đại biểu cũng cho rằng, các dự án thành phần đã được thiết kế tương đối rõ, tuy nhiên còn có quá nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, dàn trải, chưa có sự ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm. Chính phủ cần chú trọng đáp ứng được mục tiêu trên, theo đó tập trung phát triển kinh tế, tạo sinh kế, tăng gấp đôi thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý tính toán phương án đầu tư, hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, địa bàn cụ thể, tránh cào bằng. Có các cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc bố trí nguồn lực Chương trình cần thể hiện rõ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, có cơ chế cụ thể trong việc xã hội hóa huy động nguồn vốn trong nhân dân và các tổ chức xã hội để đầu tư phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nguồn lực của nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư những nội dung trọng điểm, mang tính đột phá. Chính phủ rà soát lại vì khả năng cân đối vốn đầu tư công liệu có đảm bảo tính khả thi trong việc bố trí vốn.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình phát biểu ý kiến (Nguồn: media.quochoi.vn)

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh băn khoăn liệu có bảo đảm để hiện thực hóa mục tiêu mà Chương trình đề ra hay không ? Bởi vì trong những năm qua, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư và đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, theo ông, đây vẫn là “vùng 5 nhất”: khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Để xóa bỏ được “5 nhất” đòi hỏi cần có chính sách đầu tư thỏa đáng đối với vùng đặc thù này. Đại biểu Bình đề nghị Chính phủ cần làm rõ việc giảm nguồn vốn liệu có bảo đảm thực hiện được yêu cầu Nghị quyết số 88 của Quốc hội, cũng như hiện thực hóa được các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra hay không ? 
Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết thêm, thời gian qua, không ít chính sách dân tộc dù rất hay, rất nhân văn, nhưng sau nhiều năm đồng bào vẫn mỏi mòn chờ đợi vì chính sách bị “treo” do thiếu nguồn lực thực hiện. Tình trạng cấp vốn thấp, cấp chậm, thậm chí, có chính sách sau 2 năm ban hành nhưng chưa được bố trí kinh phí để triển khai thực hiện vẫn còn diễn ra. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thực hiện chính sách dân tộc và niềm tin của người dân. Do đó, ngoài nguồn vốn từ ngân sách, rất cần cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực xã hội khác (vốn ODA, vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn viện trợ từ các đối tác phát triển, các nhà tài trợ quốc tế để thực hiện các mục tiêu của Chương trình). 
Mặt khác, theo đại biểu Thạch Phước Bình, thực tế cũng cho thấy đã có rất nhiều chương trình dành cho vùng dân tộc thiểu số, nhưng đến nay số xã, thôn bản khó khăn vẫn chưa giảm được bao nhiêu. Theo đó, để Chương trình đạt mục tiêu đề ra, bên cạnh việc tập trung vào các dự án cấp thiết, có sức lan tỏa, ảnh hưởng cao; cần đầu tư cho những dự án có tác động để cả vùng đi lên, thay vì đầu tư trực tiếp, dàn trải vào các hộ. Ông đề nghị Chính phủ cần tính toán đến việc tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm khi thực hiện Chương trình bởi vì nhu cầu vốn đầu tư cho Chương trình là rất lớn, trong khi khả năng cân đối ngân sách nhà nước trước mắt chưa thể đáp ứng. Chính vì vậy, khi thiết kế dự án khả thi của chương trình, thay vì thực hiện tất cả các dự án cùng lúc, nên sắp xếp thực hiện theo thứ tự ưu tiên như đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng thật sự cần thiết, cấp bách và chưa được đầu tư hoặc đang đầu tư dở dang; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt đảm bảo đời sống của đồng bào một cách bền vững. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị Chính phủ cũng lưu ý cần quan tâm đến những tiêu chí như: trình độ phát triển, khả năng hấp thụ chính sách của mỗi nhóm dân tộc. Không thể áp dụng một cách làm chung cho các nhóm dân tộc có sự phát triển không giống nhau. Bởi vì việc bố trí nguồn vốn, thiết kế dự án cần tính đến những thay đổi từng ngày của thực tế, trong khi chương trình có thời gian thực hiện lên tới 10 năm.

Hữu Phúc
Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 6
  • Hôm nay: 33
  • Trong tuần: 1 571
  • Tất cả: 3084671