ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH TRÀ VINH THAM GIA GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI); LUẬT THỎA THUẬN QUỐC TẾ VÀ LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, sáng ngày 10/6/2020, thảo luận tại Tổ 12 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Trà Vinh, Kiên Giang, Đắc Nông và Quảng Bình. Thảo luận dưới sự chủ trì của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị.

Toàn cảnh phiên họp Tổ số 12 sáng ngày 10/6/2020

Cho ý kiến về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các đại biểu cho rằng: Việc sửa đổi Luật là cần thiết để thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của Hiến pháp 2013, đảm bảo quyền con người, quyền lao động của công dân, đáp ứng yêu cầu, chiến lược phát triển kinh tế xã hội và nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác xuất khẩu lao động. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần tạo ra khuôn khổ pháp lý phù hợp để thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vừa giải quyết nhu cầu việc làm, nâng cao chất lượng, giá trị sức lao động, vừa đóng góp nguồn thu của các địa phương cũng như đất nước. Các đại biểu cũng góp ý vào nhiều nội dung như phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự luật; vấn đề trách nhiệm bảo hộ, hỗ trợ người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài; thời hạn của giấy phép xuất khẩu lao động; về Quỹ hỗ trợ người lao động ở nước ngoài…Quan tâm đến dự thảo luật này, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị cần quy định rõ ngành nghề này là ngành nghể kinh doanh có điều kiện, có thể gắn với quyền hạn và trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện dịch vụ này thay vì các doanh nghiệp; cần nêu rõ hơn trách nhiệm của các doanh nghiệp, đơn vị đưa đi làm việc ở nước ngoài;...
Về dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Bình cho rằng: về phân cấp thẩm quyền đến cấp xã là rất khó thực hiện, ông đề nghị nên chăng chỉ phân cấp thẩm quyền đến cấp tỉnh là hợp lý. Bên cạnh đó, Luật cần quy định các danh mục các thỏa thuận để dễ dàng và thuận tiện hơn cho việc phân cấp. 

 

Ông Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách         

               Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ sáng ngày 10/6/2020

Tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Thạch Phước Bình, cho rằng: mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính chưa thực sự hợp lý, dễ dẫn đến tình trạng khi chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong trường hợp có tình tiết tăng nặng thì mức xử phạt tiền sẽ tăng lên mức tối đa của khung tiền phạt. Đồng thời cũng dễ dẫn đến tình trạng “tùy nghi” trong xác định mức xử phạt tiền, không đảm bảo bình đẳng giữa các chủ thể khi bị xử phạt vi phạm hành chính. Đối với quy định về hành vi vi phạm hành chính mức xử phạt tiền thấp (tương ứng với những hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội ở mức độ ít nghiêm trọng - mức độ thấp), không cần có hướng dẫn cụ thể mà để chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi để xác định mức phạt tiền cụ thể cho phù hợp, theo đại biểu Bình, quan điểm này chưa phù hợp, bởi vì: (1) thu nhập của mỗi người không giống nhau, do đó quan niệm xác định một mức tiền cụ thể là cao hay thấp thật sự không phù hợp vì với người lao động có thu nhập cao thì mức tiền được xem là cao có thể khác với người lao động có thu nhập thấp, cho nên áp đặt một mức tiền được xem là “tương đối nhỏ” để cho rằng bất kỳ chủ thể vi phạm hành chính nào cũng có thể đáp ứng là sự áp đặt chủ quan, thiếu cơ sở; (2) hiện nay, có nhiều nghị định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành, làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ thể đã thực hiện hành vi vi phạm, trong đó xác định khung xử phạt tiền cũng rất khác nhau khi dựa vào khách thể bị xâm hại, tính chất, mức độ của hành vi vi phạm; (3) khi không có hướng dẫn chi tiết để thực hiện Điều 23 mà để chủ thể có thẩm quyền căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi để xác định mức tăng lên, giảm xuống cho phù hợp thì dễ phụ thuộc vào năng lực, trình độ và cảm tính chủ quan của chủ thể có thẩm quyền. Theo quy định của Luật năm 2013, có nhiều chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, trong đó về trình độ, năng lực của các chủ thể không giống nhau nên không hướng dẫn chi tiết mà để các chủ thể căn cứ vào mức độ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi để xác định mức tăng lên, giảm xuống khi xử phạt dễ dẫn đến cảm tính chủ quan, không công bằng. Vì vậy, đại biểu Bình đề nghị trong trường hợp này quy định mức phạt tiền cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính cần được quy định chi tiết trong luật hoặc ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trong nghị định để áp dụng chính xác, khách quan, công bằng và đúng mục đích. Đồng thời, về quy định đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, ông cho rằng quy định như vậy là quá rõ, tuy nhiên sẽ khó thực hiện vì có khả năng về lâu dài sẽ có đổi tên các cơ quan.

Tin & ảnh: Hữu Phúc

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 11
  • Hôm nay: 507
  • Trong tuần: 24 774
  • Tất cả: 3058224