Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế - nội dung, sự cần thiết gia nhập và một số biện pháp triển khai có hiệu quả Công ước ở nước ta
Tiêu chuẩn lao động quốc tế là những tiêu chuẩn lao động được quốc tế công nhận, được ban hành dưới hình thức các Công ước và Khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) do chính các quốc gia thành viên ILO bao gồm các đối tác ba bên là chính phủ, tổ chức đại diện của giới chủ và tổ chức đại diện của người lao động tham gia xây dựng tại Hội nghị ILO (ILC) thường niên tại Geneve, Thụy Sĩ. Trong tổng số 189 tiêu chuẩn lao động của ILO, có 8 Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế cơ bản/cốt lõi bắt buộc các nước với tư cách là thành viên của ILO phải thực hiện. Trong số 8 Công ước này, tính đến nay Việt Nam đã phê chuẩn 06 Công ước. 02 Công ước còn lại là Công ước số 87 và 105 đang được Chính phủ nghiên cứu, xem xét để có thể phê chuẩn trong thời gian sớm nhất trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tại Kỳ họp thứ 9 (từ ngày 20/5/2020 đến ngày 18/6/2020), Quốc hội Việt Nam đã tiến hành thảo luận, xem xét phê duyệt Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức.

Công nhân lao động (Nguồn: danviet.vn và kinhtevadubao.vn)


Những vấn đề chung

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 08 tiêu chuẩn lao động cốt lõi của ILO được thông qua dưới dạng 8 Công ước cơ bản của ILO, bao gồm: (1) Công ước số 87 về tự do hiệp hội  và việc bảo vệ quyền được tổ chức; (2) Công ước số 98 về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; (3) Công ước số 100 về trả công bình đẳng giữa lao động nam và nữ cho một công việc có giá trị ngang nhau; (4) Công ước số 111 về chống phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp; (5) Công ước số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc; (6) Công ước số 182 về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất; (7) Công ước số 29 về lao động cưỡng bức và bắt buộc; (8) Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Trong số 8 Công ước này, tính đến nay Việt Nam đã phê chuẩn 06 Công ước. 02 Công ước còn lại là Công ước số 87 và 105 đang được Chính phủ nghiên cứu, xem xét để có thể phê chuẩn trong thời gian sớm nhất trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Tuy nhiên, với tư cách thành viên, dù có phê chuẩn hay không, Việt Nam vẫn có nghĩa vụ phải thực hiện các Công ước cơ bản này theo Tuyên bố ILO 1998. Hơn nữa, các Hiệp định CPTPP và EVFTA đều có các quy định về tiêu chuẩn lao động, đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi pháp luật cho phù hợp và thực hiện trong thực tiễn, để được hưởng các lợi ích thương mại trong Hiệp định. Bên cạnh cơ chế giám sát của ILO, các Hiệp định này đều có các cơ chế giám sát việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế ở các quốc gia thành viên. 
Sự cần thiết, mục đích, yêu cầu gia nhập Công ước 105
Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức là một trong tám công ước cơ bản của ILO. Công ước đã được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước số 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Tính đến tháng 02/2020, trên thế giới đã có 173 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập kinh tế - quốc tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, việc gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:
Về chính trị, việc gia nhập Công ước số 105 góp phần khẳng định và thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việc gia nhập Công ước số 105 cũng tiếp tục khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên của ILO, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế - quốc tế một cách sâu rộng, đã tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị tiến tới việc phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), việc gia nhập Công ước số 105 nói riêng và các Công ước cơ bản còn lại của ILO nói chung là hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. 
Về pháp lý, pháp luật Việt Nam nghiêm cấm cưỡng bức lao động và có những chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này (Hiến pháp, Bộ luật Lao động, Bộ luật Hình sự, Luật Phòng, chống mua bán người...). Đây là những tiền đề, cơ sở pháp lý quan trọng cho việc nghiên cứu đề xuất gia nhập Công ước số 105. Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ góp phần củng cố và tăng cường cơ sở pháp lý để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lao động cưỡng bức tại Việt Nam. 
Về kinh tế - xã hội, tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản về xóa bỏ lao động cưỡng bức quy định trong Công ước số 105 thể hiện giá trị tiến bộ của nhân loại về lao động. Việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105 sẽ góp phần ngăn chặn các nguy cơ cưỡng bức lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giúp cho môi trường lao động ổn định, hài hòa, thông qua đó tác động tích cực đến nâng cao năng suất lao động, giúp hàng hóa của Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU và Hoa Kỳ, từ đó giúp cho nền kinh tế phát triển bền vững và đảm bảo công bằng xã hội tốt hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa. 
Việc gia nhập Công ước số 105 không trái với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 khẳng định “Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng an toàn; được hưởng lương và chế độ nghỉ ngơi” (khoản 2 Điều 35 Hiến pháp 2013) và “Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu” (khoản 3 Điều 35 Hiến pháp năm 2013). Nội dung của Công ước số 105 là xóa bỏ lao động cưỡng bức cho nên việc gia nhập Công ước số 105 bảo đảm nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế. Việc gia nhập Công ước số 105 có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, từ đó xây dựng hệ thống quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần tăng cường sự ổn định của an ninh, chính trị, kinh tế và xã hội. Việc gia nhập Công ước số 105 bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; phù hợp với đường lối đối ngoại của Nhà nước ta với phương châm độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện là thành viên của nhiều điều ước quốc tế, trong đó có các công ước nhân quyền của Liên hợp quốc và các công ước của Tổ chức ILO. 
Những nội dung chính của Công ước 105
Công ước số 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức có 10 Điều. Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 2, từ Điều 3 đến Điều 10 là những quy định về thủ tục. Tại Điều 1 Công ước số 105 quy định xóa bỏ lao động cưỡng bức trong 5 trường hợp: Mọi quốc gia thành viên của ILO gia nhập Công ước này cam kết bãi bỏ lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, và cam kết không sử dụng bất kỳ hình thức nào của loại lao động đó: (1) như là một biện pháp cưỡng chế hay giáo dục chính trị, hoặc như một sự trừng phạt đối với những ai đang có hoặc đang phát biểu chính kiến, hay ý kiến chống đối về tư tưởng đối với trật tự chính trị, xã hội, hoặc kinh tế đã được thiết lập; (2) như là một biện pháp huy động và sử dụng nhân công vào mục đích phát triển kinh tế; (3) như là một biện pháp về xử lý vi phạm kỷ luật lao động; (4) như một sự trừng phạt đối với việc đã tham gia đình công; (5) như một biện pháp phân biệt đối xử về chủng tộc, xã hội, dân tộc hoặc tôn giáo. Điều 2 Công ước số 105 quy định: Mọi Nước thành viên của ILO đã gia nhập Công ước này cam kết sử dụng các biện pháp có hiệu quả nhằm xóa bỏ ngay và toàn bộ lao động cưỡng bức bắt buộc, như đã quy định tại Điều 1 Công ước này. 
Về hiệu lực, hình thức, thời hạn hiệu lực: Công ước số 105 có hiệu lực với Việt Nam sau 12 tháng kể từ khi văn kiện gia nhập của Việt Nam được đăng ký với Tổng giám đốc ILO. Công ước số 105 có hiệu lực vô thời hạn, tuy nhiên, nếu Việt Nam gia nhập Công ước này có thể bãi ước/rút khỏi Công ước sau khi kết thúc thời hạn 10 năm kể từ khi Công ước có hiệu lực lần đầu tiên bằng cách thông báo với Tổng giám đốc của Văn phòng ILO để đăng ký việc bãi ước/rút khỏi Công ước. Trong trường hợp 01 năm sau khi kết thúc thời hạn 10 năm nêu trên mà Việt Nam không thực hiện quyền này, thì sẽ bị ràng buộc trong một thời hạn 10 năm nữa rồi sau đó mới có thể bãi ước/rút khỏi Công ước này mỗi khi kết thúc thời hạn 10 năm. Và Công ước số 105 sẽ được áp dụng trên toàn bộ lãnh thổ nếu Việt Nam gia nhập Công ước này. 
Khi trở thành thành viên của Công ước số 105, Việt Nam có những quyền và lợi ích cơ bản sau: Việt Nam có quyền bãi ước/rút khỏi Công ước số 105 sau khi gia nhập. Đối tượng hướng đến của Công ước số 105 là người lao động. Việc xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động. Người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần ổn định lực lượng lao động, tăng cường quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động. Nhà nước và xã hội cũng được hưởng lợi từ do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Việc xóa bỏ, không có lao động cưỡng bức sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường thế giới để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình, nhất là thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu. Đây là lợi ích lớn có được từ việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105. 
Bên cạnh đó, khi trở thành thành viên của Công ước số 105, Việt Nam có những nghĩa vụ cơ bản sau: Việt Nam cần hoàn thiện pháp luật và có những biện pháp phù hợp, hiệu quả để đáp ứng yêu cầu của Điều 1 và Điều 2 Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Sau khi gia nhập Công ước này, Việt Nam có nghĩa vụ tuân thủ báo cáo định kỳ hoặc báo cáo đột xuất về các biện pháp đã tiến hành để tạo hiệu lực cho các điều khoản của Công ước theo quy định tại Điều 22 Điều lệ của  ILO.  Qua rà soát nghiên cứu cho thấy các quy định của pháp luật Việt Nam phù hợp với các quy định của Công ước số 105 (nội dung chi tiết xin xem tại Báo cáo Đánh giá sự phù hợp giữa quy định của Công ước số 105 của ILO với quy định của pháp luật Việt Nam kèm theo). Vì vậy, không có đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước này. 
Một số biện pháp triển khai thực hiện
Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII khẳng định “Hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, nhất là hội nhập kinh tế. Việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do đã có và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với việc hình thành Cộng đồng ASEAN trong năm 2015 mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức”. Chính vì vậy, để tăng cường hội nhập và hội nhập hiệu quả với khu vực và thế giới, giảm bớt các tác động tiêu cực, chúng ta phải chủ động tích cực đổi mới thể chế, điều chỉnh luật pháp trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng các cam kết trong các Hiệp định trên nhiều lĩnh vực trong đó có các tiêu chuẩn về lao động, trong đó có Công ước số 105. 
Mặt khác, nước ta hiện là thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế và tham gia các  hiệp định thương mại tự do là sự lựa chọn quan trọng để tạo ra “cú huých” hỗ trợ thay đổi pháp luật và thực tiễn lao động trong nước nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với phát triển xã hội. Để làm được điều đó cũng như để bảo đảm thực thi đầy đủ, có hiệu quả Công ước trên thực tiễn sau khi gia nhập, Việt Nam cần thực hiện một số công việc/biện pháp cụ thể sau: 
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước số 105 tới người lao động, người sử dụng lao động, các cơ quan, tổ chức có liên quan. Tập trung đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Thứ hai, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hỗ trợ công tác phòng, chống, xóa bỏ lao động cưỡng bức gắn với xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lao động liên quan theo đúng quy định của Công ước số 105. Đồng thời định kỳ hoặc theo yêu cầu báo cáo Tổ chức ILO về việc triển khai thực hiện Công ước số 105. 
Thứ ba, Đảng và Nhà nước cần tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để giữ được niềm tin của nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chỉ đạo chặt chẽ quá trình thực hiện các điều khoản lao động trong các hiệp định thương mại tự do để kiểm soát nguy cơ "diễn biến hòa bình" của thế lực thù địch nhằm chống phá nước ta được nhắc lại trong Nghị quyết Đại hội lần thứ 12 của Đảng.
Thứ tư, các bộ, ngành cần có nghiên cứu sâu về tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam (EVFTA), đặc biệt tác động của việc thực hiện các tiêu chuẩn lao động quốc tế đối với người lao động trong lĩnh vực do bộ, ngành phụ trách, trên cơ sở đó xây dựng các chính sách và chương trình phù hợp, đảm bảo đời sống, việc làm của người lao động, đồng thời góp phần nâng cao năng xuất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thực tiễn ở Việt Nam trong những năm qua, hàng ngàn cuộc đình công tự phát của người lao động đều liên quan đến vấn đề về tiền lương và điều kiện lao động.
Thứ năm, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, cùng các cơ quan an ninh để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nhằm trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến việc thực hiện Công ước số 105. Song song đó, cần tổ chức đánh giá toàn diện việc triển khai thực hiện Công ước số 105 trong giai đoạn 5 năm đầu sau khi gia nhập Công ước, rút kinh nghiệm và bổ sung giải pháp để triển khai có hiệu quả Công ước số 105 tại Việt Nam. 

                                                                                              
 KIẾN QUỐC
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh 

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 62
  • Trong tuần: 1 600
  • Tất cả: 3084700