Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội - một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện
Sáng ngày 26/5/2020, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Qua thảo luận hầu hết các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều cơ bản thống nhất với nội dung giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dự thảo Luật, tuy nhiên qua ý kiến thảo luận của các ĐBQH thì vẫn còn nhiều vấn đề trong dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, giải trình trước khi biểu quyết thông qua vào sáng ngày 16/6/2020.  

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội sáng ngày 26/5/2020
 (Nguồn: media.quochoi.vn)

Về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Điều 23 và Điều 43, hầu hết các ĐBQH đều đồng tình với số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% song đề nghị cần nghiên cứu cơ chế dành tỷ lệ nhất định khoảng 3-5% cho các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý đủ các điều kiện về sức khỏe, có kinh nghiệm, năng lực công tác, có trí tuệ, uy tín và bản lĩnh để có thể tham gia làm ĐBQH hoạt động chuyên trách, mà không giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH. Một số ý kiến ĐBQH khác cho rằng cần nâng tỷ lệ này lên 50% nhằm đảm bảo tính chuyên nghiệp của Quốc hội cũng như phù hợp với hoạt động nghị viện của đa số các nước trên thế giới (hầu hết các nước đều là hoạt động chuyên trách). 
Đối với việc bổ sung thẩm quyền của UBTVQH trong việc quy định tiêu chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách ở địa phương tại Điều 43, một số đại biểu cho rằng ĐBQH chuyên trách ở địa phương có một vai trò rất quan trọng, hiện nay chúng ta chỉ mới có tiêu chí quy định chung đối với ĐBQH chuyên trách giống như các tiêu chuẩn dành cho cán bộ chủ chốt ở địa phương. Trong khi đó, theo các đại biểu, ĐBQH chuyên trách có những tiêu chí rất riêng và khác so với các ĐBQH khác và đồng thời cũng có những điểm riêng, những điểm khác so với các tiêu chuẩn dành cho cán bộ chủ chốt ở địa phương, chẳng hạn như vấn đề bản lĩnh, kỹ năng hoạt động đại biểu dân cử và nếu như một ĐBQH chuyên trách địa phương mà hội tụ rất nhiều những phẩm chất cần thiết của đại biểu thì hiệu quả hoạt động của đoàn đại biểu rất tốt. Từ phân tích trên, các đại biểu đề nghị bên cạnh việc bổ sung quy định giao cho UBTVQH quyết định số lượng phê chuẩn danh sách ĐBQH chuyên trách như đã thể hiện trong khoản 3a Điều 43 của dự thảo luật, đề nghị bổ sung nguyên tắc giao cho UBTVQH quy định hoặc hướng dẫn tiêu chuẩn ĐBQH hoạt động chuyên trách. Theo đó, khoản 3a Điều 43 cần được thiết kế lại theo hướng tiêu chuẩn, số lượng và danh sách ĐBQH hoạt động chuyên trách tại Đoàn ĐBQH do UBTVQH hướng dẫn, quyết định và phê chuẩn.
Về quản lý ĐBQH chuyên trách và tổ chức bộ máy giúp việc của Đoàn ĐBQH tại khoản 4 Điều 43, nhiều ĐBQH đề nghị cần có đánh giá tổng kết, nghiên cứu kỹ một cách khoa học, bài bản để đảm bảo tính ổn định và mang tính hệ thống. ĐBQH cho rằng mỗi lần sáp nhập như vậy thay đổi về bộ máy, chất lượng, tâm lý và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của bộ máy giúp việc, cho nên đề nghị UBTVQH cần có tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết số 580 về thí điểm sáp nhập 3 văn phòng, đưa ra phương án hợp lý trước khi thông qua dự thảo Luật. Về phụ cấp và các chế độ đảm bảo cho hoạt động của ĐBQH và Đoàn ĐBQH tại Điều 42, nhiều đại biểu đồng tình kinh phí hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH là do ngân sách Trung ương đảm bảo đồng thời đề nghị nghiên cứu xây dựng bảng lương phù hợp với chức vụ, vị trí làm việc của các cơ quan của Quốc hội, của Đoàn ĐBQH để đảm bảo đáp ứng được điều kiện hoạt động cho ĐBQH, nhất là ĐBQH hoạt động chuyên trách và thu hút được những người có uy tín, năng lực, trình độ công tác, làm việc tại Quốc hội cũng như tại các Đoàn ĐBQH.
Về Đoàn ĐBQH tỉnh/thành phố (Điều 33), nhiều ĐBQH cho rằng vấn đề quan trọng, cốt lõi nhất là cần định vị địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH, theo đó, nhất thiết cần bổ sung quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu bên trong, ví như vị trí, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn, các đại biểu thành viên hoạt động của đoàn. Mối quan hệ công tác của Đoàn ĐBQH với UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH, quan hệ với hệ thống chính trị ở địa phương và mỗi ĐBQH thuộc Đoàn là vấn đề rất quan trọng mà Luật hiện hành chưa giải đáp cụ thể, dẫn đến hoạt động của Đoàn ĐBQH có lúc còn tùy nghi, chưa rõ nét, nếu không muốn nói là có lúc còn lúng túng về nội dung, phương thức, tính pháp lý trong hoạt động, điều hành hoạt động của đoàn rất cần được minh định rõ ràng. Bên cạnh đó, Luật không nên chỉ xác định đơn giản, chung chung rằng Đoàn ĐBQH chỉ là hình thức tổ chức hoạt động của ĐBQH theo kiểu tập hợp cơ học như hiện nay mà cần phải xác định Đoàn ĐBQH là tổ chức đại diện cho Quốc hội, là tổ chức của Quốc hội, thực thi nhiệm vụ của Quốc hội được giao tại địa phương. Từ đó, Đoàn ĐBQH phải là một chế định của Quốc hội, là thành phần, cơ cấu bên trong của Quốc hội, là cánh tay nối dài của Quốc hội ở địa phương, là chủ thể có địa vị pháp lý đầy đủ trong hệ thống chính trị và trên cơ sở đó mà thiết kế hướng trao cho Đoàn ĐBQH một số quyền, trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể, có như thế mới thấy rõ địa vị chính trị chính danh của Đoàn ĐBQH. Bên cạnh những ý kiến thống nhất cần nêu rõ địa vị pháp lý của Đoàn ĐBQH thì một số ĐBQH cho rằng Đoàn ĐBQH không phải là cơ cấu, tổ chức của Quốc hội bởi vì trong Hiến pháp không có nội dung nào nói về Đoàn ĐBQH, mà Đoàn ĐBQH thực chất là một hình thức sinh hoạt của các ĐBQH được bầu ở một địa phương, trong điều kiện các ĐBQH không có bộ máy giúp việc riêng và Văn phòng Đoàn ĐBQH mới là bộ máy hành chính để bảo đảm cho Đoàn ĐBQH và ĐBQH hoạt động ở các địa phương. 
Trong phần tranh luận, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng không nên tăng cường ĐBQH là chuyên gia bởi vì ĐBQH là chính trị gia nên phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của các thiết chế quyền lực nhà nước, các nguyên lý vận hành của các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội để khởi xướng chính sách và thuyết phục chính sách. Nếu ĐBQH là chuyên gia am hiểu sâu vào từng lĩnh vực cụ thể thì không đúng nguyên lý tổ chức, vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất đó là Quốc hội. Song song đó, theo đại biểu Lê Thanh Vân, hạt nhân hoạt động của Quốc hội chính là ĐBQH và Quốc hội đang chuyển từ một Quốc hội hoạt động hình thức sang một Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho ĐBQH, trước hết là năng lực pháp lý, thứ hai là các điều kiện bảo đảm cho hoạt động của ĐBQH. Trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề năng lực lập pháp của ĐBQH. Quyền trình dự án luật, quyền sáng kiến pháp luật của ĐBQH nếu như không được bảo đảm thì quyền khởi xướng chính sách chắc chắn chỉ có thiên về duy nhất Chính phủ và lúc đó Quốc hội sẽ không còn nắm giữ được vai trò chủ đạo là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp.
Về nâng cấp Ban công tác đại biểu và Ban Dân nguyện của UBTVQH thành cơ quan chuyên môn của Quốc hội, đa số ĐBQH trong phiên thảo luận cho rằng Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện là hai cơ quan thuộc UBTVQH được thành lập từ năm 2003, qua hơn 17 năm hình thành và phát triển đã khẳng định được vai trò, vị thế và trách nhiệm của mình trong hoạt động của Quốc hội. Ban Công tác đại biểu, Ban Dân nguyện  vừa qua không chỉ thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn của UBTVQH mà còn thực hiện tốt các hướng dẫn, giữ vững mối liên hệ với Thường trực HĐND cấp tỉnh, tổ chức hội nghị, hoạt động của HĐND, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động của HĐND và Thường trực HĐND các cấp, coi đây là một chỗ dựa cho hoạt động của lĩnh vực dân cử của mình và đã tạo uy tín, chất lượng cho đại biểu dân cử. Tuy nhiên, vị trí pháp lý của 2 cơ quan này chưa được cụ thể trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Do đó, dự thảo luật cần cụ thể hóa Kết luận số 64 ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có nội dung chuyển một số ban của UBTVQH thành ban của Quốc hội và việc lập chức danh Tổng Thư ký Quốc hội. Điều này hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp (khoản 6, khoản 7 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013). Vì vậy, đa số ĐBQH cho rằng việc bổ sung hai cơ quan này là cơ quan do Quốc hội thành lập nhằm nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc cho Quốc hội vào dự thảo Luật lần này là phù hợp.

ĐBQH Thạch Phước Bình phát biểu tại phiên họp sáng ngày 26/5/2020
(Nguồn: media.quochoi.vn)

 

Thể hiện quan điểm của mình đối với các nội dung sửa đổi lần này của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, từ điểm cầu Trà Vinh, ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh, cho rằng hiện nay, hầu hết các ĐBQH chuyên trách gần như tự bơi, tự nỗ lực trong hoạt động do thiếu chuyên gia, thiếu đội ngũ, giúp việc; ĐBQH chuyên trách ở địa phương ngoài lương, chế độ phụ cấp, các chế độ còn lại trong hoạt động không khác gì so với các đại biểu kiêm nhiệm mà còn rất thấp so với nghị sĩ các nước. Do đó, dự thảo luật cần bổ sung, xác định rõ vị trí pháp lý của ĐBQH chuyên trách nhằm tạo điều kiện cho ĐBQH chuyên trách tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả trong hoạt động Quốc hội, các cơ quan Quốc hội và Đoàn ĐBQH.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình để tạo cơ sở và tiền đề cho việc xây dựng Đề án bầu cử ĐBQH khóa XV cần nâng tỷ lệ ĐBQH chuyên trách lên mức cao hơn, ông đề xuất là trên 50%; đề nghị cần bổ sung quy định chặt chẽ hơn việc thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH, giao cho Quốc hội hoặc UBTVQH thẩm quyền cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH, nếu Quốc hội hoặc UBTVQH nhận thấy ĐBQH không thể hoặc không có điều kiện thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội trong thời gian dài do nguyên nhân ốm đau, hoặc một số lý do bất khả kháng khác mà không cần phải có đơn xin thôi của đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, cần bổ sung quy định về xử lý kỷ luật đối với ĐBQH và đại biểu dân cử nói chung; quy định việc cho thôi, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với ĐBQH là cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức theo hướng, nếu bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì bãi nhiệm; bổ sung quy định nguyên tắc việc cho thôi nhiệm vụ hoặc miễn nhiệm chỉ áp dụng đối với trường hợp vì lý do sức khỏe hoặc điều trị bệnh dài hạn, có quyết định của cơ quan có thẩm quyền điều động ra nước ngoài công tác dài hạn hoặc các lý do khác mà ĐBQH có đơn xin thôi và không áp dụng cho thôi hoặc miễn nhiệm đối với các trường hợp bị kỷ luật cảnh cáo trở lên.
Đối với việc chuyển Ban Công tác đại biểu và Ban Dân nguyện thành cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, sau 17 năm hình thành và phát triển, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu đã phát huy được hiệu quả hoạt động, khẳng định được vị trí của mình. Tuy nhiên, theo đại biểu, vị trí pháp lý của 02 ban này hiện nay còn chưa xứng tầm; do vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, chuyển các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành các cơ quan chuyên môn thuộc Quốc hội để thực hiện Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao các góp ý đầy trách nhiệm, tâm huyết của các vị ĐBQH tại phiên họp. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị các vị ĐBQH tiếp tục đóng góp ý kiến bằng văn bản cho dự thảo Luật này để UBTVQH có cơ sở nghiên cứu, tiếp thu và báo cáo giải trình đầy đủ trước Quốc hội.

HỮU PHÚC
Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
(Ảnh: media.quochoi.vn)

 
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 18
  • Hôm nay: 399
  • Trong tuần: 24 666
  • Tất cả: 3058116