Thảo luận đối với Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)
Sáng ngày 11/11/2019, Tổ đại biểu số 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Trà Vinh, Quảng Nam, Bình Định và Lai Châu tiếp tục thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)

Ông Thạch Phước Bình - Phó Trưởng đoàn chuyên trách phát biểu tại buổi thảo luận sáng ngày 11/11/2019

Tại buổi thảo luận, Đại biểu Quốc hội tổ 13 có 6 ý kiến phát biểu, qua đó, các ý kiến đều thống nhất với tên gọi và sự cần thiết ban hành Luật. Tuy nhiên, các đại biểu còn rằng Dự án Luật cần bổ sung cũng như xem xét đối với các lĩnh vực đầu tư, quy mô và các phương thức đầu tư, rà soát lại một số quy định của Luật này nhằm quy định thống nhất với các Luật có liên quan, việc chia sẽ rủi ro trong đầu tư,....
Tham gia, phát biểu tại phiên thảo luận, ông Thạch Phước Bình cho rằng, thời gian qua, trong quá trình triển khai các dự án theo phương thức đối tác công tư đã xảy ra rất nhiều bất cập mà phần lớn xuất phát từ việc chưa phân định rõ trách nhiệm, quyền lợi của cả hai bên, đây là vấn đề đang được quan tâm, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để thu hút khu vực tư nhân, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án PPP, thu hẹp khoảng cách về cơ sở hạ tầng so với các nước trong khu vực và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Về quy mô tối thiểu của dự án PPP được quy định trong dự thảo, “Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP là 200 tỷ đồng”. Liên quan đến nội dung này, ông Bình đặt vấn đề đối với các dự án dưới 200 tỷ đồng nếu muốn thực hiện theo hình thức PPP thì thực hiện thế nào, nhất là đối với các dự án quy mô nhỏ trong các lĩnh vực y tế, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, trụ sở cơ quan nhà nước, giáo dục,… vì vậy ông đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng giao Chính phủ quy định về hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư đối với các dự án có tổng mức đầu tư dưới 200 tỷ đồng. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị định với các quy định tương tự như Luật này nhưng ở mức độ đơn giản hơn phù hợp với các dự án PPP quy mô nhỏ.
Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, ông cho rằng còn một số nội dung chưa phù hợp với Luật Đầu tư công (sửa đổi) nên cần được xem xét, phân định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ở cấp Bộ và cấp Tỉnh.
Đối với nguyên tắc tôn trọng hợp đồng PPP, theo ông, các hợp đồng PPP là hợp đồng giữa Nhà nước và Nhà đầu tư. Hợp đồng này ràng buộc trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam chứ không chỉ dừng lại ở trách nhiệm của cơ quan hay người đại diện ký hợp đồng nên ông đề nghị cơ quan soạn thảo nên bổ sung quy định theo hướng nguyên tắc các cơ quan, cán bộ nhà nước, dù đại diện ký hay không ký hợp đồng PPP đều phải tôn trọng nội dung của hợp đồng PPP và chịu trách nhiệm về việc thực hiện các cam kết trong hợp đồng.
Bên cạnh đó, ông đề nghị bổ sung một điều khoản về bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi của pháp luật, tuy nhiên phải theo hướng có lợi cho nhà đầu tư, cụ thể: trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành có quyền lợi và ưu đãi cao hơn thì nhà đầu tư được áp dụng văn bản pháp luật mới; trường hợp văn bản pháp luật mới được ban hành có ảnh hưởng bất lợi đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư thì nhà đầu tư được áp dụng văn bản pháp luật trước đó.
Vấn đề công khai thông tin và lấy ý kiến, cũng được ông quan tâm, theo đó ông đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một điều luật về việc lấy ý kiến cộng đồng, hình thức lấy ý kiến; đối với các dự án có nguồn thu trực tiếp từ người sử dụng thì cơ quan trình hoặc quyết định chủ trương phải gửi văn bản lấy ý kiến đối tượng chịu tác động trực tiếp hoặc các tổ chức đại diện của họ; nội dung thông tin cung cấp khi lấy ý kiến phải bao gồm thông tin cơ bản về dự án, những ích lợi mang lại cho người sử dụng, mức phí/giá, thời gian thu, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, dự thảo hợp đồg; các ý kiến đóng góp cho dự án phải được tổng hợp, giải trình và gửi kèm cho cơ quan hoặc người có thẩm quyền ký hợp đồng.
Đồng thời ông đề nghị bổ sung các nội dung thông tin phải công bố gồm: công khai các hợp đồng PPP và cả phụ lục, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước, tài sản trí tuệ; công khai các báo cáo thẩm định dự án; công khai các báo cáo hoạt động của dự án, công bố định kỳ sản lượng, doanh thu của các dự án thu tiền trực tiếp từ người dùng.
Về thời hạn hợp đồng PPP, ông đề nghị điều chỉnh lại thời gian hợp đồng dự án không vượt quá thời hạn giao đất, cho thuê đất theo quy định của Luật Đất đai.


                                                                                                                                Tin, ảnh: B. T.
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 6
  • Trong tuần: 1 190
  • Tất cả: 3085642