Quốc hội thảo luận đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015
Chiều ngày 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015.

Ảnh các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận chiều ngày 25/10/2019 (Nguồn: quochoi.vn)

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nội dung của dự thảo Luật. Đồng thời, các đại biểu Quốc hội cũng góp ý vào các nội dung cụ thể như: phạm vi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; mối quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với chính quyền địa phương; việc bổ sung một số quyền hạn cho Kiểm toán Nhà nước để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, quyền truy cập dữ liệu điện tử của Kiểm toán Nhà nước, kiểm soát chất lượng kiểm toán; về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán; sự phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với cơ quan thanh tra.
Bên cạnh việc tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán Nhà nước và nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, ông Thạch Phước Bình - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã góp ý một số nội dung đối với dự luật nêu trên. Về khái niệm tài sản công, ông đề nghị cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo thống nhất khái niệm tài sản công của dự luật này với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; đồng thời xem xét bổ sung quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước trong việc quy định trình tự, thủ tục kiểm tra, đối chiếu trong thực hiện kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán... Đối với kết luận kiểm toán, đây là quyết định bắt buộc phải thực hiện và đặc biệt trong quá trình ban hành kết luận của kiểm toán thì liên tục có sự thảo luận giữa đối tượng được kiểm toán và người kiểm toán, để có được sự thống nhất đến mức tối đa. Trường hợp có những vấn đề còn xảy ra tranh cãi, thì khi quyết định đó ban hành phải thực hiện và sau đó vẫn có quyền khởi kiện.


ĐBQH Thạch Phước Bình - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH phát biểu
tại phiên thảo luận chiều ngày 25/10/2019 (Nguồn: quochoi.vn)

Về quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán là một trong những nội dung được nhiều ĐBQH quan tâm, dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Kiểm toán Nhà nước 2015 đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị KTNN.
Do đó, đề nghị quy định rõ trong dự thảo Luật việc đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng KTNN về hành vi của Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của đoàn kiểm toán; đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng KTNN về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng KTNN về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng KTNN phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN. Và quy định rõ nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa.
Về trình tự, thủ tục khởi kiện, đề nghị xem xét một số nội dung mang tính kỹ thuật của Luật Tố tụng hành chính, cụ thể là bổ sung cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN” vào sau cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh” tại một số điều khoản của Luật Tố tụng hành chính, nhằm bảo đảm các quy định về khởi kiện có thể thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Bên cạnh đó, tuy vấn đề khiếu nại trong hoạt động kiểm toán được sửa đổi, bổ sung đã khớp với khoản 5 Điều 3 của Luật Khiếu nại nhưng các điều kiện để thụ lý khi có khiếu nại chưa rõ. Chẳng hạn, hiện nay với quyết định thu hồi đất, hay cưỡng chế thu hồi đất đều vẫn phải thực hiện, nhưng người dân có thể không đồng tình với quyết định đó thì sẽ khiếu nại. Do đó, đề nghị bổ sung quy trình, thủ tục thực hiện khiếu nại đó sẽ thực hiện theo 2 bước và mỗi bước đều phải ra thông báo, trong mỗi bước đó đều có đối thoại đối với người khiếu nại.
Về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp đối với KTNN. Việc đề xuất bổ sung quy định này xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khi các cơ quan đề nghị KTNN thực hiện giám định đối với một số vụ việc cụ thể phục vụ quá trình xem xét, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tuy nhiên, nếu bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN thì lĩnh vực giám định của KTNN sẽ là tài chính công, tài sản công nên chồng chéo với nhiệm vụ giám định tư pháp của nhiều cơ quan, đơn vị đã quy định trong Luật Giám định tư pháp. Đồng thời với đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp dự kiến trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Trong quá trình sửa đổi Luật sẽ nghiên cứu, bổ sung nội dung này nếu cần thiết.
Mặt khác, hiện nay Luật Giám định tư pháp có quy định về thẩm quyền giám định của KTNN là giám định theo vụ việc. Ngành Kiểm toán khác các ngành khác, như ngành Tài chính thì có lĩnh vực tài chính và theo luật hiện hành thì Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm lập danh sách các giám định viên trong lĩnh vực này và công bố danh sách; chỉ ra một số tổ chức giám định chuyên môn về tài chính và đây không phải là một cơ quan giám định chuyên trách, chuyên nghiệp như giám định pháp y, hay giám định tâm thần, giám định kỹ thuật hình sự mà chỉ là những cơ quan giám định vụ việc, theo đó, khi nào cơ quan có thẩm quyền trưng cầu mời thì cơ quan đó vào làm việc. Vì vậy, đề nghị xem xét bỏ quy định về bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp cho KTNN để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật. Việc thực hiện nhiệm vụ này của KTNN sẽ theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp.
Bên cạnh đó, để đảm bảo giá trị bắt buộc của báo cáo kiểm toán, ông đề nghị Dự thảo Luật cần quy định rõ trong thời gian giải quyết kiến nại hoặc khởi kiện, đơn vị được kiểm toán, các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán phải thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của KTNN.
Về nội dung tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu theo hướng rà soát, quy định rõ nguyên tắc phối hợp, vai trò chủ trì của KTNN trong công tác phối hợp với thanh tra để tránh chồng chéo, trùng lắp từ xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra hàng năm; bổ sung kế hoạch hoạt động trong năm; triển khai thực hiện kế hoạch kiểm toán, kế hoạch thanh tra; bỏ quy định về cơ quan kiểm tra vì trên thực tế, chỉ có cơ quan kiểm tra của Đảng và hoạt động của KTNN không chồng chéo, trùng lắp với hoạt động của cơ quan này. Đồng thời, Dự thảo luật cần bổ sung nội dung trường hợp hai cơ quan không thống nhất được việc xử lý trùng lắp, chồng chéo thì báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét.
Đối với nội dung bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng, ông cho rằng, để phù hợp với xu thế chung của thế giới, nhiều nước cho phép Kiểm toán viên có quyền truy cập dữ liệu điện tử. Mặt khác việc cho phép truy cập dữ liệu điện tử cũng nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu thời gian làm việc tại đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao chất liệu, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Trong quá trình truy cập điện tử của đơn vị được kiểm toán, Kiểm toán viên phải tuân thủ các nguyên tắc bảo mật và giới hạn phạm vi thông tin được truy cập theo quy định. Tuy nhiên, để đề xuất này mang tính thuyết phục cao, ông đề nghị yêu cầu cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo làm rõ trong báo cáo giải trình, tiếp thu như: làm rõ dữ liệu quốc gia; có quy định về giám sát để đảm bảo an toàn dữ liệu...
Về nội dung “Thẩm quyền ban hành VBQPPL của Tổng KTNN”, ông đề nghị quy định theo hướng mang tính nguyên tắc chung về thẩm quyền của KTNN trong việc ban hành VBQPPL và xử lý vi phạm hành chính, không quy định cụ thể các nội dung liên quan và dẫn chiếu theo hướng thực hiện theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL và Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, cho biết, các ý kiến của đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ và có tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quôc hội biểu quyết thông qua. Theo dự kiến của Chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua vào chiều ngày 26/11 tới.

                                                                    Tin: B. T. Loan (Ảnh: quochoi.vn)
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 36
  • Hôm nay: 1603
  • Trong tuần: 13 710
  • Tất cả: 3031029