Quốc hội thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi)
Ngày 23/10/2019, Kỳ họp  thứ tám, Quốc hội khóa XIV tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Ảnh các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ngày 23/10/2019

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự thảo Bộ luật Lao động đã tiếp thu và chỉnh sửa nhiều nội dung. Tuy nhiên, dự thảo vẫn còn một số nội dung còn ý kiến khác nhau, vì vậy trong buổi điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) có phạm vi điều chỉnh rộng, có nhiều nội dung được sửa đổi cũng như nhiều nội dung mới có tác động đến người lao động và đến nay dự thảo Luật vẫn còn một số vấn đề còn ý kiến khác nhau nên đề nghị Quốc hội xem xét thảo luận nhằm thể hiện sự thận trọng, tích cực trong xây dựng lập pháp vừa bảo đảm tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Tại phiên thảo luận, về cơ bản đa số các đại biểu tán thành với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nội dung sửa đổi của Bộ luật. Tuy nhiên, việc thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp này phải thận trọng và cân nhắc dựa trên cơ sở thảo luận của các đại biểu nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội.


Ảnh phát biểu của ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên 
trách tỉnh Trà Vinh tại Hội trường

Bên cạnh đó, nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tại phiên thảo luận tại hội trường, ông Thạch Phước Bình, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh Trà Vinh đã tham gia phát biểu xoay quanh một số nội  dung sau:
Về giải thích từ ngữ, ông đề nghị bổ sung và giải thích nội dung “Việc làm cũ không còn”, vì theo ông, dự thảo Luật quy định lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại  làm việc sau khi nghỉ hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định mà không bị cắt giảm các quyền, lợi ích và điều kiện làm việc so với trước khi người lao động nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn  thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản. Nhưng khái niệm “việc làm cũ không còn” có cách hiểu khác nhau, vì vậy trên thực tế có những trường hợp  vị trí việc làm đó vẫn còn mà lao động nữ phải làm việc khác. Chính vì vậy đề nghị cần có giải thích từ ngữ “việc làm cũ không còn” để làm rõ là vị trí việc làm cũ không còn, khác với trường hợp vị trí việc làm đó vẫn còn nhưng được giao cho người khác đảm nhiệm.  
Vấn đề làm thêm giờ, ông cho rằng, theo các chuyên gia lao động, dù bất cứ trong điều kiện nào, người lao động khi phải kéo dài thời gian làm việc cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động. Đó là tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm; có thể gây ra thiếu việc làm do doanh nghiệp không muốn tuyển mới lao động mà huy động người lao động hiện có làm thêm giờ. Khi giới hạn làm thêm giờ của người lao động không còn nữa, họ sẽ có những nguy cơ cả chủ quan và khách quan để không thể từ chối làm thêm giờ. Về mặt chủ quan, người lao động có thể dễ dàng nhận làm thêm để tăng thu nhập bất chấp khả năng sức khỏe của bản thân. Về mặt khách quan, họ sẽ khó từ chối làm thêm giờ trước sức ép của chủ sử dụng lao động vì thực tế trong rất nhiều ngành nghề đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp tuyển dụng lao động trẻ, và sa thải khi tuổi còn rất trẻ, sau quá trình sử dụng chỉ 10 đến 15 năm. Người lao động bị vắt kiệt sức trong các công xưởng với thời gian tăng ca triền miên sẽ nhanh chóng suy hao thể lực, trí lực và không thể làm việc lâu dài. Việc khống chế thời gian làm việc tối đa trước nay được quy định dựa trên những tính toán khoa học về thể trạng của số đông người lao động, cũng như các yếu tố về tâm lý, văn hóa, đời sống của người lao động trong các ngành nghề khác nhau.
Do vậy, nếu chỉ vì lợi ích của các doanh nghiệp mà phá bỏ các quy định nhằm bảo vệ, duy trì khả năng lao động dài lâu của người lao động thì hậu quả sẽ là rất nhiều hệ lụy đối với xã hội. Đặc biệt là gia tăng tình trạng thất nghiệp khi các doanh nghiệp thay vì tuyển dụng bổ sung thì sẽ tăng ca cho lực lượng lao động hiện có. Để giảm chí phí sản xuất, nâng cao thu nhập của doanh nghiệp, người lao động, công cụ cần thiết là đổi mới doanh nghiệp, tăng cao khả năng vận hành doanh nghiệp một cách hiệu quả, thay vì tăng giờ làm việc một cách cơ hữu. Thay đổi giờ làm việc của người lao động, nếu cần, phải dựa trên các căn cứ khoa học đa ngành, các yếu tố đời sống xã hội, chứ không thể chỉ dựa trên lợi ích của các doanh nghiệp. Vì vậy, ông cho rằng Phương án 1 của dự thảo Luật là phương án tối ưu “giữ lại quy định như hiện hành và có bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trên một năm”.
Vấn đề Nghỉ trong giờ làm việc. Khoản 1 Điều 108 Bộ luật Lao động 2012 quy định “Người lao động làm việc liên tục 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật này được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, tính vào thời giờ làm việc”. Nghĩa là, nếu người lao động làm việc 08 giờ liên tục thì thời gian thực làm chỉ là 07 giờ 30 phút vì 30 phút nghỉ giữa giờ tính vào thời giờ làm việc. Trong khi đó, Dự thảo Luật sửa đổi quy định “Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc bình thường quy định tại Điều 107 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục; trường hợp làm việc ban đêm được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục và không tính vào giờ làm việc”. Với quy định này thì người lao động làm việc liên tục 08 giờ/ngày phải làm đúng thực tế là 08 giờ, số giờ làm thực tế cao hơn hiện nay 30 phút/ngày (tương đương 2,5 đến 3,0 giờ/tuần) mà không được hưởng thêm tiền lương. Nếu nội dung này được Quốc hội thông qua thì hoàn toàn ảnh hưởng theo hướng bất lợi cho người lao động. Do vậy, ông đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý cho phù hợp với thực tiễn đời sống của người lao động.
Về hình thức xử lý kỷ luật lao động. Điều 124 dự thảo Luật quy định hình thức xử lý kỷ luật lao động gồm:  “1. Khiển trách.  2. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 06 tháng; cách chức 3. Sa thải.” Theo ông, quy định này cần bổ sung 2 vấn đề: Một là, pháp luật cần bổ sung quy định theo hướng người sử dụng lao động không được áp dụng các hình thức kỷ luật lao động mà không được pháp luật lao động quy định. Hai là, pháp luật cần quy định một cách rõ ràng rằng hình thức xử lý kỷ luật sa thải chỉ được áp dụng trong những trường hợp được pháp luật quy định. Từ đó, ông kiến nghị sửa đổi Điều 124 như sau: Tùy từng trường hợp, người sử dụng lao động chỉ được áp dụng 1 trong 3 hình thức xử lý kỷ luật lao động sau đây: Khiển trách. Kéo dài thời hạn nâng lương không quá 6 tháng; cách chức. Sa thải trong những trường hợp được pháp luật quy định”. Quy định này sẽ tránh được sự “trừng phạt” bừa bãi của người sử dụng lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm kỷ luật lao động và bảo vệ quyền lợi của người lao động tốt hơn. Có như vậy, pháp luật mới tồn tại và ổn định dài lâu.
Về tuổi nghỉ hưu. Trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Ban Soạn thảo đề xuất 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Ông cho rằng ban soạn thảo cần phải tính đến những tác động có thể ảnh hưởng đến thị trường lao động, đặc biệt là việc làm của lao động trẻ vì có một thực tế không thể phủ nhận là trong thị trường lao động, rất nhiều NLĐ - nhất là công nhân làm việc trong trong lĩnh vực nặng nhọc, độc hại như dệt may, giày da - rất khó có thể làm việc đến khi nghỉ hưu (60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ). Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến họ kiệt sức nên ông đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành.
Về thời hạn giấy phép lao động. Dự thảo Luật quy định: “Thời hạn của giấy phép lao động tối đa là 2 năm; trường hợp gia hạn thì chỉ được gia hạn một lần với thời hạn tối đa là 2 năm”, ông kiến nghị giữ nguyên quy định như Luật hiện hành, không hạn chế số lần gia hạn Giấy phép lao động của người lao động nước ngoài như trong Dự thảo Bộ Luật. Đồng thời nâng thời hạn cấp Giấy phép lao động cho người nước ngoài từ 2 năm lên 3 năm. Bởi vì, trên thực tế, việc người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là do người lao động Việt Nam không thể đảm nhận được vị trí công việc đó. Nếu theo quy định của dự thảo Luật, thời hạn tối đa mà người nước ngoài có thể làm việc tại Việt Nam là 4 năm. Nếu trong 4 năm đó, người lao động Việt Nam vẫn không thể đảm nhận được công việc thì người lao động nước ngoài sẽ phải quay về nước, sau đó xin cấp giấy phép lao động mới và quay lại Việt Nam. Việc đó gây mất thời gian, công sức và chi phí cho người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, trong khoảng thời gian đó, doanh nghiệp không có người vận hành nên không thể hoạt động được, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và kinh doanh.

                                                                 Tin B T Loan, ảnh nguồn Quốc hội
Tin khác
1 2 3 4 5  ... 
70 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM
Người đại biểu nhân dân










Thống kê truy cập
  • Đang online: 21
  • Hôm nay: 1194
  • Trong tuần: 13 301
  • Tất cả: 3030620